Quá trình hoạt động của quân nhân trong môi trường học tập, công tác là quá trình trao đổi thông tin, hoàn thiện thông tin, bổ sung nhận thức, nhằm thực hiện tốt các yêu cầu tương tác xã hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong đơn vị. Thi đua đòi hỏi mỗi quân nhân phải rèn luyện hoạt động trong một tập thể lớn. thi đua tích cực sẽ động viên và thúc đẩy các hoạt động tích cực. Ngược lại, nếu động cơ thi đua không tích cực, mục đích thi đua không trong sáng, lành mạnh sẽ làm thụt lùi bước tiến của quá trình hoạt động, quá trình phát triển bền vững và làm giảm kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, tạo dư luận không tốt, mất hiệu quả của việc thi đua.
Thực tiễn trong đơn vị Quân đội ở cơ sở hiện nay cho thấy, hoạt động thi đua đã và đang trở thành một nhu cầu không thể thiếu, một động lực để mọi cá nhân, tập thể phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ở đơn vị, cổ vũ mạnh mẽ mọi quân nhân cùng tập thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của cơ quan đơn vị mình. Hoạt động thi đua thể hiện toàn diện trên tất cả các mặt, không phải thi đua là phát động – thực hiện – sơ tổng kết – trao thưởng... là xong, mà đó là một quá trình lâu dài và có mối quan hệ chặt chẽ với cả hoạt động mang tính lâu dài, ổn định, thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất rộng lớn trong đơn vị, mang tính xã hội sâu sắc.
Thực tế nhiều cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở hiện nay nhận thức vấn đề này chưa đúng, họ cho rằng thi đua chỉ thực hiện ở một giai đoạn, chỉ tập trung thi đua khi được phát động, thi đua cao điểm, thi đua đột kích là hoạt động riêng lẻ, không có mối quan hệ với phong trào thi đua lâu dài của trên. Việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua có đơn vị chưa sát với đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị mình, cá biệt có đơn vị sao chép các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua của trên, đưa vào tổ chức phát động và thực hiện chưa chặt chẽ, dễ xảy ra tình trạng “phát nhưng không động”, hoạt động tập trung ở giai đoạn đầu, giai đoạn sau thì “cờ im trống lặng”, hoặc thực hiện chỉ mạng tính cầm chừng, chưa có đơn vị thực sự nổi bật, khen thưởng thì “bó đũa chọn cột cờ”,.. do đó làm giảm đi hiệu quả thi đua, tinh thần thi đua vì thế cũng giảm đi đáng kể, đơn vị nào cũng “kiên trì” nguyên tắc “bình thường”: “huấn luyện bình thường, tư tưởng bình thường, chấp hành kỷ luật bình thường, tăng gia sản xuất bình thường,…”, đến cuối phong trào thì bắt đầu chạy đua báo cáo thành tích và đề nghị khen thưởng. Nhận thức về nội dung, chủ đề, thời gian thi đua cũng chưa tốt, không nắm được hoặc cũng “lờ mờ”. Vận dụng máy móc vào thực hiện nhiệm vụ, đôi khi bám vào thực hiện thi đua cao điểm, đột kích mà quên đi hoặc bỏ qua nội dung thi đua lâu dài, hời hợt khi trong thực hiện các nhiệm vụ khác.
Để thực hiện tốt các phong trào thi đua đòi hỏi các tập thể và cá nhân làm công tác tham mưu, tổ chức tham mưu hoạt động thi đua phải có năng lực, trình độ, tính nhạy bén trong thực hiện nhiệm vụ, kịp thời nhận thấy những vấn đề phù hợp để đưa vào tổ chức thi đua, nhằm phát hiện và nhân rộng những mặt tích cực để các cơ quan, đơn vị tiếp tục học tập, phát huy điển hình; ngăn chặn kịp thời biểu hiện tiêu cực nảy sinh, định hướng hoạt động tích cực.
Mục tiêu phong trào thi đua quyết thắng ở đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số mặt cụ thể đó là: không ngừng hoàn thiện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của quân đội; nâng cao kỷ luật, chất lượng hiệu quả trong quản lý, bảo quản và sử dụng vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật, tổ chức bảo đảm tốt đời sống, sức khoẻ bộ đội; tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, góp phần bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, yêu mến, gắn bó với đơn vị, tự hào về truyền thống quyết chiến quyết thắng của quân đội, đơn vị, tập hợp đông đảo quần chúng, đảng viên, nêu cao sức mạnh tập thể, tinh thần đấu tranh, phê bình và tự phê bình để phong trào thi đua thực sự trở thành nhu cầu không thể thiếu trong hoạt động của đơn vị.
Để phong trào thi đua của đơn vị cơ sở ngày càng bền vững và đi vào chiều sâu vững chắc, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng cấp trên và cấp mình, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất: phải làm cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở thấy được thi đua là trách nhiệm của bản thân mình và của tập thể, gắn mục tiêu, nội dung thi đua với quán triệt và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị và xây dựng các tổ chức trong đơn vị vững mạnh.
Đây là một vấn đề có tính nguyên tắc đặc biệt quan trọng, bởi thi đua là động lực để mọi cá nhân và tập thể phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đơn vị, bám sát nhiệm vụ của đơn vị để đề ra những nội dung mục tiêu, chỉ tiêu thui đua tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua phù hợp với phương châm “dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện”, để đánh giá đúng, đánh giá trúng kết quả. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi, bổ sung kịp thời những mục tiêu chỉ tiêu thi đua cho phù hợp với tình hình và sự phát triển của nhiệm vụ đơn vị, lấy hiệu quả hoạt động và kết quả xây dựng đơn vị để bình xét, đánh giá và khen thưởng đơn vị. Phong trào thi đua chỉ thực sự đi vào chiều sâu và có hiệu quả khi đơn vị xây dựng được các tổ chức thực sự vững mạnh, chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau, thực hiện các phong trào thi đua sẽ góp phần gắn kết các tổ chức trong đơn vị, phát huy đồng bộ sức mạnh trong đơn vị, đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức, tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; ngược lại, các tổ chức trong đơn vị vững mạnh là cơ sở để thực hiện tốt các phong trào thi đua, đưa phong trào thi đua vào chiều sâu vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Thứ hai: Kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, cán bộ chủ trì với phát huy cao độ tính tự giác của quần chúng trong các phong trào thi đua.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cán bộ là đầu tàu gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, người lãnh đạo chỉ huy phải thực sự là tấm gương mẫu mực về mọi mặt để cán bộ, chiến sĩ noi theo, năng lực tiến hành hoạt động thi đua là cơ sở để đánh giá năng lực công tác của cán bộ. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn của trên về công tác thi đua cùng với việc kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, cán bộ chủ trì với phát huy cao độ tính tự giác của quần chúng trong các phong trào thi đua. Muốn động viên được mọi cá nhân, tổ chức đòi hỏi các tổ chức đảng, cán bộ chủ trì phải quan tâm đến lợi ích của tập thể, lợi ích chung, vì sự phát triển ổn định của đơn vị. Động viên được mọi quân nhân thấy rằng: được tham gia vào hoạt động thi đua cung của đơn vị là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm vô cùng lớn lao. Hoạt động tích cực của quân nhân chi phối và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, qua đó nâng cao vai trò và chức năng của các tổ chức trong đơn vị, tạo được niềm tin vào đơn vị và các tổ chức. Sự tương tác qua lại của tổ chức đối với quân chúng cũng được thể hiện rõ nét, nếu tổ chức vững mạnh sẽ là cơ sở để đáp ứng mọi nhu cầu tích cực, chính đáng của quân chúng nói chung và của quân nhân trong hoạt động nói riêng.
Thứ ba: Thực hiện tốt dân chủ, công khai, gắn thi đua với khen thưởng, kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Dân chủ trong thi đua phải được thực hiện có hiệu quả, dân chủ thực sự từ việc phát động, tổ chức thực hiện phong trào, theo dõi, nhận xét, đánh giá kết quả, hướng dẫn đúng, kịp thời, thông qua chặt chẽ, lấy ý kiến tập thể, quyết định theo đa số. Để khuyến khích thực hiện phong trào thi đua, ngoài việc biểu dương còn phải động viên bằng vật chất, tạo ra phong trào “đua, đuổi, vượt” giữa các cơ quan, đơn vị. Quan tâm chăm lo tạo nguồn, nhân rộng điển hình tiên tiến, bồi dưỡng cá nhân thực sự xuất sắc làm tấm gương tích cực cho toàn đơn vị học tập. Giáo dục nâng cao động cơ thi đua, xác điịnh thi đua nhằm mục đích gì, thi đua để làm gì, kết quả thi đua ảnh hưởng thế nào đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, thi đua cầm chừng, thi đua “nửa vời”, loại bỏ hiện tượng “ganh đua”, tranh công đổ lỗi trong thực hiện nhiệm vụ, thấy thi đua là nhu cầu không thể thiếu trong thực nhiệm nhiệm vụ, là động lực để thúc đẩy quá trình hoạt động của đơn vị. Xây dựng kế hoach tổ chức phong trào thi đua và tổ chức thực hiện chặt chẽ, có phân công kiểm tra, uốn nắn, phê bình, nhắc nhở, tổ chức cho đơn vị và cá nhân giao ước thi đua chặt chẽ, cam kết thực hiện mang tính tự giác, có động cơ đúng đắn, hướng đến lợi ích chung của tập thể đơn vị, khắc phucxj mọi biểu hiện lệch lạc trong thi đua; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích. Lựa chon bồi dưỡng những cá nhân, tập thể thực sự điển hình tiên tiến để làm cơ sở nhân rộng trong toàn đơn vị, tạo một không khí thi đua thật sự, đoàn kết, thống nhất. Bên cạnh đó còn phải quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, càng thi đua đơn vị càng ổn định, các thiết chế văn hóa đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đời sống của cán bộ, chiến sĩ.
Thứ tư: Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 39/CT-TW, ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; Chỉ thị số 692/CT-QUTW ngày 24/12/2010 của Thường vụ QUTW về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào TĐQT và công tác TĐKT 5 năm (2011-2015); Nghị định 42 của Chính phủ; Thông tư 79 của Bộ Quốc phòng; các chỉ thị, hướng dẫn của TCCT; quy chế mới về công tác TĐ-KT và chấm điểm thi đua trong đơn vị, nêu cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, bảo đảm cho phong trào phát triển thường xuyên, liên tục, thực chất và vững chắc.
Tập trung cải tiến phương pháp tổ chức thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, chú trọng khâu giáo dục động cơ, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua và duy trì nền nếp công tác thi đua cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội và tương đương. Làm tốt công tác sơ, tổng kết về thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các điển trình tiên tiến; gắn tổ chức thực hiện các phong trào thi đua với các cuộc vận động đang triển khai trong quân đội và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phổ biến những những kinh nghiệm hay của các tập thể, cá nhân trên mọi lĩnh vực, tham quan phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo để các đơn vị cùng trao đổi, học tập từ đó tạo phong trào "Đua - đuổi - vượt” và nhân rộng các điển hình trong toàn đơn vị./.
Thượng úy Phạm Nhật Vũ
Phòng Chính trị, Sư đoàn BB2, Quân khu 5 HT 6NH – 602 An Khê, Gia Lai