Những năm qua, các lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, diễn ra sôi động trên khắp mọi vùng, miền đất nước. Sự sôi động, nhộn nhịp của các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân, củng cố, nâng cao giá trị đạo đức, lối sống của người Việt, củng cố, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực các lễ hội,tín ngưỡngđã và đang có nhiều tác động tiêu cực đối với xã hội, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm trên phương diện quản lý Nhà nước, có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, nhiều lễ hội, tín ngưỡng đang có chiều hướng phát triển thiên lệch, xa rời dần bản chất; nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội, tín ngưỡng có xu hướng lệch lạc.
Trong hoàn cảnh xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, người dân đang có xu hướng trở về với những giá trị truyền thống trong các loại hình tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng, thờ các anh hùng dân tộc, thờ mẫu...,là biểu hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực này thì một bộ phận không nhỏ người dân tham giavào các hoạt động tín ngưỡng không bằng tâm thành kính, hướng về cội nguồn, mà mang tính chất vụ lợi, thực dụng. Tâm lý trông chờ vào sự trợ giúp của thần, thánh xuất hiện ở nhiều người và nhiều tầng lớp người trong xã hội. Hoạt động lễ hội,tín ngưỡng sôi động trở lại nhưng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được dung nạp, duy trì hàng nghìn năm trong hệ thống tín ngưỡng đang bị phát triển thiên lệch.
Trong phạm vi gia đình, dòng tộc, ở nhiều địa phương,từ khu vực thành thị tới nông thôn, hiện tượng tế lễ, phúng điếu linh đình, cầu kỳ, tốn kém trong ma chay, giỗ chạp; hoạt động xem ngày, kén giờ để cử hành các nghi lễ tang, ma; mời thày cúng lập đàn cúng tế, lập ban thờ, xem hướng đặt mồ mả…diễn ra khá phổ biến. Cùng với đó là phong trào xây dựng mồ mả, từ đường dù hoàn cảnh kinh tế của nhiều gia đình còn rất khó khăn. Sự phục hồi sôi động của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng phát sinh không ít các tiêu cực khác như mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ về đất đai, về các khoản đóng góp…
Các sinh hoạt tín ngưỡng chung của cả cộng đồng như thờ thành hoàng làng, thờ anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóacũng đang bịbiến dạng, méo mó. Từ ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, giờ đây các anh hùng, các danh nhân văn hóa, những người có công với cộng đồng đang dần bị biến thành những vị thánh mang đầy bản chất thực dụng để đáp ứng mong muốn trần tục của người dân. Lễ khai Ấn đền Trần (Nam Định) từ ý nghĩa là lễ khai mở cửa đền của thủ nhang, giờ đây lễ hội này đã bị biến đổi ý nghĩa thành lễ khai ấn để cầu thăng quan, tiến chức. Trần Hưng Đạo từ một anh hùng dân tộc cũng trở thành vị thánh siêu phàm, cầu gì được nấy; Mẫu Liễu Hạnh cùng các Thánh bà, Thánh ông trong hệ thống tín ngưỡng thờ mẫu từ chỗ là người trông nom, coi sóc các vùng miền của vũ trụ giờ đây trở thành những vị thánh vạn năng, giúp phát tài phát lộc.
Một hoạt động tín ngưỡng bị lạm dụng đáng kể nữa là hầu đồng. Ngày nay, các “con nhang đệ tử” theo dự các giá hầu không vì mục đích tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống đích thực trong tín ngưỡng thờ mẫu mà chủ yếu để cầucác“thánh” giải tai ương, hạn ách hoặc cầu tài, lộc, công danh… Mỗi lễ hầu đồng tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, hiện tượng đồng đua, đồng đú nở rộ và xu hướng mẫu hóa các cơ sở thờ tự gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân để thu lời... Đặc biệt, khi loại hình tín ngưỡng thờ mẫu cùng diễn xướng hầu đồng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì hầu đồng không còn dừng lại trong không gian thờ tự linh thiêng mà đã phát triển lan đến các không gian khác như trong căn hộ chung cư, quán cà phê(1),…
Trong sinh hoạt tín ngưỡng còn diễn ra tình trạng “người dân đang mặc cả với thần linh” với tâm lý cứ mâm cao, cỗ đầy, thần linh sẽ phù hộ cho nhiều phúc lộc. Ởcác đình, đền, miếu, phủ,… ngày rằm, mùng một khói hương nghi ngút, ngày hội, ngày lễ đông nghịt người không còn chỗ chen chân, đâu đâu cũng thấy vàng mã, hương hoa, oản quả tràn ngập. Một số cơ sở thờ tự như Đền Bà Chúa kho (Bắc Ninh), Phủ Dày (Nam Định), Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang)…. luôn tràn ngập đồ cúng lễ và gần như nhộn nhịp quanh năm. Theo ước tính của một số nhà nghiên cứu, mỗi năm người Việt Nam đốt hàng trăm tỷ đồng vàng mã.
Nói đến sinh hoạt tín ngưỡng không thể không đề cập đến lễ hội vì tín ngưỡng là phần hồn, phần cốt, lễ hội là vỏ bọc của tín ngưỡng. Lễ hội truyền thống chứa đựng khát vọng và là nơi giải tỏa những ước muốn tâm linh của người nông dân trong xã hội xưa. Lễ hội làng được mở trước và sau mỗi mùa vụ sản xuất nhằm thiết lập sự cân bằng cần thiết trong quan hệ nhiều chiều giữa người và người; giữa người và vạn vật; người và thần linh; người và vũ trụ. Người dân đến với tín ngưỡng, lễ hội để bày tỏ sự tôn kính thần linh và mong ước về những điều tốt lành trong cuộc sống, vì vậy, lễ hội truyền thống mang tinh thần hướng thượng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hoạt động lễ hội truyền thống ở Việt Nam đang dần bị biến dạng, gây tốn rất nhiều giấy mực của giới nghiên cứu và gây đau đầu cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Ở nhiều lễ hội, cái thiêng trong tín ngưỡng, lễ hội đã bị những nhu cầu trần tục của con người làm cho vẩn đục, cái dung tục đã dần thay thế cho cái thiêng và lòng thành kính. Người dân đến với sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội chỉ mong cầu tài, cầu lộc, cầu may bằng mọi giá mà bỏ quên sự thành kính thần, thánh. Với tâm lý cầu may, cầu lộc của người đi hội nên lễ hội trở thành những đám đônghỗn loạntranh cướp lộc thánh, thần, mong cầu điều lợi cho bản thân, bất chấp sự an toàn, thậm trí cả tính mạng của đồng loại.Thực trạng lễ hội Đền Trần (Nam Định), lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ),… những năm gần đây là những thí dụ điển hình.
Các dịch vụnhưxóc thẻ, bói quẻ, xin xăm, tử vi, tướng số, xem tuổi, đoán vậnvàmột sốdịch vụ hiện đại như: cho thuê đồ lễ, sắp lễ thuê, mang vác đồ lễ thuê và thậm trí là khấn thuê…nở rộ ở nhiều lễ hội. Không gian thiêng của lễ hội còn bị thương mại hóa bởi nạn tiền lẻvung vãi khắp trên các ban thờ, tượng thờ, thậm trí vương vãi khắp cả sân đình, đền, miếu, phủ. Bên trong cơ sở thờ tự hòm công đức bày la liệt, cùng với đó ở nhiều nơi còn có thêm những bàn ghi nhận công đức làm cho không gian thiêng của tín ngưỡng ngày càng nặng màu sắc thương mại.
Nhìn vào sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội ở Việt Nam những năm gần đâycó nhà nghiên cứu đã chua xót nói rằng,người Việt đang “tắm mình”trong các nghi lễ cúng bái, thờ phụng, nhưng hồn dân tộc Việt đang mất dần trong tín ngưỡng, lễ hội.
Tình trạng trênđặt ra vấn đề cho các cơ quan nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý là làm sao để định hướng người dân có được những sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh; để những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống trong tín ngưỡng được duy trì, phát huy, được thực hành sống động trong xã hội hiện đại, góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân; mặt khác hạn chế dần những mặt tiêu cực nảy sinh, đưa sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội trở lại với những giá trị thực trên cơ sở bảo lưu những giá trị đã có và bổ sung thêm những giá trị mới.
Thứ hai, trong nhiều lễ hội tín ngưỡng còn tồn tại những tục hèm tối cổ, ít hoặc không còn phù hợp với điều kiện mới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý con người hiện đại.
Trong lễ hội tín ngưỡng ở Việt Nam, đặc biệt lễ hội thờ thành hoàng làng ở khu vực vùng đồng bằng sông Hồng còn tồn tại khá nhiều các giá trị văn hóa của người Việt cổ. Hiện nay, bên cạnh các tục hèm(2)mang giá trị văn hóa truyền thống còn một số tục hèm tối cổ ít hoặc không phù hợp với điều kiện xã hội mới. Tiêu biểu như tục hèm chém lợn (ở lễ hội thờ thành hoàng của các làng Ném Thượng, thành phố BắcNinh(3), làng Duyên Yết xã Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội); lễ hội hiến tế trâu trong lễ hội chọi trâu (Hải Lựu -Vĩnh Phúc, Đồ Sơn- Hải Phòng,…)5có những hình ảnh phản cảm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong giới nghiên cứu, các nhà quản lý và trong xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, các tục hèm này cần loại bỏ vì nó không phù hợp với tinh thần nhân văn của thời đại. Nhưng một số nhà nghiên cứu và đặc biệt, người dân ở các làng nói trên – chủ thể của lễ hội,tín ngưỡng lại cho rằng, giữ gìn những nghi lễ cũ là giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông, bỏ tục hèm đồng nghĩa lễ hội không còn giá trị.
Như vậy, các nhà nghiên cứu,quản lý văn hóa cần rà soát,tìm hiểu kỹ cáctục hèm của cáclễ hội.Với những tục hèm tối cổ ít hoặc không còn phù hợp với điều kiện xã hội mới thì cần nghiên cứu thay thế nó bằng các nghi lễ khác có ý nghĩa tương đương, hoặc thể hiện nó với hình thức khác phù hợp với xã hội mới, nhưng không làm thay đổi nội dung, ý nghĩa của tín ngưỡng, được người dân đồng tình chấp nhận.
Thứ ba, công tác bảo tồn, trùng tu di tích, khôi phục các loại hình lễ hội,tín ngưỡngđang có xu hướng làm sai lệch hoặc biến dạng những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng là nhiệm vụ song trùng của hai ngành văn hóa và tôn giáo. Trên thực tế, vì thiếu những quy định pháp luật rõ ràngvàsự chồng chéo của các cơ quan quản lý dẫn đến tình trạng có những nội dung thì hai ngành cùng quản lý nhưng cũng có những nội dung lại không được ngành nào quan tâm. Trong sự tác động tự phát bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội có sự phát triển thiên lệch, vượt ra ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật, đặc biệt làhoạt động lễ hội ngày càng xô bồ, bát nháo.
Phong trào rầm rộ khôi phục các lễ hội và các di tích lịch sử- văn hóa gắn với tín ngưỡngnhững năm gần đây, do không được hướng dẫn, quản lý chặt chẽ bởi các ngành chức năng đã nảy sinh không ít những vấn đề phức tạp. Nhiều công trình tín ngưỡng được xây dựng theo mô típ xa lạ với giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo nhưng lạimất đi vẻ cổ kính, trang nghiêm, làm mai một hoặc sai lệch các giá trị nghệ thuật. Hiện tượng cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử- văn hóa bị xuống cấp chưa được quan tâm đúng mức hay cơ sở tín ngưỡng bị mất sắc phong, đồ thờ tự hoặc bị chiếm dụng đất đai vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.Hiện tượng đưa các linh vật lạ, bứchoành phi, câu đối không phù hợp; những tranh, ảnh, tượng thờ mới ít có tính thẩm mỹ vào không gian thờ tựlàm giá trị nghệ thuật của cơ sở tín ngưỡng trở nên khập khiễng, tân, cổ lẫn lộn,… vẫn còn tồn tại.
Do thiếu sự nghiên cứu đầy đủ nên nhiều nghi lễ, lễ hội được phục dựng không theo nguyên mẫu gốc; khi phục dựng và tổ chức lễ hội thì người dân - với tư cách là chủ thể của các sinh hoạt tín ngưỡnglạibị gạt ra ngoài quá trình đó. Nhiềulễ hội đãbị sân khấu hóa, trở nên xơ cứng.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước là làm sao để các loại hình tín ngưỡng có thể được bổ sung thêm các giá trị văn hóa, nghệ thuật đương đại nhưng vẫn đảm bảo các giá trị văn hóa, nghệ thuật tín ngưỡng truyền thống,để các loại hình lễ hội truyền thống chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của dân tộc không bị mai mộthayphát triển biến dạng, thiên lệch.
Thứ tư, nhiều sinh hoạt tín ngưỡng dân gian có tác động mạnh mẽ đến đời sống tôn giáo làm biến dạng nhiều giá trị văn hóa tôn giáo truyền thống, gây tác động xấu đối với xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.
Sự tác động của hệ thống tín ngưỡng dân gian đến đời sống tôn giáo diễn ra suốt chiều dài lịch sử với cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Một mặt tín ngưỡng dân gian góp phần cải biến các tôn giáo ngoại nhập, mặt khác chúng tự làm giàu, phong phú thêm bằng các giá trị văn hóa tôn giáo. Đến lượt mình các tôn giáo góp phần củng cố, duy trì, chuyển tải nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng. Tuy nhiên, sự tác động của tín ngưỡng với tôn giáo đã làm xuất hiện và gia tăng các hoạt động tôn giáo lệch chuẩn, làm nhiều giá trị văn hóa tôn giáo bị biến dạng, gây tác động xấu tới xã hội.
Thí dụ trong Phật giáo, các hoạt động của tín ngưỡng như: đốt vàng mã, dâng sao giải hạn, xem ngày, kén giờ, bói quẻ, xóc thẻ, xin xăm,… đang trở thành những sinh hoạt lấn lướt các giá trị văn hóa Phật giáo; các nghi lễ cầu an, cầu siêu đang đi quá xa tinh thần Phật giáo ban đầu và trở thành cách thức kiếm tiền của không ít tăng ni, phật tử.
Tín ngưỡng dân gian cũng là khởi nguồn của nhiều hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam những năm gần đâyvớixu hướng muốn khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và củng cố, đề cao tinh thần dân tộc, bằng việcthờ cúng những người có công với đất nước và nhân dân. Điều nàymột mặt phản ánh nhu cầu xã hội nhưng đồng thời cũng là một hình thức phản kháng thực trạng xã hội đang có nhiều bế tắc. Không ít hiện tượng tôn giáo mới mượn danh anh hùng, danh nhân văn hóa dân tộc để trục lợi cho một số cá nhân,tuyên truyền cho cách thức hành đạo phản văn hoá, phi đạo đức, đi ngược lại với tinh thần nhân văn,gây những tác động tiêu cực tớixã hội.
Trong một số lễ hội, tình trạng lộn xộn, tệ nạn trộm cắp, cờ bạc, ăn xin, bói toán, tệ chèo kéo, lừa bịp khách hành hương, xả rác bừa bãi... diễn ra khá phổ biến. Các khâu như đảm bảo giao thông, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn khách thăm quan, duy trì an ninh trật tự... là mối lo chung của nhiều địa phương vào mỗi mùa lễ hội. Nhiều cơ sở thờ tự có xu hướng được mở rộng quy mô, chạy theo danh hiệu đã làm cho không ít di tích bị biến dạng dưới nhiều hình thức, xa rờigiá trị đích thực của nó,…
Thực trạng trênđặt ra vấn đề là cần có những quy định pháp lý rõ ràng cho việc quản lý các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội; cần có sự phân cấp và có những quy định chặt chẽ về sự phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên ngành và liên ngành trong quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa lễ hội nhằm đưa sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội vào nề nếp, định hướng các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội theo hướng phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức truyền thống trong hệ thống tín ngưỡng, đưa sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trở lại đúng với tinh thần nhân văn, nhân bản vốn có của nó.
------------------------------
(1) Hát văn và hầu đồng đã xuất hiện ở quán cà phê Mạc trên phố Lê Đại Hành (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng); ở vũ trường Airport Exclusive Club (số 8 Chùa Bộc, Hà Nội) và ở trong căn hộ chung cư tầng 12 toà nhà CT12A chung cư Kim Văn-Kim Lũ, Hà Nội.
(2) Hèm trong tiếng Việt có nghĩa là những điều “tránh”, “kiêng”, “cái không được vi phạm”. GS.TS Ngô Đức Thịnh, cho rằng: Hèm giống như từ “Tabu” trong thuật ngữ khoa học quốc tế và có phần nào tương ứng với từ “húy”, “kỵ” trong tiếng Hán Việt. Do vậy nó có ý nghĩa rất rộng. Theo ông, hèm chỉ là một khía cạnh của “Tabu” - cấm kỵ, tồn tại dưới hình thức một nghi lễ hay phong tục trong thờ cúng Thành hoàng, nhằm “nhớ lại”, “tái hiện” những nét riêng, đặc trưng, thậm chí là sở thích của vị thần linh được tôn thờ.
(3) Lễ hội làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, Thành phố Bắc Ninh diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Vào ngày này, làng sẽ tổ chức lễ chém lợn công khai giữa sân đình để tưởng nhớ vị thành hoàng là tướng thời Lý mang tên Đoàn Thượng. Tương truyền rằng, vị tướng nhà Lý khi đánh trận đến vùng này đã chém lợn rừng để nuôi quân. Theo đó, vào ngày lễ hội, hai "cụ ỉn" sẽ được rước vòng quanh làng, đến đúng 12h trưa, dân làng sẽ thực hiện nghi lễ chém lợn. Người dân sẽ quệt tiền vào tiết của "cụ ỉn" với mong muốn may mắn cả năm.
(4) Theo quan niệm cổ xưa, dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, người dân đều mổ thịt trâu để tế lễ trời đất, cầu mùa màng bội thu...tuy nhiên, những năm gần đây, việc giết mổ và tranh giành mua bán thịt trâu chọi với giá cao ngất ngưởng của những người đi lễ hội đang là hành vi gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.
PGS,TS Hoàng Thị Lan
Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Lý luận Chính trị điện tử