Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 27/1/2009 14:1'(GMT+7)

Những xúc cảm Tết của người Việt xa xứ

Nhớ con chim gỗ trên hộc tủ

Chị Mai Hoa (ảnh nhỏ) và bên ngoài một nhà hàng Nhật trang trí
đón Tết. (Ảnh: Gen)

Tới cái Tết này, chị Mai Hoa đã qua Nhật được hơn chục năm. Năm nào chị cũng đáp máy bay từ Nhật về thăm nhà ăn Tết, nhưng năm nay, vì không thu xếp được công việc nên phải tới tận sáng ngày mùng 2 Tết chị mới về nhà.

Chị chia sẻ: "Chỉ còn vài ngày nữa là lại tới Tết âm lịch, cái Tết lần thứ n của tuổi tác và lần thứ 13 kể từ ngày "xuất giá tòng phu".

Hầu như những năm trước mình đều về Hà Nội ăn Tết, chuyến bay luôn hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào ngày 26 hoặc 27 để còn kịp hưởng không khí nhộn nhịp mua sắm chuẩn bị Tết cùng với cả nhà.

Mấy năm gần đây, do công việc cá nhân thế là chẳng còn được về đúng vào ngày Tết nữa mà chỉ có thể về vào dịp trước hoặc sau đó. Câu hát chồng gần không lấy em lấy chồng xa, giờ đây nhớ mẹ thương cha, còn đâu thong thả để về nhà thăm, cứ xoáy vào lòng...".

Chị nhớ lại những ngày này của 13 năm về trước, khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa chị lên xe hoa. Tuy cũng chịu khó chỉ dẫn nhiều cho chồng sắp cưới (chồng chị Hoa là người Nhật Bản - PV) về phong tục văn hóa Việt nhưng riêng chuyện tặng quà Tết cho bố mẹ vợ thì không biết nói thế nào, vì nó thật tế nhị.

"Hồi đó còn giữ ý lắm, ai mà dám khơi khơi bảo theo phong tục Tết Việt Nam thì nên mua món này món kia tặng cho bố mẹ vợ. Thế nên kệ, mình cứ để cho rể ta tự làm. Rể ta thì rất thật thà, tình cảm vốn chân thật tự đáy lòng, cái gì cũng làm thật chứ không biết "làm hàng". Tết năm đó, rể nhà mình cũng trân trọng mang tặng bố mẹ vợ một túi quà. Đấy, ai bảo là rể nhà mình không biết phong tục đi Tết quà bố mẹ vợ như các chàng rể Việt nào!", chị Hoa tâm sự.

"Gói quà được trao cùng những lời chúc tụng. Bố mẹ vợ mở ra, một cuốn lịch và một con chim nhỏ bằng gỗ có đôi chân và cái mỏ dài nghêu với những cái vòng trang trí nhiều màu sắc trên cổ. Con chim gỗ có nhiều màu sắc vui mắt và rất hợp làm quà nhưng chắc chắn không phải để tặng cho các ông bà già mà là cho các cháu thiếu nhi. Đã thế rể nhà ta lại còn hồn nhiên khoe rằng đã chọn mua nó trong hội chợ triển lãm Giảng Võ nữa chứ. Nhìn món quà Tết của chàng rể, mình cũng suýt phì cười mà cứ phải cố nín và lại còn thú vị theo dõi phản ứng của bố mẹ mình.

Bố vợ cầm con chim lên ngắm nghía, hỏi han và cười hóm hỉnh. Bố là người vui vẻ, dễ tính, chắc bố cũng thấu hiểu, tại hoàn cảnh xô đẩy, rể nhà không phải là người Việt ở trong cùng nền văn hóa Việt thì làm sao mà "đi sâu đi sát" vào tâm tư phụ huynh như rể Việt chính gốc được. Mẹ thì có lẽ lần đầu tiên được nhận quà Tết chính thức từ một người sắp được gọi là con rể nên chắc là xúc động không nói nên lời, mẹ không cầm con chim lên như bố mà chỉ ngắm nghía hiện vật và mỉm cười rất... lịch sự.

Suốt 13 năm qua, nhiều thứ mẹ bày biện trong nhà đã trở nên cũ kỹ hoặc lạc hậu phải thay đổi nhưng con chim gỗ đó thì thật lạ là vẫn không có vẻ gì là lạc hậu cũ kỹ cả. Cái mỏ dài và đôi chân vẫn vươn cao ngỏng như thế, màu sắc những cái vòng trên cổ nó vẫn sặc sỡ như thế, không hề bị mối mọt. 13 năm qua, con chim gỗ vẫn chễm trệ đậu trên cái tủ ở nhà và cho đến giờ rút cục mình vẫn chưa biết được nó đích thị là con chim gì. Nhưng có điều mà mình biết chắc chắn là bây giờ bố mẹ vợ còn thương rể có khi hơn cả con gái".

Bánh chưng gói bằng lá chuối

Gói bánh chưng cho ngày Tết. (Ảnh: VietNamNet)

Lưu Hạnh, đang làm thạc sĩ ở Newcastle, Anh quốc. Đây là một trong những thành phố có số lượng sinh viên Việt Nam theo học đông nhất ở đông bắc nước Anh.

Hội sinh viên tại Newcastle và thành phố nhỏ lân cận Sanderland ước tính có khoảng hơn 200 thành viên và được đánh giá là một trong những hội hoạt động mạnh nhất ở Anh.

Hàng năm vào dịp Tết nguyên đán, các bạn sinh viên Việt Nam thường tổ chức một bữa tiệc liên hoan cuối năm tại hộ trường của Đại học Newcastle.

Không có chợ hoa, thăm họ hàng, thầy cô hay đi chùa đầu năm như ở nhà, thay vào đó, mọi người cùng nhau ăn uống, hát hò và cuối cùng thường là đi nhảy đầm, vì Newscastle nổi tiếng ở châu Âu với những quán rượu thú vị và lành mạnh.

Đón Tết thường chỉ gói gọn trong một ngày, chứ không dàn trải như ở nhà, vì thực tế sống ở châu Âu, mọi người đều có cảm giác cái bầu không khí năm mới trong dịp Tết dương lịch nhiều hơn. Còn dịp Tết nguyên đán, thì chỉ do một nhóm nhỏ sinh viên tự tổ chức với quy mô rất hạn chế.

Lưu Hạnh cho biết, cô ở trọ cùng ba người bạn. Giao thừa năm nay (buổi chiều ở Anh), cô sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ, mời những bạn bè thân thiết người Việt và cả người nước ngoài như Anh, Pháp, Ấn Độ, Ba Lan... tới tham dự và thưởng thức những món ăn truyền thống của Việt Nam. Hôm trước, cô đã cùng bạn bè gói bánh chưng, dùng lá chuối thay cho lá dong. Tiệc còn sẽ có món măng do người nhà gửi từ Việt Nam sang, xôi dừa, canh bóng.

Hạnh nói, khách khứa được thông báo đến trước 5 giờ chiều (12 giờ đêm giờ Việt Nam) vì đã chọn người xông đất. Bạn bè người nước ngoài của cô có vẻ rất hào hứng muốn tìm hiểu ngày Tết truyền thống của Việt Nam.

Những ngày Tết ở miền tuyết lạnh

Có thi sĩ từng ví Nga là miền tuyết lạnh, bởi những ngày đông ở đây thực là băng giá, tuyết phủ trắng không gian. Cũng như các nước phương Tây khác, người Nga ăn Tết dương lịch. Người Việt Nam, mặc dù đã có thâm niên cư ngụ tại Nga gần một phần ba thế kỷ, nhưng vẫn không mặn mà gì với năm mới của phương Tây. Không khí Tết của người Việt chỉ thực sự khởi động khi lịch thời gian đã chuyển qua rằm tháng Chạp.

Miền tuyết lạnh. (Ảnh: ĐT)

Chị Thảo Nguyên sống ở Nga cho biết, năm nay, người về quê ăn Tết không nhiều như năm ngoái do một bộ phận không đăng ký được hộ khẩu, dĩ nhiên là không có visa để rời khỏi nước Nga, đành cầm lòng nán lại ăn Tết nơi xứ lạnh. Tuy vậy giá vé máy bay vẫn tăng, ít nhất cũng một phần ba.

Có ra sân bay vào những ngày cuối tháng Chạp mới hiểu hết cảnh những người tha hương náo nức trở về quê cha, đất tổ. Hàng trăm người tay xách, nách mang, mang đủ các thứ quà cáp lỉnh kỉnh chờ qua cửa kiểm tra vé, hải quan, an ninh, biên phòng, chỉ khi yên vị trên máy bay mới thở phào nhẹ nhõm và khẳng định là mình sắp được gặp người thân.

Đến chợ Vòm những ngày này sẽ được chứng kiến sự phong phú của sản vật ngày Tết phương Đông. Tấp nập nhất là các quấy hàng khô, nơi tập kết dòng hàng hóa đổ từ trong nước sang và Trung Hoa về. Các quầy này là hình ảnh thu nhỏ và sinh động của chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Hàng Mã.

Hàng Tết đánh sang đây bọc giấy xanh, giấy đỏ bắt mắt. Cái gì cũng có. Những thứ gì khách sờ tận tay, xem tận mặt thì có thể mua ngay, còn những gì chưa có trên quầy thì chỉ cần đặt hàng, bất kể thứ gì, từ thịt cầy thui cho tới cá chuối, ba ba... Chỉ cần sau hai ngày, hàng đã có tại Nga theo chuyến máy bay gần nhất, chủ hàng sẽ gọi điện cho khách đến lấy, hoặc mang đến tận nhà, tùy ý thích.

Trước đây, ở Moscow, bánh chưng được coi là đặc sản. Nhưng mấy năm nay thì được bày bán ê hề trên các quầy hàng khô, hàng ướt, các hàng ăn, hàng rong trong chợ, đủ các loại to, nhỏ, nhân mặn, nhân chay. Lá dong, lạt giang thì gửi sang từ trong nước, còn nếp đậu thì xài của vùng Trung Á, chủ yếu là của Uzbek, thịt lợn tươi cây nhà, lá vườn, đun nấu vô tư bằng bếp ga của Nga, vừa mền, vừa dẻo, chẳng khác gì bánh chợ Hôm.

Theo chị Nguyên cho biết, nơi nào có người Việt ở, thì ở đó ắt có không khí Tết, nhưng sôi động nhất là các khu vực đông cư dân được gọi là những “căn cứ địa” của người Việt. Chiều ba mươi, mâm cơm Tất niên thường hội tụ đủ mặt anh em xa gần để thắp hương khấn vái trước bàn thờ tiên tổ.

Và lẽ ra, theo chỉ số thời gian, phải mười hai giờ đêm mới đến thời khắc giao thừa, đất trời chuyển sang ngày mới, nhưng người Việt ở Nga lại cúng Giao thừa vào lúc 8 giờ tối, vì một lẽ giản đơn là, khi đó là 12 giờ đêm Việt Nam, múi giờ lệch tròn bốn tiếng. Điều đó muốn nói lên rằng nguồn mạch tâm linh có sức sống mạnh đến nhường nào, nó bất chấp cả không gian lẫn thời gian.

Cúng Giao thừa trên mâm cỗ có đầy đủ tất cả: bánh chưng xanh, hoa đào đỏ, hương trầm, nhưng vẫn thiếu quê hương. Thật thấm thía là những dòng tâm sự da diết của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: "Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ Tết / Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà / Mâm ngũ quả, khói hương trầm nghi ngút / Lịch bên tường, đào phớt đỏ sắc hoa...".

Ngày Tết, người Việt ở Nga cố dẹp sang một bên những lo toan, trăn trở về khủng hoảng, về những khó khăn, bức xúc thường ngày để đón một năm mới trọn vẹn trên đất người. Họ cầu mong và chúc nhau sự bình yên, điều quan trọng nhất khi sống xa Tổ quốc.

Không khí Tết của người Việt khuấy lên sự tĩnh lặng thường ngày của dân Nga, gợi lên cho họ nét đẹp của sinh hoạt và văn hóa phương Đông. Rồi chỉ sau một ngày, những doanh nhân Việt lại ra chợ tiếp tục cuộc mưu sinh. Nhưng dư âm của ngày Tết tại miền tuyết lạnh còn kéo dài đến hết rằm tháng Giêng. khi đó các hàng bánh chưng cất mẻ cuối cùng để cúng lễ Thượng nguyên.

Thèm bánh dày kẹp chả quế

Anh Hoàng (ảnh nhỏ) và một góc Atlanta. (Ảnh: Gen/Corbis)

Anh Vũ Hoàng, người Tp.HCM, qua sống ở thành phố Atlanta (bang Georgia, Mỹ) từ năm 2001. Từ đó tới nay, anh chưa có dịp về nước một lần nào, vì bận công việc.

Theo anh Hoàng, ở Atlanta tuy không đông người Việt như ở California, nhưng ngày Tết cũng khá nhộn nhịp. Cộng đồng người Việt bên này cũng tổ chức hội chợ Tết, thi hát karaoke, thi hoa hậu, nam vương... rất vui.

Anh tâm sự, ngày trước khi còn ở nhà, anh thường cùng gia đình đi chùa đầu năm, đi thăm bạn bè, xem biểu diễn ca nhạc.

Nhưng từ hồi sang đây, vì người dân Mỹ không ăn Tết âm lịch, nên nếu rơi trúng ngày đi làm thì coi như không có Tết, còn rơi vào ngày nghỉ thì chủ yếu ở nhà ôm cái máy vi tính để chat chúc Tết với người nhà ở Việt Nam, như lúc này đây, anh đang chat tâm sự với chúng tôi.

Anh Hoàng nói, dẫu sao, ngày Tết âm lịch người dân Mỹ vẫn đi làm bình thường nên còn đỡ nhớ nhà, chứ buồn nhất là ngày Tết dương lịch và dịp Giáng sinh, khi đó, ra ngoài đường chả có mấy ai, thấy cô đơn và nhớ quê hương da diết.

Ngày Tết, ở xứ người, nhất là vào những ngày rét mướt như thế này, trong nhà anh cũng bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, có trái cây, bánh tét, củ kiệu, dưa góp như ở Việt Nam, nhưng vẫn thiếu thiếu cái gì đó. Anh Hoàng hóm hỉnh, lúc này "thèm nhất là bánh dày kẹp chả quế bán ở thành phố"./.
 
(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất