Thứ Năm, 19/9/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 30/11/2019 20:33'(GMT+7)

Niềm hy vọng từ “Có một cơn đau mang tên trầm cảm”

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ về cuốn sách của mình.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ về cuốn sách của mình.

“Có một cơn đau mang tên trầm cảm” là cuốn sách được phát triển tiếp dựa trên cuốn “Khi mây đen kéo tới” của tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa. Vẫn bằng những chia sẻ của người mẹ có con trai không may mắc bệnh trầm cảm, cuốn sách tiếp tục mô tả trung thực trải nghiệm của “người trong cuộc” với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đối phó với trầm cảm tới những người có bệnh và người thân của người bệnh. Từ đó, có được những hiểu biết căn bản về căn bệnh và liệu pháp điều trị bệnh. Những bài học rút từ những kinh nghiệm cá nhân riêng tư của tác giả được củng cố bởi những thông tin có chứng cứ khoa học đã giúp người đọc hiểu được những phương cách cụ thể lẫn những nguyên lý khái quát khi đối mặt với những đám “mây đen” của người thân.

Trong thời gian gần đây, có nhiều sự việc gây chấn động dư luận do căn bệnh trầm cảm gây ra khiến cho nhiều người bàng hoàng. Những dịch chuyển âm thầm của căn bệnh này vẫn ở đó, từng ngày, từng giờ trong lòng người bệnh, gây ra những hệ lụy nặng nề như: hạn chế về chất lượng học tập, làm việc; gây rối nhiễu, đổ vỡ các mối quan hệ; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất; thậm chí, ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Đáng lo ngại hơn, bệnh trầm cảm không dễ dàng nhận biết, dù đây là căn bệnh gây chết người thứ hai sau bệnh tim mạch. Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới WHO, cứ mỗi giờ có 45 người chọn cách từ giã cõi đời vì căn bệnh này; có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm. 

“Có một cơn đau mang tên trầm cảm” gồm 3 phần, là những ghi chép hằng ngày của người mẹ, ghi nhận những phản ứng của con trong những tình huống hằng ngày. Và hơn hết, đó là tình yêu thương, sự kiên trì của mẹ đồng hành với con trong suốt 6 năm qua.

Bìa cuốn sách “Có một cơn đau mang tên trầm cảm”.

Bìa cuốn sách “Có một cơn đau mang tên trầm cảm”.

“Khi mây đen kéo tới”, là tựa đề gồm 15 bài viết về những ngày “giông bão” ập tới. Những triệu chứng, những lần con tự hại, những khó khăn tâm lý liên tục diễn ra, những lần “thót tim” của cả gia đình. Có khi, bất thình lình, mẹ nhận được điện thoại của con: “Mẹ ơi, con không kiểm soát được nữa, con bực mình quá” hoặc con đột ngột tuyên bố “Con sợ quá mẹ ơi”, “Con đi chết đây”…

Những câu chuyện trong phần “Bình an qua đi những cơn đau” gồm 30 bài viết về những gì mà gia đình và người bệnh phải đối mặt, học hỏi, rút kinh nghiệm để bình tĩnh ứng phó. Những lựa chọn uống thuốc hay không uống thuốc, ghi chép, theo dõi tiến triển của bệnh, làm gì khi chúng ta thấy lo âu, kiềm chế nỗi lo của bố mẹ, cùng con tìm lại giá trị bản thân…

“Sau mây đen là nắng ấm”, là những “rút ruột” của người về khó khăn của  chính mình, của cả gia đình để có thể đồng hành cùng con. Đó là cái ôm, khó khăn của bố mẹ, thời gian là thuốc chữa… Sau mây đen, sau những ngày bão giông, là những ngày bệnh đã thuyên giảm, có thể dự đoán và kiểm soát được. 
Với những ghi chép rất thật, rất giản dị của PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa, người đọc như “vỡ” ra được nhiều điều về căn bệnh trầm cảm. Không quá xa xôi, khó hiểu, bệnh trầm cảm qua mô tả của một người mẹ được chia sẻ, dễ hiểu, dễ thấm. Đó là những kinh nghiệm rất hữu ích với những ai bị mắc phải căn bệnh này.

Nếu như những tư liệu khoa học giúp người đọc định nghĩa về căn bệnh trầm cảm, đưa ra các biện pháp chữa bệnh dựa trên cơ sở khoa học, thì trong “Có một cơn đau mang tên trầm cảm”, những vấn đề cụ thể về tình trạng người bệnh được đưa ra như: nỗi sợ rớt môn, nên hay không nên tham gia câu lạc bộ tranh biện, nên hay không nên nuôi một chú mèo… cho đến việc có nên ngưng điều trị bằng thuốc, hay những cơn la hét khi trầm cảm đã lên tới đỉnh điểm. Nhật ký của người mẹ đã mô tả chi tiết hình ảnh, cảm xúc cũng như sự giày vò về tâm hồn, thể xác mà người trầm cảm đang chịu đựng và biểu hiện mỗi ngày. Từ đó, người đọc có cái nhìn chân thực về chân dung người bệnh trầm cảm, giúp cho việc nhận biết người trầm cảm thông qua những lời nói, hình ảnh, cách hành xử trở nên dễ dàng và thực tế hơn. 

Bức tranh của cuộc sống của người bị mắc bệnh trầm cảm bị đảo lộn ở các thái cực khác nhau. Mỗi buổi sáng, nếu bạn vẫn đang tràn trề về sự tự hào vì lọt vào cuộc thi lập trình quốc tế, thì tối đến, những nỗi lo âu vô căn cứ lại ập về. Mươi phút trước, bạn đang rất hào hứng về ăn tối cùng bố mẹ, mươi phút sau, bạn lại thấy bản thân là kẻ vô tích sự, thất bại, nằm co quắp trên chiếc giường phòng trọ vừa bế tắc, vừa khóc lóc, vừa nguồn rủa sự yếu đuối cuả mình. Cứ như thế, rơi vào vòng xoáy của những cảm xúc nặng nề.

Là những người bình thường, có lẽ ít ai hiểu được, cảm nhận được những đảo lộn cảm xúc thường xuyên ấy để hiểu được rằng, việc chiến thắng căn bệnh này cần rất nhiều ý chí, tình yêu thương và sự tin tưởng. “Những người mắc bệnh trầm cảm thực chất là những người dũng cảm, gan lì và kiên trì nhất”. Chỉ có những ngày ở trong mây đen u tối, bạn mới thật sự khát khao và hiểu rõ giá trị của ánh mặt trời.

Những kết luận từ những chuyện đời giữa mẹ và con, mà PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa khiêm tốn gọi là “ghi chú”, vốn mang tính triết lý nhưng ít ai để ý nó cũng hàm chứa một nội dung khoa học hay lâm sàng rút ra từ ngành tham vấn và điều trị tâm lý.

Sau 6 năm cùng con vượt qua biết bao ngày “giông bão” thì cái tết đầu tiên trong an bình đã đến với người mẹ, với cái ôm thật chặt và “Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ” từ cậu con trai cô tưởng chừng đã đánh mất trước kia.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ: “Khi con ốm, chúng ta chăm sóc chúng với tất cả sự yêu thương và sự tội nghiệp dành cho chúng. Tuy nhiên, nếu con chúng ta mắc tâm bệnh, hãy chăm sóc chúng bằng 2 lần yêu thương và không cần tội nghiệp. Nếu có thể, hãy luôn nói ra (hoặc nếu không có ai ở bên thì hãy viết ra) những lo lắng, sợ hãi của mình. Đây là một kỹ thuật giúp chúng ta đối phó hiệu quả với cơn trầm cảm, lo âu. Muốn giúp người thân kịp thời, hãy luôn luôn “bật đèn xanh” cho họ biết mình sẵn sàng lắng nghe. Lắng nghe tích cực, không phán xét là cách để chúng ta giúp con em mình đối phó với bệnh tật”.

Đúng như TS. Lê Nguyên Phương, tác giả bộ sách Dạy con trong “hoang mang” đã nhận xét về “Có một cơn đau mang tên trầm cảm”: “Nhật ký hải trình như tác giả đề nghị sẽ giúp chúng ta bình tâm nhận ra hướng đi của gió bão bên cạnh những vùng biển lặng, không chỉ để giúp con vượt qua những ngày khổ nạn mà còn để bên nhau mẹ và con tận hưởng bình yên của giây phút hiện tại này. Có thể khẳng định, qua từng trang sách “Có một cơn đau mang tên trầm cảm”, luôn lấp lánh thông điệp đầy hy vọng đối với những ai không may bị mắc bệnh trầm cảm và ngay cả những người thân của họ. 

“Chúng ta sẽ học nhiều điều trong cuộc sống này trong suốt những tháng năm mình sống. Không vội vã, quan trọng là hiểu, chấp nhận bản thân mình, và cảm giác bình an chính là hạnh phúc”. Và, chỉ có sự bình yên trong tâm hồn cha mẹ mới đưa con được đến bến bờ bình yên.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất