Muốn tạo niềm tin của người tiêu dùng, cần tuyên truyền, quảng bá sản
phẩm sạch, giúp người tiêu dùng có kiến thức, kinh nghiệm và tỉnh táo
nhận biết hàng “bẩn”. Mỗi người dân hãy là một “nhà tiêu dùng thông
thái” để phát hiện, đấu tranh tẩy chay hàng “bẩn”, hàng không an toàn.
Nhìn chén chè nóng tôi mời đang bốc hơi nghi ngút, anh bạn nghi ngờ hỏi: “Nước xanh rất đẹp nhưng liệu có đúng là chè sạch không đấy?”. Rồi anh bạn kể: “Mình uống chè lâu năm, giờ đã trở thành thứ đồ uống không thể thiếu mỗi ngày, nhưng từ hôm nghe báo chí thông tin về chè “bẩn” rộ lên ở Lâm Đồng và một số địa phương phía Bắc mà sợ quá, nghe nói trong chè "bẩn" họ trộn cả bùn, phân lân, bột quặng… vào đấy”... Tiễn bạn ra về tôi mang túi chè mới mua ra xem lại và cũng “bán tín, bán nghi”. Không chỉ anh bạn tôi mà nhiều người dân đang hoang mang, lo lắng về chè “bẩn” cũng như nhiều sản phẩm “bẩn” khác đang trôi nổi trên thị trường. Tết Nguyên đán đang đến gần và đây thực sự là vấn đề đáng cảnh báo.
Ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ, cùng với nhiều lĩnh vực khác, các chu trình sản xuất tiên tiến, các tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm có uy tín. Nhiều mô hình sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn đã ra đời và được người tiêu dùng tin cậy. Để có sản phẩm sạch, ngay từ khâu bảo quản giống, bón phân, chăm sóc, thu hái đều phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt, mỗi gia đình đều phải có sổ nhật ký để theo dõi, ghi chép cụ thể các mốc thời gian, các khâu trong quá trình sản xuất. Chính nhờ nhận thức đúng, ý thức cao của những người trực tiếp làm ra các sản phẩm sạch, an toàn mà danh tiếng của sản phẩm được giữ gìn, thương hiệu sản phẩm ngày càng được ưa chuộng.
Thế nhưng gần đây, một số cơ sở làm ăn gian dối đưa ra thị trường những sản phẩm “bẩn” đội lốt sản phẩm sạch để trục lợi. Vì lợi ích trước mắt, họ sử dụng thuốc kích thích để tăng năng suất, nâng sản lượng, dù biết rõ rằng những sản phẩm đó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ vậy, hành vi gian dối đó còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng, khiến khả năng tiêu thụ sản phẩm của những người làm ăn chân chính, trung thực giảm sút đáng kể, gây tổn hại cho nền kinh tế đất nước... Xã hội càng phát triển, người tiêu dùng ngày càng khắt khe và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Phát triển sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay. Nó không chỉ giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người lao động mà còn là "giấy thông hành" cho sản phẩm của các địa phương đến với những thị trường "khó tính" trong nước và xuất khẩu.
Chúng ta không thể bó tay trước tình trạng làm ăn gian dối, "vàng thau lẫn lộn", làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Khi phát hiện "hàng bẩn" cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý nghiêm minh, triệt để, khắc phục ngay tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, chỉ xử phạt hành chính rồi “cho tồn tại”... Đi kèm với đó cần có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất chân chính như: Tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, kỹ năng tiếp cận thị trường, áp dụng công nghệ, kỹ năng chế biến, bảo quản; tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu; khen thưởng, khích lệ người làm ăn chân chính… để hàng sạch, sản phẩm an toàn đủ sức đứng vững trên thị trường.
Muốn tạo niềm tin của người tiêu dùng, cần tuyên truyền, quảng bá sản phẩm sạch, giúp người tiêu dùng có kiến thức, kinh nghiệm và tỉnh táo nhận biết hàng “bẩn”. Mỗi người dân hãy là một “nhà tiêu dùng thông thái” để phát hiện, đấu tranh tẩy chay hàng “bẩn”, hàng không an toàn./.
Kim Ngọc (QĐND)