Lâu nay, các hãng ôtô và một số hãng bán các mặt hàng khác thường niêm yết giá sản phẩm bằng USD nhưng ít ai biết rằng, hình thức niêm yết giá này trái quy định pháp luật Việt Nam. Không chỉ vậy, với cách thức niêm yết giá này, tuyệt đại đa số người tiêu dùng luôn luôn bị "móc túi" thêm.
Đó là chưa kể việc, do sự quản lý không chặt chẽ, khi tỷ giá VND/USD xuống thấp, các hãng lại chuyển sang niêm yết bằng VND và sự thiệt thòi thường thuộc về phía khách hàng.
Mọi rủi ro tỷ giá dồn về khách hàng
“Mua xe ôtô vào thời buổi USD tăng giá chóng mặt thế này thì thật thiệt thòi”, anh Nguyễn Ngọc Tuấn, một khách hàng từ Quảng Ninh lên Hà Nội mua xe than thở. Cách đây vài hôm, anh Tuấn đến đại lý Toyota Thăng Long tại Cầu Giấy, Hà Nội để nhận chiếc xe Fortuner V đã đặt mua từ hơn 1 tháng trước với giá 41.000USD. Lúc ký hợp đồng đặt xe, giá USD bán ra theo Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) là 17.488 đồng/USD, lúc nhận xe thì giá USD đã tăng lên 17.788đồng/USD. Như vậy, so với thời điểm đặt mua xe, anh Tuấn đã “mất” thêm khoản tiền hơn 12 triệu đồng do biến động tỷ giá.
Cũng chung bức xúc của anh Nguyễn Ngọc Tuấn, anh Nguyễn Đinh Quang Minh, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã “ấp ủ” dự định mua ôtô từ 2 tháng nay nhưng vẫn chưa mua được xe ưng ý chỉ vì giá USD tăng vùn vụt. Anh Minh kể, mới hơn 1 tháng trước, anh tìm được một chiếc xe Mercedes C200 cũ, đời 2003-2004 có giá 31.000USD nhưng người bán đòi phải trả bằng tiền USD. Khi ấy, giá USD chợ đen mới có 17.300 đồng/USD, tính ra tiền VND chỉ khoảng 536,3 triệu đồng. Nhưng đến nay, giá USD chợ đen đã lên cao ở mức 17.900đồng/USD- 17.950đồng/USD. Nhẩm tính lại, anh Minh cho biết, giá xe đã tăng thêm gần 20 triệu đồng. “Bây giờ, muốn tìm mẫu xe ôtô bán theo tiền VND thì không còn hãng nào bán như vậy nữa”, anh Minh bày tỏ.
Trước đây, Honda Việt Nam là hãng xe ôtô duy nhất niêm yết giá xe bằng VND nhưng từ ngày 9/3, hãng này cũng đã chuyển sang niêm yết giá xe bằng tiền USD. Một đại diện hãng Honda Việt Nam cho biết, với việc tỷ giá VND/USD tại Việt Nam luôn phức tạp, việc chuyển đổi hình thức niêm yết sang đồng USD này là nhằm giảm bớt khó khăn cho sản xuất kinh doanh của công ty. Hơn nữa, việc này không có gì là trái luật vì các hãng ôtô khác cũng đều làm như vậy và vẫn hoạt động bình thường, vị đại diện này khẳng định.
Chính vì vậy, giá xe dung tích dưới 2.0 lít của hãng này thay vì giảm giá theo Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ 1/4 thì lại tăng lên đáng kể theo tỷ giá VND/USD. Cụ thể, ngày 3/2, sau khi thuế giá trị gia tăng giảm 50% đối với ôtô, Honda Việt Nam đã giảm giá xe, trong đó mẫu xe Civic 1.8 lít số sàn giảm 23,5 triệu đồng, xuống còn 498,5 triệu đồng/chiếc, mẫu xe Civic 1.8 lít số tự động giảm 26,5 triệu đồng xuống còn 555,5 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, sau khi công bố giá theo đồng USD thì mẫu Civic 1.8 số sàn đến nay đã tăng lên hơn 24,4 triệu đồng/xe (29.400USD/chiếc) và mẫu Civic 1.8 số tự động đã tăng khoảng 27 triệu đồng/xe (32.800USD/chiếc).
Bất lực trong quản lý?
Anh Nguyễn Đinh Quang Minh cho biết, rất hiếm người bán xe ôtô nào lại chịu nhận VND. Chưa kể, với khoản tiền lớn từ vài trăm triệu đến vài tỷ, một cá nhân không bao giờ mua được USD tại ngân hàng và khi đổi tiền, đều phải chịu giá USD theo thị trường tự do, cao hơn nhiều so với tỷ giá liên ngân hàng và giá bán ra của các ngân hàng thương mại.
Hàng hoá sản xuất, mua bán, tiêu thụ trên đất Việt Nam đều phải dùng tiền Việt Nam. Do đó, việc niêm yết giá bán bằng đồng USD là sai luật. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định như vậy. Tuy nhiên, hình thức xử phạt còn quá nhẹ, chỉ theo mức phạt hành chính.
Về điểm này, Tiến sĩ Trần Đình Chiển, nguyên Trưởng ban Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng, Trưởng văn phòng Luật Vì dân cho biết, theo Pháp lệnh Quản lý ngoại hối, các doanh nghiệp có thể được thanh toán bằng ngoại tệ nhưng cả bên mua, bên bán phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, nếu như Honda Việt Nam chuyển sang niêm yết bằng tiền USD thì phải có giấy phép này. Điều này cũng có nghĩa, mọi khách hàng cá nhân mua ôtô nếu thanh toán theo tiền USD cũng phải có giấy phép nhưng trên thực tế, các cá nhân lấy đâu ra loại giấy phép này? Sự “mở cửa" này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lách luật dễ dàng. Người mua không trực tiếp phải trả bằng USD nhưng phải gián tiếp trả tiền theo giá trị của USD.
Hiện nay các hãng ôtô tuy niêm yết theo đơn vị ngoại tệ USD nhưng khi thanh toán, xuất hoá đơn cho khách hàng thì vẫn áp dụng hình thức tiền VND, tính theo tỷ giá VND/USD tại thời điểm giao hàng.
“Về nguyên tắc, không một quốc gia nào lại khuyến khích mua hàng hoá bằng ngoại tệ, dẫn tới gia tăng USD hoá trên thị trường. Không chỉ ôtô mà nhiều loại hàng hoá khác như máy tính, hàng điện tử nói chung… đều được nhiều nơi niêm yết bằng tiền USD. Hiện trạng này là câu chuyện đánh trống bỏ dùi của cơ quan quản lý Nhà nước,” Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng Ban nghiên cứu kinh tế hội nhập quốc tế, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá.
Thực trạng trên đã được cả lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước và chuyên gia luật khẳng định là sai luật nhưng bấy lâu vẫn diễn ra công khai, bình thường. Quy định pháp luật đang bị bỏ quên.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, năm 1994, Nhà nước đã từng cấm việc đổi sang tiền USD để mua bán hàng hoá nhưng cuối cùng, cũng thất bại. Giải pháp xử lý hiện nay nếu chỉ áp dụng về mặt quy định hành chính cũng không hiệu quả mà quan trọng, phải là câu chuyện điều hành kinh tế vĩ mô, làm sao để đồng VND mạnh lên và thay đổi tâm lý tiêu dùng. Còn theo Luật sư Trần Đình Chiển, đã là quy định pháp luật thì phải tuân thủ đúng. Việc này thuộc trách nhiệm của thanh tra Ngân hàng Nhà nước.