Trong các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác, Vietjet, Bamboo Airways, Jetstar Pacific cùng áp dụng niêm yết giá vé máy bay theo phương thức chi tiết, duy có Vietnam Airlines niêm yết giá gộp...
Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, trong đó nhấn mạnh việc niêm yết giá thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, cần rõ ràng gắn với chất lượng dịch vụ, công khai và minh bạch tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Tại Công văn số 11806/BTC-QLG hướng dẫn về việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trên website vừa được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) ký nêu rõ: Theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, thẩm quyền quản lý giá vận chuyển hàng không thuộc Bộ Giao thông Vận tải (bao gồm định giá, kê khai giá, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không…).
Về niêm yết giá, Bộ Tài chính dẫn chiếu khoản 6 Điều 4 Luật Giá trong đó quy định: “Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Đặc biệt, khoản 2 Điều 6 Luật Giá cũng đưa ra quy định tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hoá, dịch vụ gắn với thông số kinh tế- kỹ thuật cơ bản của hàng hoá, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá.
Ngoài ra, Nghị định 177/2013 của Chính phủ cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ. Giá niêm yết là giá hàng hoá, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hoá, dịch vụ đó.
Điều 12, Thông tư 36 của Bộ Giao thông Vận tải quy định tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thực hiện công bố công khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không cho người sử dụng trước khi cung ứng dịch vụ hoặc trước khi ký hợp đồng cung ứng dịch vụ.
Như vậy, các quy định về niêm yết giá, công khai thông tin về giá tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn; pháp luật về quản lý giá dịch vụ hàng không là thống nhất.
Theo đó, đơn vị cung ứng dịch vụ có trách nhiệm niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có).
“Việc niêm yết giá cần rõ ràng gắn với chất lượng dịch vụ, công khai và minh bạch tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng..."ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam cho rằng, tới đây, Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sửa Thông tư quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về hình thức, nội dung niêm yết thống nhất giữa các hãng.
Được biết, trong các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thường lệ, ba hãng Vietjet, Bamboo Airways và Jetstar Pacific cùng áp dụng niêm yết giá vé máy bay theo phương thức chi tiết từng yếu tố cấu thành nên giá vé.
Chỉ có Vietnam Airlines áp dụng niêm yết giá gộp mà không liệt kê chi tiết các yếu tố cấu thành.
Vì thế, giữa các hãng hàng không của Việt Nam đang có sự khác nhau về việc niêm yết giá vé máy bay dẫn đến những "tranh cãi" về phương thức niêm yết và cần phải có sự thống nhất để minh bạch, công khai, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh./.
Theo Vietnam+