Thứ Tư, 9/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 1/6/2009 6:5'(GMT+7)

Ninh Bình: Huy động cả hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ

Hệ thống đường điện, kênh mương cứng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh (Ninh Bình).

Hệ thống đường điện, kênh mương cứng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh (Ninh Bình).

Ngày 15-10-2007, Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU "Về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010". Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, đây là một Nghị quyết rất trúng và đúng, hợp lòng dân, đã huy động được sự chung tay góp sức, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh, nhất là ở 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nghị quyết đã thực sự trở thành “đòn bẩy” giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, nhiều mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả cao, tác động rõ rệt đến nhiều mặt đời sống nhân dân, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Nghèo do nhiều nguyên nhân

Những gì chúng tôi đề cập đến trong phần này là những tư liệu được ghi lại vào thời điểm những tháng đầu năm 2007 - thời điểm mà Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy chưa ban hành, chưa “phủ sóng” đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Lúc này, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh lên tới 12%. Có điều kiện đến với những hộ gia đình từ vùng cao Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương, Thạch Bình (huyện Nho Quan), đến những xã vùng bãi ngang Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung (huyện Kim Sơn)… mới thấy được muôn mặt đời sống của người dân. Và cái nghèo của nhiều người dân, nhiều địa phương cũng không giống nhau.

Ở xóm 4, xã Kim Trung (Kim Sơn) không ai không biết đến hoàn cảnh của gia đình anh Phạm Văn Hiển. Vợ chồng anh sinh được 3 cháu thì cả 3 cháu đều ốm đau, bệnh tật quanh năm, không có khả năng lao động. Bản thân vợ anh cũng mắc bệnh nan y, chỉ còn anh một mình vật lộn, gánh vác, lo toan cho cả gia đình giữa một vùng đất khắc nghiệt chỉ có nắng, gió và cát. Ngôi nhà chênh vênh, xiêu vẹo nằm trên một khoảng đất hẹp mà phải đi bộ một quãng đường đất dài chúng tôi mới tới được. Anh Hiển tâm sự, những năm trước đây làm cói thì cũng được 10 nghìn đồng/ngày, vợ chồng con cái cơm cháo nuôi nhau nhưng bây giờ hàng cói không có đầu ra nên cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Mong muốn duy nhất của anh lúc đó là có thêm vốn để đầu tư nuôi thủy sản, trồng rau màu hoặc có thêm nghề phụ để vơi bớt khó khăn.

Còn gia đình ông Trần Văn Ái (xóm 13, xã Khánh Hồng, Yên Khánh) thời điểm năm 2007 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con cái đông nhưng không có việc làm, 2 vợ chồng đau yếu quanh năm. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, cuộc sống nghèo túng vẫn như cái vòng luẩn quẩn bám lấy gia đình ông.

Có muôn nẻo đường nghèo và làm thế nào vượt qua con đường ấy là cả một quá trình đòi hỏi thời gian, công sức và không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Đã có không ít trường hợp người nghèo do lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào sự “tài trợ” của trên, cũng có trường hợp không chịu năng động suy nghĩ tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình hoặc sử dụng vốn vay không đúng mục đích... Do vậy, để vươn lên thoát nghèo, trước hết phải bắt nguồn từ chính ý thức, tinh thần tự giác của người nghèo. Có nhiều trường hợp nghèo do bất khả kháng như: Do già cả, không nơi nương tựa, gia đình có người đau ốm nhiều năm liền...

Còn rất nhiều trường hợp nghèo do các nguyên nhân khác như: Thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, không có nghề nghiệp, mới tách hộ... đều có thể có cơ hội thoát nghèo. Như vậy sự nỗ lực của chính những người nghèo là một yếu tố rất cần thiết nhưng liệu như thế đã đủ để họ vươn lên thoát nghèo? Những trường hợp như anh Hiển, ông Ái, họ đều đã nỗ lực, cố gắng lao động hết sức mình nhưng vẫn không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo bởi những yếu tố như vốn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất… thì sự nỗ lực của họ chưa thể mang lại cho họ được.

Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 15-10-2007 “Về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010”. Với những nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực dựa trên khảo sát kỹ tình hình thực tế tại địa phương cũng như nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, Nghị quyết ra đời như một “luồng gió mát” thổi xuống cơ sở, nhất là ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau 1 thời gian tổ chức các hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết từ tỉnh đến cơ sở, bắt đầu từ năm 2008, Nghị quyết bắt đầu được triển khai thực hiện mạnh tại các địa phương, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trong hơn 1 năm qua, Nghị quyết 10 đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đến nay nhiều nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo cơ bản đã được thực hiện, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ, các đoàn thể ở tỉnh đã chủ động tuyên truyền, khảo sát, xây dựng kế hoạch giúp đỡ 6.220 hộ thoát nghèo, chỉ đạo mỗi đoàn thể ở cơ sở đăng ký giúp đỡ từ 3 đến 5 hộ thoát nghèo/năm; phối hợp giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ; xây dựng 65 mô hình điểm về giảm nghèo.

Do làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân; bước đầu khơi dậy lòng tự tin, động viên, khuyến khích giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm với người nghèo được phát huy; ý thức trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo được nâng lên.

Những kết quả ban đầu đã tác động rõ rệt đến nhiều mặt đời sống của nhân dân, nhất là ở 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2008, ngân sách tỉnh đã cấp 5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả như trồng lúa tái sinh tại Gia Viễn, gấc cao sản tại Gia Minh (Gia Viễn), ngô lai chịu hạn, rau màu các loại tại Nho Quan, Kim Sơn, nuôi thỏ Niudilân ở Nho Quan, bò sinh sản ở Kim Sơn, cá mè giống ở Thạch Bình (Nho Quan), nghề trồng nấm ở Yên Khánh…

Bên cạnh đó đã phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho người nghèo. Một số nghề chính tại 23 xã như chẻ tăm hương, mây tre đan, may công nghiệp, đan cói, bèo bồng, chiếu trúc, thêu ren, móc sợi, mộc dân dụng… đã được duy trì và phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho người nghèo tiếp cận với ngành nghề phụ. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.200 lao động, đào tạo nghề cho 25 nghìn lượt người.

Tỉnh cũng đã thực hiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tại 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; đầu tư mở rộng, nâng cấp, xây dựng hệ thống chợ nông thôn tại 23 xã theo Đề án; đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Công tác giải quyết vốn vay, thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo được chỉ đạo thực hiện tốt. Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân kịp thời 1 tỷ đồng do ngân sách tỉnh chuyển sang để cho vay hộ nghèo, sử dụng 76,170 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương cho 6.513 hộ nghèo vay, đưa dư nợ cho vay ở 23 xã đến hết năm 2008 là 133,124 tỷ đồng.

Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách cho 249/249 hộ tại 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh cũng quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nguồn lực cho 23 xã. MTTQ và các đoàn thể đã sâu sát cơ sở, bám sát Nghị quyết và Đề án, tích cực thực hiện nhiệm vụ được phân công, có nhiều phương thức, giải pháp cụ thể, chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương để thực hiện.

Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết đã có nhiều hộ nghèo đã tự tìm cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn mở rộng sản xuất, trở thành những hộ có mức thu nhập khá. Những hộ gia đình này đã thực sự trở thành những mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả cao, được nhân ra diện rộng. Đó là những tín hiệu đáng mừng khi Nghị quyết đã thực sự trở thành hiện thực trong cuộc sống. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến tháng 12-2008 đã giảm được 1.884 hộ nghèo tại 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại 23 xã là 15,57%, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 8,91%.

Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy mang một ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng đối với người nghèo với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Nghị quyết vẫn đang được các ngành, địa phương triển khai thực hiện tích cực, nghiêm túc, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân./.

(Theo: Quỳnh Thu/Báo Ninh Bình)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất