Ước mơ của trẻ em khi kết thúc năm học là được vui chơi, giải trí thật thoải mái và bổ ích trong kỳ nghỉ hè. Tại Ninh Thuận, sự háo hức, mong đợi của các em không được như kỳ vọng bởi hiện nay không chỉ trẻ em vùng nông thôn mà cả ở thành phố đều thiếu sân chơi lành mạnh, khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.
* Thiếu điểm vui chơi cho trẻ em
Ở các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận, sân chơi phục vụ cho trẻ em giải trí trong dịp hè không có nhiều. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm dù là khu vực trung tâm nhưng cũng chỉ có 12 điểm vui chơi, giải trí như: Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà Thiếu nhi tỉnh, Quảng trường 16 tháng 4 hay Thư viện tỉnh… với các hoạt động vui chơi, giải trí khá nghèo nàn.
Tại Quảng trường hay các công viên, vào chiều tối, tuy có đông người đến thư giãn nhưng hoạt động vui chơi cho các em nhỏ thường là đi xe ô tô, tàu điện. Thanh thiếu niên hầu như không có sân chơi. Tại các địa phương vùng ngoại thành, các cơ sở để trẻ em sinh hoạt, vui chơi, giải trí dịp hè còn ít. Thậm chí, vùng nông thôn, miền núi có tình trạng “trắng” sân chơi dành cho trẻ em.
Em Trương Thanh Tài, học sinh Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Thuận Nam) cho biết: Hè đến, chúng em chỉ mong có sân để chiều chiều cùng nhau đá bóng nhưng không có chỗ nên đành vui chơi tại nhà. Chúng em muốn rủ nhau đến trường để vui chơi nhưng bảo vệ đóng cổng trường suốt, không cho vào.
Thực tế, cứ sau ngày tổng kết năm học, nhiều ngôi trường vùng thôn quê lại vắng tanh, cổng trường lúc nào cũng khóa chặt, sân trường rộng rãi, có chỗ vui chơi cho các em nhưng lại không một bóng người. Đáng nói hơn, nhiều địa phương tuy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng do cơ sở hạ tầng đầu tư còn thiếu đồng bộ, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ khá phổ biến.
Tại một số địa phương ở huyện Thuận Nam, Bác Ái, các trung tâm học tập cộng đồng hay nhà văn hóa xã tuy được đầu tư bài bản, cơ sở khang trang nhưng lại không phát huy hiệu quả do được xây dựng trong khuôn viên trụ sở làm việc của chính quyền địa phương, trẻ gặp khó khi đến vui chơi, học tập.
Không chỉ thiếu sân chơi, hoạt động hướng dẫn các em vui chơi, giải trí lành mạnh trong dịp hè của các cấp hội, đoàn thể tại các địa phương cũng không liên tục, vai trò và trách nhiệm của lực lượng đoàn viên, thanh niên cơ sở chưa được phát huy. Hoạt động hè tổ chức còn đơn điệu, nhàm chán, mang tính hình thức, không có sức hấp dẫn để lôi cuốn các em cùng đến tham gia vui chơi, sinh hoạt nhóm.
Nhiều phụ huynh ở huyện Thuận Nam chia sẻ: Huyện Thuận Nam được tách và thành lập đã gần 10 năm nhưng không quy hoạch xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em. Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở đóng cổng hết cả 3 tháng hè. Không có điểm vui chơi, các cháu thường rủ nhau ra sông suối câu cá, bắt ốc, đến các ao hồ đào tích trữ nước chống hạn để tắm… rất nguy hiểm. Có cháu lại lén lút, trốn bố mẹ đến các quán Internet chơi game… Do các bậc phụ huynh còn phải đi làm, không thể quản lý con em thường xuyên, nguy cơ gặp tai nạn thương tích, đuối nước, nghiệm game dẫn đến bỏ ăn, phát sinh trộm cắp… đối với trẻ trong dịp hè là khó tránh khỏi.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra 32 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, làm 7 em thiệt mạng, trong đó 6 em tử vong do đuối nước và 1 em do tai nạn giao thông.
* Cần có giải pháp thiết thực bảo vệ trẻ
Trước thực trạng thiếu sân chơi, tai nạn thương tích luôn rình rập, tác động của công nghệ số lan truyền với tốc độ cao…, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần có giải pháp thiết thực, cụ thể từ các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể để trẻ sớm có các điểm vui chơi an toàn, bổ ích, thân thiện, được giáo dục một cách toàn diện.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết: Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo UBND tỉnh. Ngành và các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở địa phương luôn chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp xã hội cùng nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc để trẻ em không bị thiệt thòi, không bị tác động bởi các mặt xấu đang rình rập.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục tổ chức lớp tập huấn triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016; Nghị định 56/2017/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em; Quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; hướng dẫn quy trình tổ chức thu thập thông tin, tổ chức đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP; tập huấn, truyền thông, cung cấp kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em...
Ông Bình cho biết thêm, để trẻ em vùng nông thôn, miền núi có sân chơi trong dịp hè, ngành cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường cho mở cổng trường để các em đến học tập, vui chơi tại trường, có sự giám sát của thầy cô giáo và bảo vệ nhà trường…
Lãnh đạo UBND các xã, phường cần tạo thuận lợi về thời gian để các em đến Trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa xã để học tập, vui chơi; đồng thời chỉ đạo các Xã đoàn huy động đoàn viên, thanh niên cùng tham gia, tổ chức các hoạt động chơi thể thao, sinh hoạt văn nghệ, cắm trại, hoạt động hướng đến cộng đồng, xây dựng tủ sách phù hợp lứa tuổi… để thu hút đông đảo các em đến tham gia. Bên cạnh đó, các địa phương phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ tỉnh đến cơ sở.
Ngoài việc tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ em, UBND tỉnh Ninh Thuận đang thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ trong dịp hè tại các địa phương. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa và phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép với thực hiện các chương trình, kế hoạch của địa phương, đơn vị; trong đó xác định và bố trí nguồn lực thực hiện mục tiêu bảo vệ trẻ em, ưu tiên các nguồn lực dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
UBND tỉnh Ninh Thuận tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đưa nội dung, mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em./.
Công Thử/TTXVN