Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 24/9/2015 22:1'(GMT+7)

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Đồng chí Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TH)

Đồng chí Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TH)

Sáng ngày 24-9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng cường toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) đã tổ chức Hội thảo những kết quả đạt được sau 6 tháng triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực canh tranh quốc gia. Đồng chí Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo.

Ngày 18/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong năm 2014, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2014 - 2015 đã được thực hiện và đạt kết quả tích cực. Tiếp theo những kết quả đạt được trong năm 2014, ngày 12/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hai năm 2015-2016 (Nghị quyết số 19).

Về tình hình 6 tháng thực thi Nghị quyết số 19, đồng chí Nguyễn Minh Thảo – Phó Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết trong cải cách hành chính thuế, tính đến 23/9/2015, đã có 98% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Tổng Cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ Nộp thuế điện tử. Cho đến nay đã có 84 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Mặc dù những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính trong kê khai và nộp thuế điện tử được doanh nghiệp ứng dụng triển khai và đánh giá cao, tuy nhiên, thời gian thực tế không giảm được như tính toán theo những thay đổi của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp ghi nhận giảm khoảng 20% thời gian, tương đương khoảng 110 giờ. Nguyên nhân của kết quả trên là bởi tính toán của Bộ Tài chính dựa trên sửa đổi văn bản chính sách nhưng có những chính sách thay đổi không đồng bộ. Thêm vào đó, tâm lý doanh nghiệp chưa thật sự tin vào những cải cách này, do vậy, thủ tục đã được cắt bỏ nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện. Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện tại địa phương không thay đổi tốt như chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin  thay đổi chậm hơn so với thay đổi của chính sách.

Đối với cải cách hành chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), Nghị quyết đã yêu cầu giảm thời gian nộp BHXH từ 335 giờ/năm xuống còn 49,5 giờ/năm. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như cắt giảm 50 tiêu thức trên các biểu mẫu, tờ khai; bãi bỏ 16 thành phần hồ sơ trong các thủ tục; giảm từ 115 thủ tục xuống còn 43 thủ tục… Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, thời gian nộp BHXH tuy giảm nhiều nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu xuống 49,5 giờ như yêu cầu của nghị quyết.

Đối với cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Nghị quyết 19 yêu cầu giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu 13 ngày và nhập khẩu 14 ngày đến hết năm 2015; xuất khẩu dưới 10 ngày và nhập khẩu dưới 12 ngày đến hết năm 2016. Tuy nhiên, chỉ tiêu này cho đến nay vẫn chưa đạt được. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hải quan, áp dụng hải quan điện tử, song các thủ tục chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được cải thiện, do đó chưa giảm được thời gian thông quan hàng hóa.

Đối với việc tiếp cận điện năng, mục tiêu của Nghị quyết nhằm giảm thời gian tiếp cận điện năng còn 70 ngày, trong đó 36 ngày thuộc trách nhiệm của Tổng công ty điện lực Việt Nam EVN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. ENV đã có nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này, song vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Tính đến nay, thời gian doanh nghiệp thuê thiết kế và thực hiện công trình ở Việt Nam là 63 ngày.

Liên quan đến việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại xuống còn tối đa 200 ngày, cho đến nay chưa có thông tin cụ thể về mức độ cải thiện đối với chỉ số này. Nhưng nhìn chung, thời gian chưa rút ngắn được như yêu cầu của Nghị quyết.

Đối với việc giải quyết phá sản doanh nghiệp, Nghị quyết đề ra mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống còn 30 tháng (đến hết 2015) và 24 tháng (đến hết 2016). Mặc dù Luật Phá sản 2014 là một đạo luật tiến bộ với nhiều nội dung đổi mới, đã có hiệu lực từ 1/7/2015, song trên thực tế chưa ghi nhận sự cải thiện trong thủ tục và thời gian giải quyết phá sản của doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực cải cách trong lĩnh vực thuế, hải quan và bảo hiểm trong việc giảm thời gian và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sự thay đổi mang lại cho doanh nghiệp chưa được hiện thực hóa nhiều vì sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật về thuế và hệ thống công nghệ thông tin lạc hậu của ngành bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, quản lý chuyên nganh xuất khẩu vẫn là một điểm nghẽn trong việc tạo thuận lợi cho ngoại thương, do đó, khó khăn vẫn còn tồn tại nhiều.

CIEM đã cùng USAID GIG đánh giá kết quả thực hiện trong các chỉ số về giải quyết tranh chấp kinh doanh trong thương mại và phá sản doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, đăng ký quyền sở hữu tài sản, thủ tục xuất nhập khẩu, giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại… Đánh giá cho thấy, môi trường kinh doanh đã bước đầu có chuyển biến, nhưng các bộ ngành từ trung ương tới địa phương cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể thực hiện được Nghị quyết một cách có hiệu quả.

Để cải thiện hơn nữa kết quả thực hiện Nghị quyết 19, hội thảo cũng đã đưa ra một số khuyến nghị. Đó là:

Thứ nhất, các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý, kỹ thuật công nghệ; điện tử hóa thủ tục hành chính, kỹ thuật công nghệ; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kỹ thuật công nghệ để giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Thứ hai, Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyte đối với các sản phẩm dệt may để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng áp dụng quản lý rủi ro, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Thứ ba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tháo gỡ triệt để khó khăn cho doanh nghiệp về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu và những vướng mắc trong quy định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Thứ tư, Bộ Lao động, Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần rà soát, đánh giá mức đống bảo hiểm bắt buốc (32,5%) và thực tế đóng bảo hiểm bắt buộc của các doanh nghiệp để có giải pháp hợp lý trước khi quy định mới về việc đóng bảo hiểm bắt buộc trên tiền lương thực trả có hiệu lực.

Thứ năm, tòa án sớm ban hành hướng dẫn việc thực thi Luật Phá sản 2014.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất