Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do BÐKH, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 0,5 độ C; mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Theo dự báo của các chuyên gia, nếu mực nước biển dâng một mét, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các tỉnh, thành phố thuộc vùng ven biển bị ngập, trong đó có khoảng từ 10 đến 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Thống kê cho thấy, trong vòng mười năm trở lại đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Ðiều đáng lo ngại, BÐKH đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp do bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cũng như tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng... Ðồng thời, BÐKH khiến tài nguyên nước phải chịu thêm nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc cấp nước ở các vùng nông thôn, thành thị, cũng như các nhà máy thủy điện.
Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) GS, TS Trần Thục nhận định: Hiện nay, mô hình phát triển thông thường của các nước đang phát triển là dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng lao động giá rẻ, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững. BÐKH sẽ tạo cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy phát triển, tìm ra mô hình, phương thức theo hướng phát thải các-bon thấp, bền vững.
Ðối với Việt Nam, là một nước có mức thu nhập trung bình, trong khi đó các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần và thay đổi tính chất hợp tác sang phương thức hai bên cùng có lợi, BÐKH mở ra các cơ hội nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu, đa phương, song phương, qua đó các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp cận các cơ chế, chính sách mới đang hình thành để nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.
Ðể thích ứng và giảm nhẹ BÐKH ở Việt Nam, thời gian tới, GS, TS Trần Thục cho rằng: Thích ứng với BÐKH, cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các quy mô, với quan điểm chủ đạo là một quá trình liên tục, trải qua nhiều thập kỷ với những nhu cầu riêng biệt, nhưng liên quan với nhau ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ðầu tư cho các biện pháp thích ứng với BÐKH, cụ thể là cho những cơ sở hạ tầng ven biển, giao thông, năng lượng, nông nghiệp có khả năng chống chịu các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ giảm được những chi phí lớn trong tương lai, sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá các kế hoạch mở rộng thành phố, các khu công nghiệp mới, các dịch vụ môi trường, nhất là xử lý chất thải rắn và nước thải, cũng như lựa chọn địa điểm xây dựng các cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường bộ, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước và cơ sở hạ tầng khác trong tương lai.
Việc giảm phát thải khí nhà kính, khí các-bon cũng cần được coi là hướng tiếp cận của Việt Nam. Nhằm thực hiện được điều đó, Việt Nam nên theo mô hình tăng trưởng xanh - các-bon thấp, trong đó cần đặt mục tiêu giảm nhẹ phát thải để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Chiến lược phát triển các-bon thấp nên xây dựng và đưa ra được những ưu tiên rõ ràng, cụ thể, đồng thời có một hệ thống giám sát, báo cáo để theo dõi tiến độ thực hiện. Giảm phát thải khí nhà kính được coi như là một cơ hội phát triển kinh tế - xã hội và môi trường hướng tới giảm mức phụ thuộc vào than đá, cũng như tăng hiệu suất sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cần có một chiến lược đầu tư cho cả thích ứng và giảm nhẹ BÐKH, khuyến khích các cơ chế sáng tạo, bao gồm cải cách tài chính để cạnh tranh và bảo đảm đầu tư quy mô lớn, kết hợp giữa các nguồn tài chính khác nhau, nhất là tận dụng các nguồn hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế. Ðồng thời, cơ hội giảm phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp có thể đạt được thông qua nghiên cứu và triển khai (với sự hỗ trợ nguồn tài chính công và tư) thông qua các nguồn tài chính ưu đãi, thỏa thuận tự nguyện, công cụ thông tin, các chính sách về thuế, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo... Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo trong giai đoạn tới, không chỉ cung cấp thông tin và giải pháp cho công tác phòng tránh thiên tai được kịp thời, hiệu quả mà còn bảo đảm các căn cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách lâu dài của Việt Nam, cũng như quan hệ quốc tế trong lĩnh vực này.
Theo Nhân dân