Trong tuần này, các thị trường trên thế giới đã bị “chấn động” khi một
loạt ngân hàng trung ương lên tiếng cảnh báo về tình trạng tài sản được
định giá quá đắt, vay tiêu dùng quá mức và nhu cầu bắt đầu quá trình
chuẩn hóa lãi suất thế giới từ mức thấp một cách bất thường được đưa ra
nhằm giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2009.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã cảnh báo tình
trạng tài sản được định giá quá mức, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh
(BoE) Mark Carney đã thắt chặt kiểm soát tín dụng ngân hàng và Chủ tịch
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi “để ngỏ” khả năng giảm
chương trình kích thích kinh tế, có thể vào tháng Chín.
Chính sách lãi suất thấp được thực thi trong nhiều năm đã khiến nhiều
người đổ xô vào các thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, ở một
khía cạnh khác, điều này đã làm bùng nổ tăng trưởng tín dụng khi các hộ
gia đình, các công ty và các chính phủ “chớp lấy” cơ hội chi phí cho vay
thấp nhất. Hệ quả là nợ toàn cầu hiện chiếm 327% GDP thế giới./.
Theo TTXVN