Thứ Sáu, 27/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 3/1/2015 15:17'(GMT+7)

Nỗi ám ảnh sắc tộc trong lòng nước Mỹ

Người dân Niu Y-oóc biểu tình phản đối phán quyết của tòa án liên quan đến vụ thanh niên da màu Mai-cơn Brao bị cảnh sát bắn chết. (Ảnh: Roi-tơ)

Người dân Niu Y-oóc biểu tình phản đối phán quyết của tòa án liên quan đến vụ thanh niên da màu Mai-cơn Brao bị cảnh sát bắn chết. (Ảnh: Roi-tơ)

Theo báo cáo do Quỹ tưởng nhớ nhân viên thực thi pháp luật quốc gia (NLEOM) mới công bố, trong năm 2014, trên toàn nước Mỹ đã có 50 nhân viên lực lượng thực thi luật pháp bị sát hại bằng súng, trong khi con số của năm trước đó là 32 người. Những vụ việc này chủ yếu xảy ra ở các bang như: Ca-li-phoóc-ni-a (California), Tếch-dớt (Texas), Niu Y-oóc (New York), Phlo-ri-đa (Florida) và Gioóc-ri-a (Georgia). Ngoài ra, số nhân viên thực thi pháp luật ở Mỹ thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tăng 24% (126 người), so với 102 trường hợp của năm 2013.

Báo cáo của NLEOM được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng vẫn không ngừng leo thang giữa cộng đồng người Mỹ gốc Phi với lực lượng cảnh sát của Mỹ. Sự gia tăng số vụ tấn công bạo lực nhằm vào các nhân viên làm việc trong lực lượng thực thi pháp luật phần nào phản ánh tình trạng chống chính phủ đang có xu hướng ngày càng tăng tại nước này.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Năm 2014, căng thẳng đã leo thang tại nhiều bang của Mỹ sau vụ thanh niên da màu Mai-cơn Brao (Michael Brown) bị bắn chết ở thị trấn Phơ-gu-xơn (Ferguson) và Ê-rích Ga-nơ (Eric Garner), một người đàn ông da màu khác, thiệt mạng trong vụ khống chế quá tay của một cảnh sát da trắng. Điều đáng nói là sau đó tòa án đã ra quyết định không truy tố các cảnh sát liên quan đến các vụ việc nói trên. Từ đây, làn sóng biểu tình, bạo động được thổi bùng lên ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ. Không chỉ đòi chính quyền phải trừng phạt những kẻ gây ra cái chết oan cho người da màu, những người biểu tình còn yêu cầu cải cách toàn diện pháp lý để cả người da đen và da trắng không còn trở thành nạn nhân trong những vụ việc tương tự.

Nhưng nghiêm trọng hơn, hành động của những cảnh sát da trắng, cũng như những phán quyết có phần “nương tay” của tòa án đã “mở đường” cho những hành động được coi là “trả thù” của người da màu tại Mỹ. Điển hình như vụ I-xma-ai-i Brin-xli (Ismaaiyl Brinsley), thành viên một tổ chức xã hội đen ở Ban-ti-mo (Baltimore), bắn chết hai cảnh sát Niu Y-oóc.

Mặc dù lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh và tôn trọng pháp luật, song Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng phải thừa nhận rằng, những vụ việc nói trên đã chỉ ra những thách thức to lớn mà đất nước còn phải đối diện, đồng thời kêu gọi cần có những thay đổi sâu sắc để chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc và xói mòn niềm tin giữa người da trắng và người da màu ở Mỹ. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, giữa người da trắng và người da màu tại Mỹ vẫn còn tồn tại một khoảng cách. “Giống như phần còn lại của Mỹ, người Mỹ da màu nhìn chung đã có cuộc sống tốt hơn hồi tôi bước vào Văn phòng Tổng thống. Tuy nhiên, khoảng cách về thu nhập và giàu nghèo giữa người da trắng và người da màu tại Mỹ vẫn tồn tại và chúng ta còn nhiều việc phải làm để giải quyết điều này”, AP dẫn phát biểu của ông B.Ô-ba-ma sau vụ hai cảnh sát Niu Y-oóc bị sát hại.

Thực tế cho thấy, các vụ việc nói trên chứng tỏ mối quan hệ căng thẳng trong xã hội Mỹ giữa các cộng đồng dân cư thiểu số với lực lượng cảnh sát, chủ yếu gồm những người da trắng, đang có nguy cơ trỗi dậy mạnh mẽ. Mâu thuẫn sắc tộc vẫn đang bám rễ vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội Mỹ như việc làm, nhà ở, giáo dục và tư pháp. Đa phần người da màu thường khó xin việc và nếu có thì họ cũng chỉ được trả mức lương thường thấp hơn so với người da trắng. Và chỉ cần một “mồi lửa nhỏ”, những khác biệt ấy sẽ dễ dàng bùng phát thành những hành động bạo lực bất cứ lúc nào.

Thế mới thấy, bất đồng sắc tộc vẫn đang là nỗi ám ảnh đe dọa sự bình yên của toàn nước Mỹ. Làm sao giải quyết triệt để vấn đề này rõ ràng là một câu hỏi khó, bởi nó không chỉ đơn thuần là việc từ bỏ tâm lý “da đen” và “da trắng”, mà còn phụ thuộc vào việc có hay không những chính sách công bằng hơn đối với mọi đối tượng trong xã hội Mỹ./.

Anh Vũ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất