Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 10/4/2012 0:7'(GMT+7)

"Nỗi khổ" ở chung cư cao cấp

Người dân sống tại chung cư Keangnam và đơn vị quản lý tòa nhà luôn có mâu thuẫn chung quanh mức phí và chất lượng dịch vụ. Ảnh: CHÍ HIẾU

Người dân sống tại chung cư Keangnam và đơn vị quản lý tòa nhà luôn có mâu thuẫn chung quanh mức phí và chất lượng dịch vụ. Ảnh: CHÍ HIẾU

 

Cho đến nay, trên thị trường bất động sản Hà Nội, giá mỗi m2 nhà ở chung cư Keangnam là khoảng 60 triệu đồng/m2, vào loại đắt nhất trong số các nhà chung cư ở Hà Nội. Mỗi căn hộ ở Keangnam, diện tích từ 100 m2 trở lên, có giá bán từ khoảng sáu đến gần chục tỷ đồng. Các loại phí dịch vụ công cộng ở chung cư này cũng ở mức cao "ngất ngưởng".  Phí dịch vụ chung cư là 21 nghìn đồng/m2/tháng. Phí trông giữ ô-tô là 1.462.000 đồng/tháng, hai mươi nghìn đồng/lượt/2 giờ; phí trông xe máy là 104 nghìn đồng, mười nghìn đồng/lượt, qua đêm sáu mươi nghìn đồng...

Giá nhà cao, giá các loại dịch vụ cao, nhưng nhiều hạng mục công trình không đúng tiêu chuẩn cao cấp như chủ đầu tư công bố. Khu sinh hoạt cộng đồng không bảo đảm. Cả hai tòa nhà cao 48 tầng, với gần một nghìn căn hộ chỉ có một bể bơi diện tích gần 200 m2. Phòng tập thể dục quá nhỏ...

Quá bức xúc trước thái độ của chủ đầu tư, nhiều người dân gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng của thành phố; căng khẩu hiệu, băng-rôn phản đối chủ đầu tư trước sảnh tòa nhà. Ðến tháng 8-2011, chủ đầu tư nhượng bộ, giảm phí trông xe ô-tô xuống 850 nghìn đồng, xe máy là 45 nghìn đồng/tháng và hai nghìn đồng/lượt theo quy định của thành phố. Riêng giá dịch vụ vẫn ở mức 18.800 đồng/m2/tháng, gần gấp năm lần so với mức giá trần UBND thành phố quy định. Không chấp nhận mức giá cao, trong khi chất lượng dịch vụ không tương xứng, người dân đã thành lập ban đại diện cư dân lâm thời, đề nghị chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà đàm phán, tìm tiếng nói chung.

Tuy nhiên chủ đầu tư tiếp tục thờ ơ và còn dọa sẽ "cắt" các dịch vụ tiện ích. Ngày 26-11-2011, họ cho tháo gỡ nhiều bóng đèn chiếu sáng tại các sảnh, lối vào và bên trong nhà để xe, khu sinh hoạt cộng đồng, sân vườn... Quá bất bình, người dân chỉ chấp nhận tạm đóng phí 4.000 đồng/m2/tháng theo quy định. Trong khi đó Keangnam lại cho rằng, họ đã đưa ra mức giá trước thời điểm quyết định của UBND thành phố ban hành (tháng 9-2011) và tuyên bố có quyền ngừng cung cấp dịch vụ nếu người dân không thanh toán chi phí. Và họ đã thực hiện thật. Chiều 3-12-2011, hàng trăm thẻ từ dùng để sử dụng hệ thống thang máy đã bị khóa. Nhiều người dân khổ sở vì không thể leo cao cả chục tầng lên nhà (chung cư cao 48 tầng). Một số người đã đem các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu đến sảnh tòa nhà và văn phòng đơn vị quản lý để nấu ăn, chuẩn bị ngủ qua đêm. Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương và lực lượng công an, đến hơn 21 giờ cùng ngày, đơn vị quản lý đã cho thang máy hoạt động trở lại.

Mâu thuẫn giữa người dân với chủ đầu tư vẫn tiếp tục căng thẳng và đến ngày 1-1-2012, Keangnam cắt giảm hoạt động một nửa số thang máy. Ðể giải quyết mâu thuẫn này, ngày 11-1-2012, Sở Xây dựng đã tổ chức cuộc họp bàn về giá thành dịch vụ, nhưng hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Ðại diện Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư cho hoạt động tất cả các thang máy. Trong thời gian chưa giải quyết xong tranh chấp, tạm thu phí 4.000 đồng/m2, bằng giá quy định của thành phố. Sở Xây dựng yêu cầu Công ty Keangnam-Vina sớm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị. Chị Trịnh Thúy Mai, đại diện các hộ dân khu nhà cho biết, người dân rất bất bình trước việc đơn vị chủ đầu tư tự ý áp đặt mức giá dịch vụ trong khi chưa có sự trao đổi, thống nhất với người dân. Các hộ dân mong muốn được sống trong khu chung cư văn minh, hiện đại và sẵn sàng trả phí dịch  vụ chung cư cao hơn mức phí mà thành phố quy định, nhưng chủ đầu tư cần công khai, minh bạch các chi phí dịch vụ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, chủ đầu tư đã áp dụng mức tạm thu 4.000 đồng/m2  trong tháng 1-2012, nhưng họ đối phó lại bằng cách cắt giảm thang máy, giảm số nhân viên quét dọn vệ sinh của hai tòa nhà xuống năm người, mỗi ngày quét dọn một lần. Người dân phải tự mang rác xuống tầng hầm. Thời gian chiếu sáng tại các khu vực công cộng bị rút ngắn, đóng cửa phòng tiện ích... Mới đây, ngày 23-3, đại diện Công ty TNHH một thành viên Keangnam-Vina có văn bản đề nghị  bàn giao công tác quản lý chung cư cho UBND thành phố Hà Nội từ ngày 1-4. Lý do đơn vị đưa ra là không đủ kinh phí để trả lương nhân viên, duy trì tiện ích công cộng và vận hành trang thiết bị... Tuy nhiên ngay sau đó, Keangnam-Vina thông báo sẽ áp dụng mức phí dịch vụ mới (15.080 đồng/m2/tháng, chưa tính thuế VAT) từ ngày 7-4.

Ðể giải quyết dứt điểm những tranh chấp giữa đơn vị quản lý tòa nhà và các hộ dân, hai bên cần bàn bạc, tìm ra hướng giải quyết, trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và  người dân. Mặt khác, để tăng cường chất lượng dịch vụ công cộng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, ngoài việc tăng cường, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước, các ngành chức năng cần nghiên cứu, có những cơ chế, mô hình quản lý dịch vụ chung cư hiệu quả, vì lợi ích của người dân và vì sự phát triển bền vững của đô thị. Không nên để kéo dài tình trạng mỗi nơi quản lý một kiểu, chủ yếu vì lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, dẫn đến giảm sút chất lượng cuộc sống ngay cả ở những khu chung cư cao cấp, đô thị kiểu mẫu.

NGỌC ANH / Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất