Ngày nay, sự tràn ngập của vô số sản phẩm xuất xứ từ một số trung tâm văn hóa - văn minh, với sự hỗ trợ của các phương tiện chuyển tải ngày càng đa dạng và hữu dụng, đã làm cho quá trình toàn cầu hóa còn chứa đựng một số vấn đề mà với tầm nhìn xa trông rộng, những người tỉnh táo ở nhiều quốc gia (nhất là các quốc gia đang phát triển) cần tự cảnh tỉnh trước khi hoạch định lộ trình đi cùng với nhân loại. Thực tế của quá trình toàn cầu hóa và sự hội nhập đã nảy sinh một số vấn đề mà nếu không điều chỉnh, nếu thiếu bản lĩnh, một nền văn hóa sẽ dễ bị đặt trước khả năng biến thành bản sao của nền văn hóa khác. Nên không ngẫu nhiên, chúng ta đã biết tới các mệnh đề như: "hòa nhập nhưng không hòa tan", "độc lập trong liên lập"... Tức là thời đại đã và đang đưa ra lời cảnh báo rằng, nếu một nền văn hóa không có khả năng tự ý thức trong quá trình hội nhập, sẽ nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy của các tham vọng, chịu sự chi phối về vật chất và tinh thần, tự phát thâu nạp các giá trị "khác mình" và như thế, không chóng thì chầy, sẽ dần đánh mất tính độc lập và lòng tự tôn văn hóa. Do đó, khi bàn về văn học trong xu thế hội nhập, không thể không đặt vấn đề trong toàn cảnh các biến động, chuyển dịch văn hóa có nguồn gốc từ quá trình tiếp biến hết sức phức tạp đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Và, dù có vai trò rất quan trọng, văn học cũng không phải là tất cả, văn học chỉ là một trong nhiều thành phần tham gia vào quá trình hội nhập về văn hóa mà thôi.
Mấy chục năm qua, xã hội chúng ta phát triển trong một bối cảnh hoàn toàn khác trước. Ra khỏi chiến tranh, con người trở lại cuộc sống đời thường với các vấn đề, nhu cầu mới. Văn học cũng vậy, câu thúc nội tại của cả người sáng tác lẫn người đọc đã ở mức nếu không "nhúc nhích" để vượt lên thì văn học khó có thể giữ được vị trí đã có trong các thời kỳ trước. Các vấn đề xã hội - nhân sinh mới nảy sinh, góc nhìn mới về số phận con người, các suy tư vượt ra ngoài khuôn khổ dân tộc đến với suy tư nhân loại... Tất cả đều là yêu cầu mới của nhận thức - phản ánh văn học, đồng thời cũng là thách thức mà nhà văn phải nỗ lực giải quyết. Ngay cả đề tài chiến tranh cũng thế, những câu chuyện, những vần thơ cần được bổ sung thêm phương thức nhận thức - phản ánh mới mà ở đó, việc khai thác những vấn đề xã hội - con người với tất cả hay - dở, với tất cả những tâm tư thầm kín, với tất cả niềm vui và nỗi buồn,... cần được biểu hiện trong ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật vừa in đậm tính nhân văn, vừa chứa đựng tính chân thực lịch sử. Lịch sử đã vận động phát triển, văn học cũng phải vận động phát triển, đó là sứ mệnh tự thân, vấn đề còn lại là nhà văn thích ứng với sứ mệnh ấy như thế nào, có khả năng thích ứng hay không. Đặc biệt, tình huống xã hội - nghề nghiệp ấy còn ở trong bối cảnh mới của hội nhập văn hóa - một cuộc hội nhập có nhiều đặc điểm rất khác so với trước đây. Dù có lạc quan khi hội nhập, chúng ta cũng không thể không thừa nhận tính phức tạp của quá trình hội nhập trong các thập niên vừa qua và có thể còn tiếp tục phức tạp trong các thập niên tới. Vì thế, khi xem xét yếu tố chủ quan, nếu thật sự nghiêm khắc, chúng ta phải nhìn thẳng vào các hạn chế của chính mình.
Thế giới đã biến đổi, cuộc sống kinh tế - văn hóa của loài người đã xuất hiện nhiều vấn đề mà nếu không có sự tỉnh táo của lý trí, sự nhanh nhạy của tư duy, sự thích ứng kịp thời trong hoạt động sáng tạo, con người sẽ lâm vào các tình huống không phải khi nào cũng có thể thoát ra. Với văn học, sự phổ biến mang tính xuyên quốc gia của vô số sản phẩm theo xu hướng, trào lưu, lý thuyết khác nhau đã làm cho đời sống văn học của nhân loại trở nên phong phú, đa dạng nhưng cũng không kém phức tạp. Nhất là vào thời buổi thông tin đã kết nối trên toàn cầu thì hệ thống truyền thông, in-tơ-nét, quảng cáo, lợi nhuận... đã có vai trò quan trọng đối với văn học. Khi mà mỗi người chỉ cần máy tính có kết nối in-tơ-nét là có thể tiếp cận không biết bao nhiêu thông tin, thì đối với người yêu văn học và chỉ biết dùng tiếng Việt, in-tơ-nét có thể đặt họ giữa một "biển thông tin" đến mức giá sách trong nhà dù đầy ắp cũng không thể so sánh được. Từ văn học cổ điển tới văn học hiện đại, từ Không Lộ thiền sư đến văn học 8X,... thế giới văn học mở ra trước mắt. Và với nhà văn, những cuốn sách và bài thơ để đọc, các tri thức văn học để tham khảo và học hỏi là vô tận, vấn đề là nhà văn có nhu cầu, có thời gian để đọc hay không.
Tuy nhiên, nhà văn không chỉ đọc và học hỏi, nhà văn còn phải sáng tạo, sáng tạo vì cộng đồng của mình, rộng hơn là vì cộng đồng nhân loại. Để làm được điều đó, trước hết nhà văn cần tới một nội lực văn hóa mạnh mẽ, phong phú để tạo dựng nền tảng, động lực cho hành vi sáng tạo. Hơn thế nữa, khi đứng trước rất nhiều khả năng để lựa chọn, nhà văn phải có bản lĩnh để lựa chọn phương án sáng tạo thích hợp trên cả hai phương diện: cộng đồng và nhân loại. Bởi trước khi hướng ra nhân loại, nhà văn phải dựa trên các giá trị cộng đồng, vì không có gì khác, chính các giá trị cộng đồng đã làm nên tên tuổi, sự nghiệp của nhà văn. Song, khi tự giác hội nhập với văn học thế giới cần lưu ý, việc nắm bắt đặc điểm của mối tương tác giữa văn hóa cộng đồng với văn hóa nhân loại, nắm bắt đặc điểm riêng của sự nảy sinh những xu hướng, trào lưu, lý thuyết văn học là một trong các yêu cầu đầu tiên không thể bỏ qua. Trong lịch sử văn học, các xu hướng, trào lưu, lý thuyết thường ra đời như là sự thích ứng với những giai đoạn phát triển khác nhau của quá trình nhận thức - sáng tạo - phản ánh, phù hợp với bối cảnh lịch sử - xã hội - văn hóa nơi xu hướng, trào lưu ấy ra đời. Không có xu hướng, trào lưu, lý thuyết văn học nào lại ra đời từ hư vô, hoặc có khả năng to lớn đến mức có thể "phủ bóng" lên mọi nền văn học dân tộc. Mỗi vấn đề bao giờ cũng đều có căn nguyên riêng của nó. Mỗi xu hướng, mỗi trào lưu, mỗi lý thuyết văn học đều có nguồn gốc tinh thần riêng, chí ít cũng ở lý do là tại sao xu hướng, trào lưu, lý thuyết ấy ra đời. Không ngẫu nhiên từ khởi nguồn của nó, mỗi xu hướng, trào lưu, lý thuyết văn học thường gắn liền với một quốc gia với các tên tuổi tiêu biểu. Rồi từ quốc gia đó, xu hướng, trào lưu, lý thuyết văn học được tiếp nhận, học tập, được nhân rộng nếu đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, nhu cầu cảm thụ văn học ở quốc gia khác. Các bối cảnh lịch sử - xã hội - văn hóa khác nhau sẽ sản sinh ra các sản phẩm tinh thần khác nhau, vì thế học hỏi không đồng nghĩa với bắt chước một cách máy móc. Như một số ý kiến tỉnh táo đã cảnh báo rằng, không phải cái gì có ở "tây" thì phải có ở "ta". Không nhất thiết vì ở văn học nước ngoài có xu hướng này thì văn học của chúng ta cũng phải viết theo xu hướng đó để "bằng anh bằng em". Vả lại, không phải bất kỳ xu hướng, trào lưu, lý thuyết văn học nào xuất hiện ở các trung tâm văn hóa - văn minh lớn cũng đều có khả năng ánh xạ, soi sáng mọi nền văn học dân tộc. Tầm nhìn xa và sự tỉnh táo thể hiện ở chỗ hội nhập không phải là bắt chước. Hội nhập là để tăng cường thêm hành trang tinh thần của nhà văn, chứ không phải đi tìm các mô hình để sao chép. Bởi, dù thế nào thì nhà văn vẫn phải viết cho độc giả của xã hội mà họ đang sống. Nhà văn sống và vui buồn, trăn trở, suy nghĩ với đồng bào của mình, với các vấn đề của lịch sử dân tộc, của xã hội mình. Khi nào tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm đồng vọng cùng nhân loại, vươn tới những giá trị thời đại thì cũng là lúc tác phẩm bước qua giới hạn của văn học dân tộc, đến với văn học nhân loại.
Khát vọng hội nhập để nâng tầm văn học nước nhà là điều chúng ta hướng tới, song việc nâng tầm ấy không phụ thuộc vào việc các nhà văn đã mở rộng tầm nhìn để biết rõ văn học thế giới hôm nay ra sao, biết giải Noben văn học năm nay được trao cho tác phẩm nào, của tác giả nào, mà phụ thuộc vào nội lực của nhà văn, vào hành vi sáng tạo của từng người. Từ góc nhìn văn hóa - văn học, một ngày mà một số thói quen đã trở nên cũ kỹ vẫn đeo bám dai dẳng trong hoạt động nhận thức - phản ánh của nhà văn thì ngày ấy, chúng ta cần xem lại mình. Quyết định tối hậu đối với chất lượng tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm văn học chính là nội lực văn hóa mà trên đó nhà văn xây dựng nên "ngôi nhà" là tác phẩm. Nội lực văn hóa không phải là khái niệm trừu tượng, đó là cái hàng ngày, là vốn liếng văn hóa, là hệ thống giá trị mọi mặt mà nhà văn đã thâu nạp. Nội lực văn hóa mạnh mẽ sẽ giúp nhà văn hình thành cá tính sáng tạo, hình thành ý tưởng sáng tạo, triển khai ý tưởng ấy trong tác phẩm với tất cả tâm huyết và niềm hứng khởi vì đã đem tới cho người đọc một sản phẩm tinh thần đặc sắc. Nội lực văn hóa mạnh mẽ sẽ giúp nhà văn nếu có viết về sự "bất thường" của chiến tranh, viết về cái tiêu cực, về nỗi đau, về sự oan trái,... thì vẫn mang ý nghĩa nhân văn, được xã hội và người đọc trân trọng vì nhà văn đưa tới một cái nhìn nhân ái và chia sẻ. Nội lực văn hóa mạnh mẽ sẽ giúp nhà văn có khả năng lựa chọn khi tiếp xúc với các sản phẩm văn hóa - văn học xuất hiện trong thời hội nhập. Nội lực văn hóa sẽ giúp mỗi người không còn vấn vương với thói tự ti nhược tiểu hay thói tự mãn dân tộc, qua đó tìm thấy tâm thế bình tĩnh để học hỏi và sáng tạo. "Cuộc chơi" toàn cầu hóa và hội nhập ở thời hiện đại đã và đang phát lộ rất nhiều vấn đề buộc chúng ta phải nhận diện để từ đó xây dựng chiến lược phát triển cho riêng mình, tìm ra biện pháp để thích ứng với quá trình hội nhập. "Cuộc chơi" ấy không chỉ là nhận - cho, vay - trả,... mà còn là sự được - mất, hơn - kém của các tiềm năng, các đẳng cấp. Nên thiết nghĩ, để có thể chủ động hội nhập, mỗi nhà văn Việt Nam cần xây dựng một đẳng cấp riêng của mình.
NGUYỄN HÒA/ Nhân Dân