Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, tập thể và cá
nhân ban thường vụ các cấp ủy thuộc Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã nghiêm
túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; chỉ ra những khuyết điểm, yếu
kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong các lĩnh vực; đề ra các giải
pháp khắc phục kịp thời.
Với quan điểm nói thật, làm thật, nói đi đôi với làm, các cấp ủy đã xác định rõ những việc cần làm ngay sau kiểm điểm, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng.
Xác định những việc cần làm ngay
Theo đánh giá của Tổ công tác Trung ương theo dõi việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng tại Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên, việc kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của tập thể đã được chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân, có địa chỉ cụ thể. Phần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định rõ thời gian, phân công, giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn, không né tránh, tập trung vào những vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng. Không khí kiểm điểm dân chủ, cởi mở, chân thành, có lý, có tình, không mang tính áp đặt... Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên bảo đảm nghiêm túc, đúng quy trình, thẳng thắn, đạt yêu cầu theo quy định của Trung ương.
Qua việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém liên quan ba vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng. Cụ thể là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy trong giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của việc học tập các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng; chưa tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn; thiếu rèn luyện, tu dưỡng, có biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; sống thực dụng, cơ hội, ngại va chạm, không dám mạnh dạn, cương quyết bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai. Công tác đánh giá cán bộ trong một số trường hợp còn e dè, nể nang, chưa thật sự khách quan, chính xác. Công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh và địa phương, đơn vị còn một số hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Trong quá trình thực hiện quy chế làm việc, một số nội dung chưa rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy như việc cho ý kiến và chủ trương về quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu; xác định quy mô diện tích đất hay số hộ dân bị tác động phải di chuyển đối với các dự án đầu tư trên địa bàn cần phải có ý kiến của cấp ủy. Việc quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu đôi khi chưa làm thường xuyên. Làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: Tiến độ triển khai nhiều chương trình, dự án, công trình trong năm chương trình, 16 đề án, 45 công trình, dự án, quy hoạch trọng điểm theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18 còn chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án còn để kéo dài; công tác quản lý đất đai, khoáng sản, lâm sản, quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, tạo dư luận không tốt trong nhân dân; việc lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp phát triển trung tâm y tế vùng chưa thật sự quyết liệt; tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, thông qua việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cùng với việc nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm của mình, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cấp ủy viên đã đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để sửa chữa, khắc phục kịp thời. Ngay sau khi hoàn thành đợt kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 27, ngày 27-10-2012, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện một số việc cần làm ngay theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện ngay các nhiệm vụ: Ðẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; tập trung chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phong cách làm việc, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc xây dựng cơ quan văn hóa, nhất là ở cấp xã và những vị trí công việc thường xuyên tiếp xúc với dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý về đất đai, quản lý về khai thác khoáng sản và lâm sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công theo quy định. Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Tỉnh ủy về xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn hóa và phòng, chống tệ nạn xã hội...
Tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm
Ở Ðảng ủy xã Hùng Sơn (Ðại Từ) Ban Thường vụ Ðảng ủy đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, và xây dựng Ðảng. Trong quá trình phát triển, nhất là từ khi triển khai dự án khai thác khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo, đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý xây dựng, quản lý đất đai. Tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Ðảng ủy xã tự nhận và đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy có hình thức kỷ luật về Ðảng do để xảy ra một số vụ việc vi phạm về công tác quản lý xây dựng, đất đai trên địa bàn. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ra quyết định khiển trách đối với các đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn; đồng thời yêu cầu Ban Thường vụ Ðảng ủy và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xã sớm triển khai các giải pháp khắc phục. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Bí thư Ðảng ủy xã Trần Duy Khang cho biết: "Mặc dù đã nhận hình thức kỷ luật về Ðảng, nhưng bản thân tôi không chán nản. Tôi suy nghĩ rằng, mình cần nhìn nhận lại, thấy rõ những hạn chế, yếu kém để sớm sửa chữa, khắc phục. Tự hào là nơi đã được Bác Hồ hai lần về thăm, với truyền thống cách mạng, Ðảng bộ xã Hùng Sơn tiếp tục tự chỉnh đốn, khắc phục những hạn chế, yếu kém, xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh". Ðồng chí Ðỗ Ðăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, cho biết thêm: Khắc phục những hạn chế, yếu kém được chỉ ra sau kiểm điểm, UBND xã tăng cường công tác quản lý về đất đai; thay thế, bố trí cán bộ địa chính có trình độ chuyên môn; thành lập các tổ công tác tiến hành rà soát hiện trạng sử dụng đất đai; kiến nghị UBND huyện có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm Luật Ðất đai...
Sau hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Huyện ủy Ðại Từ đề ra chín nhiệm vụ cần tập trung làm ngay; trong đó, nổi lên là các vấn đề như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, đất đai, xây dựng, nhất là đối với một số nơi có mỏ và điểm mỏ khai thác khoáng sản; thực hiện nghiêm các quy định về nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; khắc phục ngay những hạn chế, bất cập trong công tác đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính; thông báo việc tiếp thu ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân về những nội dung đã được tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến trước khi tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; tăng cường đi cơ sở để kịp thời nắm bắt tình hình, hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở thực hiện nhiệm vụ, nhất là những cơ sở còn có khó khăn, tồn tại các vụ việc nổi cộm, bức xúc...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch BCH, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; xây dựng quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, MTTQ, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng tiêu chuẩn các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; xây dựng và ban hành hướng dẫn thực hiện việc chất vấn trong Ðảng tại các kỳ họp của BCH Ðảng bộ tỉnh; xây dựng quy chế, quy trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do HÐND các cấp bầu; gắn việc lấy phiếu tín nhiệm với việc đánh giá, sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ... Nhiều cấp ủy địa phương, đơn vị đã quy định cụ thể việc tổ chức các hội nghị, việc cưới, việc tang; quy định không uống rượu, bia buổi trưa trong các ngày làm việc; tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi các dự án đã được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện...
Theo đồng chí Mai Ðông Kinh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thái Nguyên, triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, Ðảng bộ TP Thái Nguyên tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Cùng với quá trình phát triển, thời gian qua, trên địa bàn còn một số vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, ngay sau kiểm điểm, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành chỉ thị về những việc cần làm ngay; trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, quản lý đất đai, quản lý xây dựng, quản lý đô thị. Cùng với đó, Thành ủy đổi mới công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quy định rõ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy trực tiếp gặp gỡ đối thoại với dân; đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đối với cán bộ ở những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với dân. Nhờ vậy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện giảm nhiều so trước đây.
Chúng tôi có dịp gặp đồng chí Trần Ðường, năm nay 84 tuổi, 60 năm tuổi Ðảng, đảng viên ở chi bộ 16, phường Ðồng Quang (TP Thái Nguyên). Ðồng chí nói những điều tâm huyết: Trước đây, do những yếu kém về xây dựng Ðảng, niềm tin của nhân dân đối với Ðảng có giảm sút. Vì vậy, Nghị quyết T.Ư 4 ra đời là rất phù hợp, nhằm tăng cường sức mạnh của Ðảng, dám nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục, sửa chữa, để củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng. Tôi thấy, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng tại Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên nói chung và chi bộ nơi tôi sinh hoạt nói riêng, đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Công tác chỉnh đốn Ðảng cần phải tiến hành thường xuyên, lâu dài và tôi hy vọng trong thời gian tới, Nghị quyết quan trọng này của Ðảng sẽ tiếp tục đi vào cuộc sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng.
TẠ QUANG DŨNG, PHƯƠNG CƯỜNG
(Nguồn: Nhân dân)