Thứ Năm, 28/11/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 2/8/2009 22:42'(GMT+7)

Nóng bỏng nạn buôn người và du lịch tình dục trẻ em

Minh hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Tiến Dũng

Minh hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Tiến Dũng

 Con đường để trở thành nạn nhân

Đời sống nghèo và học vấn thấp là nguyên nhân chủ quan để không ít người, trong đó có cả trẻ vị thành niên "tình nguyện" trở thành nạn nhân của du lịch tình dục (DLTD). Ngành tình dục hứa hẹn cho họ những công việc được trả tiền cao hơn bất kỳ những công việc khác mà họ có thể kiếm được.
 
Báo cáo của các tổ chức quốc tế về các hoạt động phòng chống buôn bán người cho thấy trong những năm qua, Chính phủ VN đã có rất nhiều nỗ lực trong hoạt động phòng chống buôn bán người. Kết quả các hoạt động hợp tác với các tổ chức LHQ, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế cho thấy VN luôn luôn là đối tác tích cực, năng động và trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của DL ở VN và các dịch vụ liên quan đã một phần là nguyên nhân khách quan, là môi trường thuận lợi dẫn đến nạn DLTD.

Theo thống kê chưa đầy đủ mà thanh tra Bộ VHTTDL có được, khoảng 1.000 người đi du lịch không trở về VN/năm. Đối tượng thì đa dạng từ phụ nữ, trẻ em đến cả đàn ông. Với thủ đoạn dụ dỗ tìm công ăn việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài, các tổ chức buôn bán người đã móc nối để những người này trốn ở lại rồi bị bán cho các cơ sở hoạt động mại dâm hoặc bán cho các ông chủ sử dụng lao động tại nước ngoài.

Có Cty tổ chức đoàn DL gồm 23 người sang Australia thì có tới 16 người trốn ở lại. Tương tự, khách DL quốc tế vào VN, hiện tại miền Bắc có khoảng 500 người nước ngoài và miền Nam có khoảng 1.000 người thông qua con đường DL đã ở lại VN sinh sống và làm việc trái phép. 

"Điểm đến nóng" mới của DLTD trẻ em

VN được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm không chỉ về buôn bán phụ nữ, trẻ em mà còn là nơi bọn tội phạm lợi dụng đưa người di cư trái phép qua biên giới dưới nhiều hình thức như xuất khẩu lao động, cho, nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, môi giới kết hôn với người nước ngoài... Nhiều phụ nữ, trẻ em VN đã trở thành nạn nhân của nạn bóc lột tình dục, hôn nhân ép buộc và lao động bất hợp pháp ở nhiều nước. Bên cạnh đó, với sự phát triển DL của VN trong những năm gần đây đã mang theo "mặt trái" của nó là nạn DLTD trẻ em.

Một trong những điểm hoạt động của loại hình DL này là các quán bar, sàn nhảy, đường phố DL. Do Thái Lan đang siết chặt việc kiểm soát xâm hại tình dục trẻ em, nên chiều hướng họ sẽ di chuyển sang các nước khác trong khu vực như Campuchia và VN. Do vậy, có thể nói VN đang có nguy cơ trở thành "điểm đến nóng" mới.

Những kẻ DLTD ngày nay đã thận trọng và tinh vi hơn rất nhiều. Họ thường thông qua xe ôm để tìm trẻ và thường dắt trẻ đi xa, đến các trung tâm DL. Thậm chí, một vài kẻ cũng không công khai đi với trẻ, mà cho đi cùng người dắt mối, đến thuê phòng khách sạn riêng, đến đêm mới tráo đứa trẻ qua phòng khách.

Thuê nhà, hoà nhập, thân thiện và xây dựng lòng tin với người dân địa phương, với cha mẹ của trẻ... cũng là một cách khá phổ biến để tiến hành hành vi xâm hại tình dục của trẻ sau này. Các khách sạn mini trên phố là "bến đáp" phổ biến để những kẻ ấu dâm đưa những trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục.

Tạp chí "World of Work"cho rằng: Trẻ em, khác với người lớn ở chỗ dễ bị tổn thương hơn và không được giúp đỡ chống lại các cấu trúc đã được thiết lập và các lợi ích được che đậy trong ngành tình dục, và càng dễ trở thành nạn nhân của ép nợ, buôn bán người, bạo lực thân thể hoặc tra tấn. DL tình dục trẻ em là dạng buôn bán người mang tính tàn ác nhất, gây hậu quả nặng nề cho cuộc sống của các em bị xâm hại sau này.

Thách thức

Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực phòng ngừa, ngăn chặn buôn bán người nói chung và trẻ em nói riêng: Tham gia Công ước quốc tế chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, với Interpol, với ASEM và trong tiểu vùng Mêkông (COMIT); hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Australia, LB Đức...; với các tổ chức: Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức cứu trợ Trẻ em Anh (SCUK)... và đặc biệt, Chương trình hành động Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 - 2010 đã được Chính phủ thông qua ngày 14.7.2004...
 
Nhưng vẫn còn nhiều thách thức mà theo nhận định của Ban chỉ đạo COMIT VN chưa thể khắc phục sớm được. Trong đó, phải kể đến hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ (chưa có định nghĩa pháp lý về buôn bán người nói chung, chưa quy định hành vi mua bán nam giới (từ 16 tuổi trở lên) là tội phạm...); Tính phức tạp của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (quy mô quốc tế, thủ đoạn ngày càng tinh vi...); Năng lực các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử còn hạn chế; Hợp tác quốc tế về điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân còn bất cập....
 
Biên giới đường bộ dài, tiếp giáp với nhiều nước, trình độ dân trí xã hội thấp, đời sống kinh tế của một bộ phận không nhỏ người dân gặp nhiều khó khăn do tác động của mặt trái kinh tế thị trường và mở cửa đất nước; công tác tiếp đón nạn nhân, hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm, tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, lạm dụng trở về còn bị động và đùn đẩy giữa các cơ quan liên quan... cũng là những khó khăn nội tại mà VN đang phải khắc phục.

Một điều đáng chú ý nữa là du lịch trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đột phá: Để đón được lượt khách thứ 1 triệu thì VN mất 34 năm (từ năm 1960 - 1994); vị khách thứ 2 triệu mất thêm 6 năm (1994 - 2000); thứ 3 triệu mất 5 năm (từ năm 2000 - 2005) và chỉ hai năm sau đó, VN đã đón vị khách thứ 4 triệu. Thế nhưng hạ tầng cơ sở cũng như nhân lực của ngành du lịch vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được với sự phát triển đó.

Và do vậy, ban chỉ đạo COMIT VN cho rằng, chỉ khi nào những thách thức trên được hạn chế thì công tác phòng chống buôn bán người mới có hiệu quả như mong đợi.

Gary Glitter - cựu ca sĩ người Anh - đã dụ dỗ để quan hệ tình dục với 6 bé gái, trong đó có em chỉ hơn 10 tuổi. Christopher Paul Neil - kẻ đã đi đi lại lại từ Thái Lan sang VN trong suốt 5 năm trước khi bị cảnh sát Thái Lan bắt vào tháng 10.2007, mỗi lần ở lại 3 - 6 tháng với danh nghĩa là giáo viên tiếng Anh ở trường học trong khu Phú Mỹ Hưng (TPHCM) - đã quan hệ với nhiều trẻ em.

Thay vì chỉ "cặp" với vài đứa trẻ thường xuyên, hắn quan hệ lâu dài với khoảng hai em, chiều chuộng và "nuôi" những em này lâu dài để các em giới thiệu những đứa trẻ khác, thường là bán báo và đánh giày cho hắn. Hắn cũng không đưa tiền trực tiếp cho các em này mà đưa qua những em "bồ ruột" của hắn, chính vì vậy, những em này trở thành bức tường bảo vệ hắn, không dám ra tố cáo. Đó là hai vụ điển hình của DLTD ở VN đã bị báo giới và luật pháp phanh phui.
  


(Theo Lao Động)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất