Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 25/2/2019 8:45'(GMT+7)

'Nóng' chuyện chống gian lận thi THPT Quốc gia 2019

Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm khắc phục tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm khắc phục tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Nhiều giải pháp được đưa ra

Kỳ thi THPT 2019 đang đến gần, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã chia sẻ một số giải pháp chống gian lận thi cử trong kỳ thi THPT 2019 tới đây. Ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số giải pháp mới, chủ yếu về mặt kỹ thuật được đưa ra ở tất cả các khâu nhằm khắc phục những hiện tượng tiêu cực đã xảy ra năm ngoái.

Theo đó, năm 2019 sẽ giữ một cách ổn định phương thức thi như các năm trước, tuy nhiên sẽ có những giải pháp điều chỉnh về mặt kỹ thuật để kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc hơn. Đặc biệt sẽ không để xảy ra tình trạng tiêu cực như năm ngoái vì việc gian lận có thể xảy ra ở tất cả các khâu. Riêng về khâu coi thi có một số điều chỉnh. Trong đó, tăng cường khâu giám sát và thanh tra khu vực thi theo hướng thực chất hơn. 

Năm nay, việc niêm phong túi đựng bài thi được quy định cụ thể, chi tiết hơn. Sẽ sử dụng một loại tem niêm phong chung theo mẫu, dùng vật liệu dễ rách, trên đó có chữ ký của cán bộ coi thi thứ nhất, cán bộ coi thi thứ 2 và của phó trưởng điểm thi đến từ trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Sau khi dán tem niêm phong, có một bước nữa là phủ keo dính trong lên tem, bảo đảm mọi can thiệp đều bị phát hiện. Việc bảo quản đề thi/bài thi tại các điểm thi cũng được quy định chặt chẽ hơn, sẽ có công an bảo vệ và camera an ninh giám sát khu vực này 24/24 giờ; phó trưởng các điểm thi hoặc thư ký của trường ĐH trực ban đêm.

Đề xuất lắp camera trong phòng thi THPT quốc gia như một biện pháp chống gian lận thi cử trong quá trình coi thi sẽ không được triển khai ngay trong năm 2019. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cho biết, dù giải pháp này được cân nhắc lâu nay nhưng việc sử dụng camera cũng liên quan đến nhiều yếu tố khác, như tác động đến tâm lý làm bài của thí sinh; thậm chí còn có thể để lộ lọt đề thi ra ngoài…

Do vậy, việc sử dụng camera trong các phòng thi với phương thức thi như hiện nay là giải pháp cần cân nhắc rất kĩ. Vì lẽ đó, năm 2019, Bộ chưa đặt vấn đề tổ chức lắp camera trong các phòng thi khi chúng ta vẫn còn thi trên giấy. Hiện nay, việc đảm bảo coi thi nghiêm túc vẫn là trách nhiệm của 2 cán bộ coi thi; trong mỗi phòng thi có 24 thí sinh. Trung bình mỗi thầy cô chỉ quan sát 12 thí sinh. 

Mặc dù Bộ GD-ĐT tiếp tục có nhiều giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn tiêu cực, nhưng băn khoăn về độ tin cậy của kỳ thi khi giao kỳ thi về cho địa phương là hoàn toàn có cơ sở bởi những ám ảnh từ kì thi 2018.

Trả lời ý kiến này, ông Mai Văn Trinh bày tỏ, nghi vấn đặt ra là có cơ sở, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc là nếu không giao cho địa phương thì tiêu cực được triệt tiêu. Nên vấn đề là chúng ta cần phải có quy trình chặt chẽ, cùng với đó là giám sát, thanh tra.

Về coi thi, trong phòng thi vẫn bảo đảm có 2 cán bộ coi thi, 1 cán bộ tại địa phương và 1 cán bộ đến từ các trường ĐH. Năm nay, vai trò của phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH được tăng cường thêm, cụ thể thêm trong tổ chức và quyết định những nội dung quan trọng trong tổ chức tại điểm thi. Với giải pháp như vậy sẽ hướng đến khâu nghiêm túc, an toàn tại điểm thi.

Nhân tố con người quyết định thành bại 


Trước vấn đề về việc đảm bảo chất lượng kỳ thi tại các địa phương, tránh tình trạng xảy ra các vụ gian lận điểm thi như năm 2018, ông Mai Văn Trinh cho biết, vai trò của các địa phương cần được nâng cao một bước trong kì thi này bởi cho dù kĩ thuật nào thì điều khiển vẫn là con người.

Đề cập tới việc giảm bớt sự can thiệp của con người trong quá trình tổ chức thi, về lâu dài, ông Trinh cho biết sẽ có bước chuẩn bị để làm sao tăng cường sự hiện diện của công nghệ. “Chúng tôi cũng đang suy nghĩ đến phương án, đến một thời điểm nào đó, khi ngân hàng thi đủ lớn, cùng các điều kiện khác nữa, có thể xem xét tổ chức thi trên máy tính.

Nhưng không có nghĩa khi tổ chức thi trên máy tính là mọi công việc được giải quyết; bởi khi đó sẽ xuất hiện những vấn đề mới. Cuối cùng, con người vẫn là nhân tố quyết định sự thành bại của kì thi này”.

Từ những gì đã diễn ra năm vừa qua, Bộ GD-ĐT gửi thông điệp rất rõ ràng đến các địa phương: việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi quốc gia nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp chính là Ban Chỉ đạo thi tại các tỉnh, thành phố. Do đó, trách nhiệm của các tỉnh, thành phố phải được đặt lên rất cao. Mọi sai sót của kỳ thi xảy ra thì địa phương là nơi chịu trách nhiệm trực tiếp.

Ở góc độ tự chủ tuyển sinh, các trường ĐH tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia không ảnh hưởng đến câu chuyện tự chủ trong tuyển sinh. Trong quy chế nói rõ, các trường ĐH tự chủ xây dựng phương án tuyển sinh. Việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vào tuyển sinh ở mức độ nào là quyền của các trường.

Các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức kỳ thi này vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa phục vụ lợi ích cho các trường. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục ĐH vẫn sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Vì vậy, khi các trường tham gia thì đảm bảo kỳ thi an toàn hơn, kết quả khách quan hơn, có nghĩa là đầu vào của các trường tốt hơn. Các trường đang phục vụ lợi ích của chính mình.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh: “Các địa phương không cần sáng tạo, chỉ cần thực hiện đúng theo quy định của quy chế, đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ đảm bảo thành công của kỳ thi này.

Nhưng tôi vẫn muốn nhắc rằng dù quy chế có kỹ đến mấy, quy trình có tường minh đến bao nhiêu nhưng con người không tự giác, đặc biệt có ý định từ đầu, có tổ chức để gian lận thì khó có thể nói không có điều gì xảy ra, nên ta không được phép chủ quan”.

Dành lời khuyên cho thí sinh, ông Trinh khẳng định, mọi điều chỉnh năm 2019 chủ yếu hướng tới các thầy cô giáo, các cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi, còn với các em căn bản vẫn giữ ổn định. Do đó, các em hãy yên tâm, tham khảo kỹ đề thi tham khảo; đồng thời chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi sắp tới.

Các văn bản hướng dẫn kèm theo quy chế thi sẽ sớm được ban hành để trong tháng 3, Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho các địa phương và các ĐH, CĐ. Từ ngày 1/4, học sinh có thể bắt đầu đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. 

Vị Cục trưởng cũng chia sẻ, nội dung thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu là kiến thức lớp 12. Đề thi sẽ đảm bảo số lượng câu hỏi đủ lớn phục vụ xét tốt nghiệp, sau đó là một số câu hỏi có tính chất phân hóa dần phục vụ cho tuyển sinh.

Một điều chỉnh rất quan trọng các trường cần lưu ý đó là năm nay sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi từ 50% (năm trước) lên 70%, còn 30% là điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Do đó, các em căn bản vẫn giữ ổn định vì vậy các em yên tâm, tham khảo kĩ đề thi tham khảo, đồng thời chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi sắp tới./.

Theo baophapluat.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất