Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 23/4/2016 9:48'(GMT+7)

"Nóng" chuyện nước Anh rời EU

Người dân Anh chỉ còn hai tháng để quyết định có hay không rời khỏi EU. (Ảnh: csmonitor)

Người dân Anh chỉ còn hai tháng để quyết định có hay không rời khỏi EU. (Ảnh: csmonitor)

Các cường quốc muốn Anh ở lại EU

Sáng 22/4, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã tới Anh, bắt đầu chuyến thăm xứ sở sương mù trước khi Luân Đôn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới về quy chế thành viên của Anh trong EU. Theo kế hoạch, ngoài việc tham dự bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét đệ Nhị (Elizabeth II), ông B.Ô-ba-ma hội đàm với Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) nhằm thảo luận về cuộc trưng cầu dân ý quyết định việc đi hay ở lại EU của Anh. 

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Daily Telegraph ra ngày 22/4, ông B.Ô-ba-ma kêu gọi cử tri Anh ở lại EU, cho rằng quy chế thành viên trong "ngôi nhà chung" không chỉ làm tăng vị thế của nước Anh trên thế giới mà còn làm EU trở nên mạnh hơn. Theo ông B.Ô-ba-ma, không phải Mỹ, mà thế giới cần sự ảnh hưởng to lớn của Anh, trong đó có mong muốn Luân Đôn ở lại EU. Ông nhấn mạnh, Mỹ đặc biệt quan tâm tới kết quả cuộc trưng cầu về quy chế thành viên của Anh trong EU. Chính phủ, nhiều ngân hàng và các công ty của Mỹ lo ngại rằng nguy cơ Anh rời khỏi EU có thể gây ra cuộc khủng hoảng trên thị trường, hủy hoại vị thế tài chính toàn cầu của Luân Đôn, làm suy yếu EU cả về an ninh lẫn kinh tế.

Về những thiệt-hơn khi nước Anh đi hay ở, trước đó, trả lời phỏng vấn đài BBC, Bộ trưởng Tài chính Đức Vôn-phơ-gang Soi-blơ cho rằng, cuộc bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh, châu Âu cũng như toàn cầu. Ông Vôn-phơ-gang Soi-blơ phân tích, nếu Anh “ra đi”, các nước sẽ phải đối mặt với những cuộc đàm phán khó khăn nhất kéo dài trong nhiều năm, điều này cũng là khó khăn lớn đối với cả EU.

Theo Bộ trưởng Soi-blơ, dù Anh vẫn có thể giao thương với EU sau khi rời khối, nước này sẽ không có được lợi thế gia nhập thị trường chung của khối nếu không chấp nhận cho các công dân của khối tự do đi lại hay đóng góp vào ngân sách EU. Quan chức này cũng loại bỏ ý tưởng Anh sẽ làm theo Na Uy, thực hiện các nghĩa vụ thành viên mà không có quyền can thiệp vào quyết định của EU. Tuy nhiên, dù thừa nhận việc Anh rời EU là một "bi kịch" và EU sẽ trở nên yếu hơn, nhưng ông Soi-blơ khẳng định EU sẽ không "chết".

Tổn thất nghiêm trọng cho cả hai phía

Người dân châu Âu nghĩ gì về tương lai của nước Anh? Ở lại hay tách khỏi EU? Nhật báo Le Figaro (Pháp) vừa hoàn thành cuộc thăm dò vào giữa tháng 4/2016, với hơn 5.731 người tại 5 nước châu Âu là Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan và Anh. Kết quả, phần lớn số người được hỏi phản đối “Brexit”-tức là việc nước Anh rời khỏi EU, với 78% người Đức, 67% người Tây Ban Nha, 59% người Pháp và 54% người Ba Lan ủng hộ việc nước Anh ở lại EU. Đối với bản thân người dân Anh, các ý kiến lại đa chiều: 38% đồng tình, 34% phản đối và 28% không có ý kiến. Trong khi đó, theo cuộc thăm dò dư luận mới đây của ORB được đăng trên tờ The Telegraph hôm 19-4, tỷ lệ người ủng hộ nước Anh ra khỏi EU là 41%, trong khi 53% người được hỏi mong muốn nước này ở lại.

Nhấn mạnh tới sự thiệt hại và tác động tiêu cực từ cả hai phía, các nhà phân tích cho rằng, “Brexit” đồng nghĩa với những rào cản ngăn nước Anh đến với một thị trường 500 triệu người tiêu dùng là EU. Chính phủ Anh sẽ mất khoảng 36 tỷ bảng tiền thuế ròng nếu nước này rời khỏi EU và phải thương lượng lại hiệp định thương mại tự do với liên minh này. Theo Bộ trưởng Tài chính Anh G.Ô-xbon (G.Osborne), việc xứ sở sương mù rời khỏi EU sẽ khiến nước này nhận được đầu tư ít hơn, thương mại giảm sút và sự mở cửa với châu Âu bị thu hẹp. Ông khẳng định, EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của nước Anh và cảnh báo các gia đình Anh sẽ phải trả một "cái giá đắt đỏ" và sẽ nghèo hơn nếu Anh rời EU.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Tài chính Anh, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Ph.Gan-hâu (Francois Villeroy de Galhau) ngày 18-4 cho rằng nước Anh nên ở lại EU.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong báo cáo mới nhất về "Triển vọng kinh tế thế giới", đánh giá "Brexit" sẽ làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại đã được xác lập và gây ra "những thách thức lớn" cho cả Anh và phần còn lại của châu Âu. Thiết chế tiền tệ hàng đầu thế giới này cũng cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân để cử tri lựa chọn ra đi hay ở lại với EU mà nước Anh lên kế hoạch vào ngày 23/6 tới hiện cũng đã gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư và một kết quả "ra đi" sẽ càng khiến sự bất ổn này gia tăng. Khảo sát hồi tháng 3/2016 của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cho hay, niềm tin của các công ty dịch vụ tài chính tại xứ sở sương mù trong quý đầu năm nay giảm mạnh nhất kể từ năm 2011. Theo số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Anh, hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước này giảm 2% trong quý IV-2015. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF hạ mức dự báo tăng trưởng của Anh trong năm nay xuống 1,9% thay vì 2,2% đưa ra hồi tháng 1-2016. Dự báo tăng trưởng của xứ sở sương mù trong năm tới được giữ nguyên ở mức 2,2%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng nhấn mạnh tới hậu quả về kinh tế nếu Anh rời khỏi EU.

Bên cạnh những hậu quả về kinh tế, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francoise Hollande) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo về những hậu quả trực tiếp từ cuộc khủng hoảng di cư và các vấn đề an ninh nếu Anh ra đi.

Sự thiệt-hơn đã được phân tích, chính phủ và người dân Anh chắc sẽ có những tính toán sao cho “vẹn cả đôi đường”./.

Nguyễn Hòa (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất