Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 27/12/2010 22:14'(GMT+7)

Nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa lớn

PhóThủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

PhóThủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu như vậy trong Hội nghị tổng kết kế hoạch năm 2010 và triển khai kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) được tổ chức ngày 27/12.

Nhiều lĩnh vực đạt và vượt chỉ tiêu đề ra

Năm 2010, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đầu năm khô hạn xảy ra gay gắt trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung, nước mặn xâm nhập sâu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tháng 10, 11 liên tục xảy ra 3 trận lũ lụt lớn ở miền Trung; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp, giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2010 vẫn đạt 2,8% (năm 2009 đạt 1,83%). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 3,36%/năm, vượt mức mục tiêu 3-3,2%/năm của Đại hội Đảng X đề ra và kế hoạch phát triển 5 năm của ngành. Giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 4,69%, bình quân tăng 4,93%/năm (mục tiêu kế hoạch là 4,5%) trong giai đoạn 2006 – 2010.

Sản lượng lúa cả năm ước đạt 39,8 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao đạt 19,15 tỷ USD, tăng gần 22,6% so với năm 2009, là yếu tố quan trọng kích thích sản xuất phát triển và tăng thu nhập cho nông dân.

Đáng chú ý, năm 2010 được đánh giá là khó khăn nhất của chăn nuôi khi các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm “thi nhau” hoành hành. Tuy nhiên, theo số liệu Cục Chăn nuôi, sản lượng thịt hơi các loại năm 2010 đạt 4,02 triệu tấn, tăng 6,3%. Dự kiến, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi cả năm đạt 7%.

Trong khi đó, giá trị sản xuất lâm nghiệp cũng tăng 4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Độ che phủ rừng đã tăng từ 37,1% năm 2005 lên 39,5%  trong năm 2010, tăng 2,4% cả giai đoạn 2006-2010.

Đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vượt qua những khó khăn chung của cả nước, trong giai đoạn qua, ngành nông nghiệp đã hoàn thành vượt mức kế hoạch trên các lĩnh vực, nông thôn có nhiều đổi mới tích cực.

Đề cập tới phương hướng nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, cần đặc biệt quan tâm tới công tác phát triển quy hoạch trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp chế biến, dân cư… Quy hoạch hạ tầng nông nghiệp phải kết hợp xây dựng giao thông và thủy lợi chặt chẽ, bảo đảm hiệu suất công trình cao, có tính dài hạn và thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo Phó Thủ tướng, đầu tư vào nông nghiệp phải gắn liền với phát triển công nghiệp và thị trường trong dài hạn, không vì lợi ích trước mắt mà phát triển ồ ạt, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chứ không phải mở rộng diện tích.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất toàn diện, với hướng phát triển là ngành sản xuất hàng hóa lớn bằng nhiều mô hình, phương thức kết hợp khoa học công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế nói chung, nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho người dân.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm thúc đẩy nông thôn phát triển nhưng không thể vì thế mà có thái độ ỷ lại. Đây là cuộc vận động toàn dân, làm vì lợi ích của dân, cần tính toán lựa chọn các tiêu chí phù hợp để ưu tiên đầu tư.


Một số chỉ tiêu về nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 được Bộ NNPTNT xây dựng:

GDP toàn ngành tăng trung bình từ 3,5-3,8%. Riêng năm 2011, GDP tăng 3,5%, giá trị sản xuất tăng 4,5-5% so với năm 2010.

Đến năm 2015, có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, giảm tỷ lệ nghèo ở nông thôn xuống còn 7%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%... 
 
(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất