Thứ Bảy, 9/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 6/7/2023 9:37'(GMT+7)

Nông nghiệp trở thành “trụ chính” cho tăng trưởng kinh tế

Bốc xếp, vận chuyển gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Gạo Vinh Phát ở thành phố Long Xuyên (An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bốc xếp, vận chuyển gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Gạo Vinh Phát ở thành phố Long Xuyên (An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việt Nam là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, năm 2023 có thể đạt từ 6-6,5%.

Đó là nhận định trong Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ, diễn ra hồi tháng 5 vừa qua.

Đóng góp vào “điểm sáng” nói trên có ngành nông nghiệp với giá trị gia tăng năm 2022 là 3,36%; kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt 53,22 tỷ USD (thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của nền kinh tế).

Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 73,06% và 255 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Từ “trụ đỡ” thành “trụ chính”

Vai trò “trụ đỡ” của ngành nông nghiệp đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đã được thể hiện rõ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, ngành nông nghiệp phải gồng sức làm "trụ chính" - vừa đảm bảo an ninh lương thực và các vấn đề xã hội, vừa đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh hơn cả "trụ đỡ," ngành nông nghiệp đã đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.

Năm 2022, sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, tuy giảm 1,22 triệu tấn so với năm 2021, nhưng năng suất lúa lại cao, đạt 60,2 tạ/ha, tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp lần đầu đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong số đó, 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD (8 sản phẩm, nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ; 7 mặt hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD).

Tư duy của các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã thay đổi, từ chỗ tập trung vào sản lượng chuyển sang quan tâm tới chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, hướng tới thị trường cấp cao hơn để doanh nghiệp và người nông dân cùng có lợi.

Gạo chất lượng cao hiện tại chiếm 80-90% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt gần 7,3 triệu tấn với 3,54 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất từ trước tới nay do giá tăng cao.

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ở mức 485 USD/tấn, cao nhất thế giới, hơn Ấn Độ, Thái Lan. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo xuất khẩu bình quân của nước ta tăng cao là nhờ chuyển hướng sang phân khúc gạo thơm và chất lượng cao nhờ các giống lúa không có đối thủ cạnh tranh là ST24, SR25, OM18...

Xuất khẩu thủy sản đạt mức cao nhất với 11 tỷ USD, tăng 23,5% so với năm 2021.

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ 27,4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi1,7%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 13,3 tỷ USD (25% thị phần), tiếp đến là Trung Quốc với 10,05 tỷ USD (18,9% thị phần); Nhật Bản với 4,2 tỷ USD (7,9% thị phần); Hàn Quốc với 2,5 tỷ USD (4,7% thị phần).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá tự hào không chỉ nằm ở con số của ngành, mà còn là niềm tự hào ở khía cạnh khác - sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp.

Mở rộng “Nông thôn mới,” nâng mức sống người dân

Tiếp tục phát triển trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của nền kinh tế - kết quả này cho thấy ngành nông nghiệp không chỉ có sứ mệnh giải quyết vấn đề tăng trưởng mà còn mang tính chất toàn diện đối với đời sống của hàng chục triệu nông dân và cư dân nông thôn, cùng hàng chục triệu lao động ở khu vực nông nghiệp, dịch vụ.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 73,06% (chỉ tiêu là 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chỉ tiêu là 235 đơn vị); số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 78% (chỉ tiêu là 77%).

Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã bổ sung một số mục tiêu về chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cấp thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Nếu như Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới mới giai đoạn 2010-2020 đã làm đổi thay diện mạo vùng nông thôn trong cả nước khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, thì mục tiêu chính của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tập trung vào việc nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn một cách bền vững.

Người dân đóng vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng chính trực tiếp tham gia, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ và cũng là người giám sát quá trình này.

Người dân nắm được thông tin đầy đủ về công trình như mục đích xây dựng, quy mô, trách nhiệm và quyền lợi của người dân; được thảo luận, bàn bạc và quyết định; đầu tư, bảo vệ kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn; kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, người dân được hưởng thành quả của sự phát triển và đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người cống hiến.

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 tỉnh đạt 100% số xã hoàn thành chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương, được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 gồm 19 nội dung, theo đó người dân nằm ở vị trí trung tâm, vừa là đối tượng thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương trong nước đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP.

Đầu năm 2023, cả nước có 8.689 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tăng 3.919 sản phẩm so với năm 2020 (65,5% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao, 20% sản phẩm đạt hạng 5 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao).

Chương trình OCOP đã góp phần đáng kể vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực tại các địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu nhập bình quân đầu người trong năm qua đạt 4,67 triệu đồng/tháng, tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Trong đó, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng/người/tháng, trong khi khu vực nông thôn đạt 3,86 triệu đồng/người/tháng.

Chi tiêu bình quân ở thành thị là 3,3 triệu đồng/người/tháng, ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng. Khoảng cách chi tiêu giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp.

Chất lượng nguồn nước sinh hoạt của các hộ gia đình không ngừng được nâng cao; 99,7% hộ thành thị và 97,4% hộ nông thôn đã có nguồn nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,5%, gần như không có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực thành thị-nông thôn và giữa các vùng miền, địa phương.

Năm 2022, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 27,2 m2. Tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố đã lên tới 96,8% tính gộp cả thành thị lẫn nông thôn. Đây cũng là một trong các chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng đời sống của cư dân được nâng lên./.

Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất