Tham dự hội nghị có ông Trần Văn Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) cùng đại biểu các ban Đảng trung ương; ông Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh…
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) sát với tình hình của địa phương. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân. Sau 15 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã có sức lan tỏa trong cuộc sống; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, nhất là công tác giáo dục lý tưởng, xây dựng con người mới, quan tâm đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở; nhân dân ngày càng nhận thức rõ về vai trò, vị trí của văn hóa và ngày càng tự giác tham gia tích cực, trở thành ý thức chính trị của hệ thống chính trị cơ sở với phương châm: Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
Xây dựng con người văn hóa đi đôi với môi trường văn hóa được chú trọng. Tiêu biểu như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được xem là cuộc vận động lớn nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa năm sau cao hơn năm trước; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Nhiều hủ tục, thủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang được hạn chế. Một số hủ tục chôn chung, nối dây, thuốc thư… được xóa bỏ ở nhiều vùng. Các lễ hội dân gian của người bản địa không kéo dài và lãng phí như trước…; công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa luôn được tỉnh chú trọng. Hiện nay, tỉnh đã sưu tầm, bảo quản, trưng bày hơn 7.000 hiện vật về khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử của địa phương. Toàn tỉnh có 13 di tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch cấp bằng công nhận, 4 di tích và cụm di tích là di tích cấp tỉnh, 30 di chỉ khảo cổ được khảo sát… Các di tích này hiện đang được bảo tồn và phát triển. Công trình văn hóa Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đã đáp ứng tốt nhu cầu tinh thần của nhân dân. Việc nghiên cứu văn hóa dân tộc được tỉnh quan tâm và cho xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Nhà mồ và tượng nhà mồ Bắc Tây Nguyên; Câu đố Jrai… Đặc biệt không thể không nói tới “báu vật” được thế giới vinh danh: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đây là một hoạt động văn hóa quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đồng thời đây cũng là dịp để đồng bào Gia Lai mở rộng giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Minh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cho biết: “Gia Lai đã làm tốt việc xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Hy vọng, thời gian tới Gia Lai sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng và định hướng cho thế hệ trẻ nền văn hóa tốt đẹp”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại: Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết chưa xứng tầm với yêu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới; một số đơn vị xây dựng chương trình hành động chưa sát với tình hình thực tiễn, các thiết chế văn hóa đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân…Trong thời gian tới, Gia Lai tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và tăng cường bảo tồn, phát huy những công trình văn hóa dân tộc…
Hội nghị được nghe các tham luận về những kinh nghiệm cũng như công tác bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc của phường Hòa Bình (thị xã AyunPa); huyện Kbang; mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên” của đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh; công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Jrai của ông Rơ Châm Hmút- xã Ia Ka(Chư Pãh)….
Dịp này, Tỉnh ủy đã tặng bằng khen cho 25 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)./.
Ánh Hồng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai