(TG) - Sáng 27/3, Hội thảo khoa học chuyên đề Tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học và du lịch tại các di tích Nho học diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Việc khai thác Di tích như thế nào cho hiệu quả để du khách không những biết đến các di tích Nho học là biểu tượng
truyền thống văn hiến Việt Nam mà còn là nơi tôn vinh việc học,
thiết thực khuyến học trong giai đoạn hiện nay đối với thế hệ trẻ... được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Hội
thảo diễn ra với sự tham gia của các nhà khoa học, những người trực
tiếp quản lý các di tích Nho học từ Văn miếu kinh đô đến các Văn miếu
địa phương, Văn từ, Văn chỉ…
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho rằng: Về quy trình trùng tu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được nghiên cứu nghiêm túc từ khâu lập đề án, xin ý kiến các nhà khoa học đến giám sát thi công, nghiệm thu kết quả. Tuân thủ nguyên tác “giữ nguyên yếu tố gốc”, sử dụng triệt để các vật liệu truyền thống (gỗ, gạch, ngói…) và kỹ thuật truyền thống (mộc, nề, sơn mài, chạm khắc…)... Chính nhờ những nguyên tắc này và quyết định lựa chọn phong cách kiến trúc phù hợp tại Văn Miếu nên đã “hòa nhập” dễ dàng vào không gian kiến trúc cổ của khu vườn bia, gác Khuê, giếng Thiền Quang khiến không ít du khách tham quan lầm tưởng đó là những hạng mục cổ còn giữ lại từ thời Lê – Nguyễn.
Bởi vậy, trong suốt 25 năm qua, Di tích Văn Miếu - Quốc tử Giám đã đón hàng triệu lượt khách tham quan du lịch, trung bình mỗi năm 1,5 triệu lượt khách, đón tiếp nhiều đoàn khách nguyên thủ quốc gia từ nhiều châu lục trên thế giới. Trung tâm kết hợp với nhiều tổ chức, đoàn thể tổ chức, đoàn kết tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, kỷ niệm danh nhân, liên hoan văn hóa, văn nghệ bảo lưu truyền thống văn hóa dân tộc, nhiều hoạt động tuyên dương học sinh thủ khoa, trảo giải đồ án tốt nghiệp xuất sắc… Với hoạt động đó, Trung tâm đã được ghi nhận là đơn vị quản lý Di tích và tổ chức khai thác Di tích đạt hiệu quả cao trong những năm qua.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Quản lý Văn Miếu Mao Điền cho biết: Khu Di tích Văn Miếu Mao Điền là nơi duy nhất trong hệ thống Văn miếu cả nước có lễ hội (vào ngày 18/2 âm lịch hàng năm), vì vậy việc tổ chức lễ hội như thế nào cho đúng với ý nghĩa của một Văn miếu (không bị thương mại hóa) là điều được UBND tỉnh, Sở VHTTDL và Ban quản lý quan tâm. Ngoài ra, hàng năm Ban quản lý Di tích cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến học có sự tham gia của các trường, tìm hiểu về văn hóa, Văn miếu dưới hình thức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, trò chơi. Việc tôn tạo Di tích đã được UBND tỉnh hoàn thành năm 2003 giữ được không gian, kiến trúc của hai tòa Đại bái, Hậu cung, Đông Vu, Tây Vu… Hằng năm, Văn Miếu Mao Điền thu hút khoảng trên 3 vạn du khách.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các đơn vị quản lý thống nhất đưa ra nghề nghị các ban, ngành liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa hệ thống di tích Nho học vào hệ thống du lịch, trở thành điểm đến trong các tour du lịch. Có như vậy, việc khai thác Di tích hiệu quả, triệt để hơn để du khách không những biết đến các di tích Nho học là biểu tượng cho truyền thống văn hiến Việt Nam mà còn là nơi tôn vinh việc học, thiết thực khuyến học trong giai đoạn hiện nay đối với thế hệ trẻ.
Các tham luận tại hội thảo đề cập tới nhiều lĩnh vực như: Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo tới nền văn hóa Việt Nam, khái quát lịch sử hình thành và tồn tại của hệ thống Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ ở Việt Nam cùng với những ý nghĩa của nó. Qua đó toát lên được đời sống sinh hoạt của làng xã khoa bảng xưa của Việt Nam với những nghi thức tôn thờ Tiên thánh, Tiên nho, những hoạt động tâm linh thể hiện sự hỗn dung tôn giáo, tín ngưỡng bản địa với tôn giáo – triết học Khổng giáo, hương ước làng xã và tôn vinh những người đỗ khoa bảng. Các tham luận cũng đề cập đến công tác trùng tu, tôn tạo cùng những kinh nghiệm trong công tác tu bổ tôn tạo hay xây mới, phục hồi di tích Nho học. Đặc biệt là công tác khai thác và sử dụng di tích, di sản đó trong việc giáo dục, khuyến học, tuyên truyền về truyền thống tôn sư trong đạo, hiếu học, hiếu nghĩa, góp phần vào công cuộc rèn đức, rèn tài cho các thế hệ ngày nay.
Lê Thu