Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 9/3/2011 21:42'(GMT+7)

Nữ Giáo sư, chuyên gia kỹ thuật đa phương tiện

GS Phạm Ngọc Yến.

GS Phạm Ngọc Yến.

Giọng nói nhẹ nhàng, GS, TS Phạm Ngọc Yến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA) thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội, hướng dẫn nhóm nghiên cứu phần lớn là các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về, hoàn tất các công đoạn trong phòng thí nghiệm để chuẩn bị cho việc nghiệm thu, đánh giá đề tài cấp Nhà nước do chị làm chủ nhiệm. Tôi là dân ngoại đạo nên hết sức ngạc nhiên khi một người trong nhóm nghiên cứu ra lệnh 'đi tới' hay 'dừng lại' thì chú rô-bốt nhỏ nhắn làm theo y lệnh. Hay chỉ cần một cử chỉ ra hiệu thì đĩa nhạc phát ra lời ca, hoặc  dừng mà chẳng cần dùng tay đóng mở công tắc. Nói đơn giản vậy, nhưng kết quả này chứa đựng một hàm lượng công nghệ cao và giá trị thực tiễn lớn của cả một nhóm nghiên cứu trẻ suốt mấy năm trời do GS, TS Phạm Ngọc Yến chủ trì.

Theo chị, đây là vấn đề có thể ứng dụng rộng rãi cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự. Ði theo hướng phát triển mô hình hệ thống tự động hóa điều khiển sử dụng giao tiếp người - máy bằng tiếng nói, xây dựng các ứng dụng trung tâm, trong đó khối giao tiếp sử dụng công nghệ nhận dạng tiếng nói được dùng để tương tác với nhiều thiết bị khác nhau. Phát triển, ứng dụng công nghệ nhúng, mà khối giao tiếp bằng tiếng nói được tích hợp trực tiếp lên thiết bị, từ đó người sử dụng có thể tương tác trực tiếp với thiết bị giống như quan hệ giữa người với người. Có thể nói đây là quá trình tích hợp và phát triển hệ tương tác người - máy đa phương thức và môi trường cảm thụ đạt tới sự thông minh. Theo GS, TS Phạm Ngọc Yến thì đây là một trong những vấn đề khá mới được các đồng nghiệp trong nước và trên thế giới quan tâm. Bởi lẽ, đầu tư nghiên cứu nó một cách bài bản thì sẽ ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực của đời sống và dĩ nhiên sẽ giúp con người đỡ mất công, tốn sức vào những động tác cơ bắp.

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành xử lý tín hiệu - hình ảnh - tiếng nói tại Viện Ðại học Bách khoa Quốc gia, Cộng hòa Pháp, về nước, TS Phạm Ngọc Yến làm công tác giảng dạy về kỹ thuật đo lường, xử lý tín hiệu, biến đổi tín hiệu và ứng dụng, thiết bị và cảm biến... cho đối tượng sinh viên thuộc các hệ sau đại học, hệ đào tạo chất lượng và kỹ sư tài năng. Ðặc biệt, chị cũng là sáng lập viên khởi xướng sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu Quốc tế đa phương tiện truyền thông và ứng dụng MICA từ năm 2001, rồi sau đó là giám đốc cho nên càng có điều kiện nâng cao năng lực quản lý, phương pháp nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thật cảm phục trước sức làm việc của nhà khoa học nữ này, bởi ngoài các trách nhiệm là Trưởng bộ môn kỹ thuật đo và tin học công nghiệp, Bí thư Ðảng ủy khoa Ðiện, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Giám đốc MICA, khoảng mười năm trở lại đây GS, TS Phạm Ngọc Yến đã hướng dẫn cho gần 30 học viên cao học, giúp đỡ bảy nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và hiện đang hướng dẫn tiếp tục sáu trường hợp khác làm nghiên cứu sinh. Ðồng thời, những năm qua, chị cũng đã chủ trì triển khai, thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và một số đề tài hợp tác quốc tế. Ðáng chú ý trong số này là các đề tài 'Nghiên cứu phát triển một số sản phẩm thiết yếu về xử lý tiếng nói và văn bản Tiếng Việt'; 'Xây dựng hệ thống mạng liên kết dành cho đào tạo'; 'Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo các thảm họa thiên nhiên'; 'Ứng dụng kỹ thuật đa phương tiện trong tổng hợp và phân tích thông tin đa phương tiện'; 'Thiết bị điện tim thông minh'...

Sự say mê trong lao động và sáng tạo những năm qua của GS, TS Phạm Ngọc Yến đã được ghi nhận bằng các danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú nhiều năm liền, Chiến sĩ thi đua của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Vinh dự hơn, năm 2010 với uy tín về chuyên môn và khoa học đã giúp chị trở thành nữ GS trẻ nhất nước do Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước trao tặng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về dự định trong tương lai, GS, TS Phạm Ngọc Yến cho biết, chị vẫn tiếp tục chủ trì nhóm nghiên cứu tập trung vào hai hướng chính là nghiên cứu phát triển phương pháp đo các đại lượng y sinh và thiết bị đo cá nhân; phát triển mô hình hệ thống tự động hóa điều khiển sử dụng giao tiếp người - máy tương tác với các thiết bị. Ðây là các lĩnh vực mà giới khoa học trong và ngoài nước đang quan tâm.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất