“Em sinh ra đã không được nhìn mặt bố, mẹ đã tần tảo chạy ăn từng bữa và chắt bóp từng đồng tiền để cho em ăn học, nếu không có mẹ em đã không có ngày hôm nay. Mẹ là nguồn động lực để em nỗ lực hết mình trong kỳ thi đại học vừa qua,…”, Nguyễn Thị Thu Hương, thủ khoa Đại học Hùng Vương năm 2012 rươm rớm nước mắt khi nói về mẹ mình.
Căn nhà nhỏ của Hương tại khu 3, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì (Phú Thọ) mấy ngày nay rộn rã tiếng bà con hàng xóm đến chia vui với 2 mẹ con Hương. Ai nấy đều cảm phục trước nghị lực phi thường của cô học trò nghèo đỗ thủ khoa trường Đại học Hùng Vương với số điểm 24,5 trong đó môn Văn: 7,5, Lịch sử: 8,5 và Địa lý; 8,5.
Sinh ra đã không biết mặt bố, Hương lớn lên trong sự yêu thương và đùm bọc của người mẹ trẻ lam lũ. Tuổi thơ của Hương theo mẹ trên những cánh đồng, những vườn ngô, sắn. Tài sản của 2 mẹ con là căn nhà dột nát và hơn 1 sào ruộng. “Nhiều trận mưa em và mẹ phải ngồi nép vào một góc cho đỡ dột, hôm nào có bão thì phải chạy sang nhà bà ngoại để trú mưa,…”, Hương nhớ lại. Thấy hoàn cảnh của hai mẹ con Hương như vậy, các cô, các bác và hàng xóm đã giúp đỡ hai mẹ con xây dựng được ngôi nhà kiên cố để tránh mưa bão từ năm 2006. Có chỗ ở ổn định, mẹ con Hương lại phải vất vả với con đường mưu sinh. “Nếu chỉ trông chờ vào hơn 1 sào ruộng thì ăn cũng không đủ chứ nói gì đến cho cháu đi học”, chị Nguyễn Thị Sáu, mẹ của Hương tâm sự. Thương con, muốn con học được cái chữ để thoát nghèo chị Sáu đã làm đủ nghề để nuôi Hương ăn học. “Tôi xoay đủ nghề để kiếm sống. Đến thời vụ thì đi cấy và gặt thuê, lúc nông nhàn thì đi làm phụ xây, trông trẻ,…”, chị Sáu kể.
Khi Hương vào học cấp 3 tại trường Trung học phổ thông kỹ thuật Việt Trì, khó khăn lại càng chồng chất với hai mẹ con. Chị Sáu cũng đau yếu thường xuyên nên không thể đi làm thuê như hồi còn trẻ. Cũng thật may cuối năm 2010 chị được giới thiệu vào làm công việc nấu ăn tại Công ty TNHH Thương mại Đại Hưng. Thu nhập từ công việc nấu ăn cũng giúp chị có tiền trang trang trải cuộc sống và đóng tiền học cho Hương. Thương mẹ vất vả và tần tảo sau khi thi đại học xong, Hương đã xin vào công ty mẹ để làm hợp đồng thời vụ. “Em muốn đỡ đần mẹ và cũng là để kiếm một chút tiền để chuẩn bị bước vào giảng đường đại học,…”, Hương chia sẻ!
Khó khăn là thế nhưng suốt những năm học cấp 2 và cấp 3 Hương đều là học sinh giỏi của trường. Năm học lớp 9, Hương đoạt giải Khuyến khích môn Văn cấp thành phố, năm lớp 12 Hương đoạt giải 3 môn Văn cấp tỉnh. Hương chia sẻ về “bí quyết” học giỏi các môn xã hội: Mình chịu khó học trong sách giáo khoa, đọc thêm nhiều sách và báo trên thư viện trường, đặc biệt là xem thời sự để nắm được sâu và rộng các kiến thức xã hội. Có điều gì không hiểu, Hương lại đến hỏi thầy và trao đổi với các bạn. Để làm bài thi đại học tốt, theo Hương, bất cứ môn nào, cũng đều cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa. Sau đó, rèn kỹ năng làm các dạng đề theo hướng dẫn trong sách tham khảo,…”
Nhìn những tấm giấy khen và bảng thành tích của Hương, ít ai nghĩ rằng cô học trò nhỏ ấy chưa bao giờ biết đến những trung tâm luyện thi, những lớp học cấp tốc,...Thậm chí, những quyển sách tham khảo đắt tiền Hương cũng không dám mua mà chỉ mượn của bạn bè, thầy cô và trên thư viện để chép lại hoặc photo về học.
Hương chọn ngành Sư phạm Tiểu học với mong muốn một là sẽ tiết kiệm đường tiền học phí để mẹ an tâm, hai là em muốn sẽ truyền dạy hát Xoan Phú Thọ, Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới vừa được UNESCO công nhận cho các em nhỏ tại quê hương đất Tổ. Hương học hát Xoan từ lúc 5 tuổi và không biết đã mê đắm câu Xoan từ khi nào. Ngay từ nhỏ Hương đã tham gia biểu diễn cùng các nghệ nhân phường Xoan An Thái và đã từng tham gia rất nhiều buổi biểu diễn tại Hà Nội và thành phố Việt Trì.
Bà Nguyễn Thị Lịch, phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì cho biết: Hương là cô gái rất có năng khiếu và đam mê Xoan. Ngay từ nhỏ Hương đã bộc lộ khả năng hát và mua theo những làn điệu Xoan mà các nghệ nhân biểu diễn. Tôi hy vọng rằng Hương cũng như thế hệ trẻ đất Tổ sẽ lớn lên cùng với Xoan để những câu hát cửa đình mãi được bảo tồn, gìn giữ.
Chị Sáu cười thật tươi khi chúng tôi ra về, nhưng đằng sau nụ cười ấy là nỗi lo lắng cho những năm tháng sắp tới trên giảng đường đại học của Hương. Còn Hương, nụ cười rạng rỡ, ánh mắt đầy quyết tâm, khao khát được đến trường đang thôi thúc Hương nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình./.
Vũ Bắc - TTXVN