Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Tư, 25/2/2009 14:28'(GMT+7)

Nước biển dâng 1m sẽ “nuốt" Đồng bằng sông Cửu Long

Theo tính toán của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu không sớm hành động để đối phó với tình trạng này, thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp, môi trường cho rằng, cũng giống như các đô thị lớn trên thế giới với đặc thù dân số đông, tốc độ đô thị hoá nhanh sẽ khiến các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu những hậu quả nặng nề nếu không có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu hữu hiệu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học cho rằng đợt mưa lớn gây ngập úng cho Hà Nội nặng nề vào cuối năm 2008 vừa qua là minh chứng rõ nét cho tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của thành phố. Biến đổi khí hậu không còn là chuyện xa vời. Nó đang hiển hiện trong cuộc sống của từng gia đình, từng thành viên trong cộng đồng.

Tình trạng triều cường thường xuyên gây ngập úng các tuyến phố của Thành phố Hồ Chí Minh cũng được nhìn nhận là hậu quả của biến đổi khí hậu. Đó là chưa kể nạn hạn hán, lũ lụt... xảy ra bất thường với tính chất ngày càng phức tạp, rất khó dự báo cũng đang gây nên nhiều thiệt hại về người và của với Việt Nam.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ  Trần Thục, Viện Khoa học Khí tượng, Thuỷ văn và Môi trường: Dự kiến đến năm 2100, nhiệt độ trung bình của Việt Nam tăng thêm 3OC, mực nước biển dâng thêm 1m so với hiện nay. Khi đó, gần như toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị nhấn chìm, 1700km2 ở Đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng.

Có nhiều đô thị lớn tưởng như “bình an vô sự" nhưng thực ra cũng chịu tác động không nhỏ. Cụ thể như Thành phố Hồ Chí Minh, khi mực nước biển dâng lên 2m sẽ khiến thành phố gần như bị chìm. Trong khi đó, nếu mực nước này dâng lên 3-4m, Hà Nội sẽ bị tác động.

Điều đáng báo động là trong khi Việt Nam được xếp trong số 5 nước bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, với nguy cơ phải đối mặt với những hậu quả ngày càng nghiêm trọng, thì việc triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu lại đang gặp nhiều thách thức. Khó khăn đầu tiên là nhận thức của các cấp quản lý, cũng như người dân về tình trạng này còn rất mơ hồ.

Theo điều tra của Viện Khoa học Khí tượng, Thuỷ văn và Môi trường, trong số 100 người, thì chỉ có 4 người có hiểu biết về biến đổi khí hậu. “Việc nhiều cấp chính quyền chưa quan tâm đến biến đổi khí hậu đang thực sự là rào cản cho việc xây dựng, cũng như triển khai các chương trình hành động quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu"- Tiến sĩ Trần Thục lo lắng.

Việc thiếu các công cụ và một kịch bản hành động chi tiết cũng đang khiến các cấp quản lý lúng túng trong triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Khả năng nhận thức hạn chế về biến đổi khí hậu của thế giới và thiếu nguồn lực tài chính cũng đang khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong đối phó với biến đổi khí hậu.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ  Trần Thục, nếu mực nước biển dâng lên 2m, sẽ khiến 40000km2 diện tích đất đai, sông hồ hiện nay bị ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến cuộc sống của 14 triệu dân, số lượng dân cư bị ảnh hưởng tăng lên 22 triệu người nếu nước biển dâng lên 3m.

(Tin tức/Vietnam+)

 

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất