Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 1/3/2013 22:42'(GMT+7)

Nước Mỹ và nguy cơ ngân sách tự động cắt giảm

Tổng thống Mỹ cảnh báo hậu quả của việc cắt giảm ngân sách (Ảnh Reuters)

Tổng thống Mỹ cảnh báo hậu quả của việc cắt giảm ngân sách (Ảnh Reuters)

Ngày 1/3 (theo giờ Mỹ), ngân sách liên bang Mỹ tài khóa 2013 sẽ tự động bị cắt giảm, nếu vào phút chót Quốc hội và Chính phủ không đạt được các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách.

Cuối năm 2012, chính quyền của Tổng thống Barack Obama và các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ký một thỏa thuận ít nhất là cho phép các cuộc đàm phán tiếp tục tới ngày 1/3 để đạt được một kế hoạch cắt giảm ngân sách toàn diện. Nếu không đạt được thỏa thuận, ngân sách tài khóa 2013 sẽ tự động bị cắt giảm 85 tỷ USD và 1200 tỷ USD trong 10 năm tới. Kịch bản này sẽ gây tác động không nhỏ tới người dân Mỹ. Bởi, không chỉ các chi tiêu về quân sự và an ninh theo như Tổng thống Obama cảnh báo, mà rất nhiều trong số các chương trình xã hội hiện nay cũng chịu ảnh hưởng.

Theo Bộ Y tế và các Dịch vụ xã hội Mỹ, việc cắt giảm ngân sách tự động sẽ khiến 30.000 trẻ em không được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công. Trong khi đó, các nhà dưỡng lão tại Mỹ cũng sẽ mất đi khoảng 4 triệu  bữa ăn trợ cấp.

Về giáo dục, hơn 400 triệu USD dành cho chương trình hỗ trợ trẻ em thiệt thòi sẽ bị cắt giảm, làm mất đi cơ hội chăm sóc của gần 70.000 trẻ em này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng đề cập khả năng cắt giảm 200 triệu USD  hỗ trợ nhân đạo tại một số khu vực như Sừng Châu Phi,  400 triệu USD dành cho các chương trình hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống HIV/AIDS và suy dinh dưỡng trên thế giới.

Theo Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang Mỹ Bernanke, việc ngân sách tài khóa 2013 tự động bị cắt giảm sẽ đe dọa đà phục hồi mong manh của nền kinh tế Mỹ. Dự báo, nếu kịch bản này xảy ra thì tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 0,6% trong năm nay và thị trường lao động sẽ mất khoảng 750.000 việc làm trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Còn nhớ, hồi cuối năm 2012, để vượt qua “vách đá tài chính” này, Tổng thống Mỹ Obama đã phải tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ. Song, phe Cộng hòa cáo buộc đảng Đân chủ đang “tiến hành chiến dịch thổi phồng nguy cơ để làm người dân Mỹ hoảng sợ.”

Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định, nếu Nhà trắng không thay đổi thì “sẽ không có bất kỳ một sự khai thông” nào cho tình trạng bế tắc hiện nay.

Quan điểm của phe Cộng hòa cho rằng, muốn giảm thâm hụt ngân sách hàng năm chỉ có cách hiệu quả duy nhất là cắt giảm chi tiêu của Chính phủ nhưng không tăng thuế thu nhập đối với những người giàu có. Ông John Boehner nói: “Tổng thống đã nói về việc giải quyết những lỗ hổng về thuế song lại coi đây như một giải pháp để rót thêm tiền cho các chi têu của chính phủ. Chúng tôi cũng muốn khép lại những lỗ hổng này. Song nếu cải cách thuế thì chúng ta nên tập trung vào vấn đề tạo ra việc làm thay vì chi thêm tiền cho chính phủ.”

Theo các nhà phân tích, thấy xung đột lợi ích giữa phe Cộng hòa và Dân chủ sẽ làm cho cử tri Mỹ là những người bị thiệt thòi và phải gánh chịu hậu quả.  Tổng thống Obama mới đây cảnh báo, nếu tình trạng bế tắc chính trị không được giải quyết thì nền kinh tế mất đà phục hồi, hàng loạt công nhân bị sa thải.

Người phát ngôn Nhà trắng Jay Carney nói:“Đề xuất của đảng Cộng hòa là hoàn toàn không hợp lý, bởi rõ ràng nó đang bảo vệ lợi ích của những người giàu trong khi lại cắt giảm chi tiêu dành do y tế và giáo dục buộc các gia đình trung lưu phải chịu thêm những gánh nặng. Những đề xuất kiểu này không giúp giải quyết vấn đề mà thậm chí còn làm tồi tệ hơn.”

Nếu chương trình cắt giảm chi tiêu xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên ngân sách liên bang bị tự động cắt giảm theo thỏa thuận năm 2011 giữa Nhà trắng và Quốc hội, theo đó trong vòng 10 năm tới sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách 1.200 tỷ USD, trong đó có phần lớn là từ việc giảm chi tiêu của Chính phủ./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất