Thứ Bảy, 21/12/2024
Thế giới
Thứ Tư, 24/3/2010 21:10'(GMT+7)

Nước Pháp trong cơn khủng hoảng chính trị

Ông Jean-Marie Le Pen - lãnh đạo Mặt trận Dân tộc - giành chiến thắng ở cuộc bầu cử địa phương.

Ông Jean-Marie Le Pen - lãnh đạo Mặt trận Dân tộc - giành chiến thắng ở cuộc bầu cử địa phương.

Ngày 21.3 tại Pháp đã diễn ra cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu để bầu hội đồng nhân dân địa phương. Có vẻ như cuộc bầu cử này không có ảnh hưởng lớn dưới góc độ quốc gia theo cách nhìn “Bầu cử địa phương = ván bài chính trị ở địa phương”. Trên thực tế, nó lại mang âm hưởng quốc gia: Cánh tả đối lập đã dễ dàng thắng cử ở 21/22 vùng. Chỉ duy nhất vùng Alsace và đảo Réunion và Guyane (lãnh thổ hải ngoại của Pháp) thuộc quyền kiểm soát của cánh hữu cầm quyền.

Tác động đầu tiên là sự thay đổi thành phần nội các, được công bố vào tối thứ hai (22.3). Dù không ảnh hưởng lớn đến chính phủ vì Thủ tướng François Fillon vẫn tại vị, nhưng đây thực sự là một thất bại đối với Liên minh UMP do ông Nicolas Sarkozy lãnh đạo. Về mặt chính trị, UMP - đảng của ông Sarkozy - đang bị rạn nứt. Bằng chứng mới nhất là cựu Thủ tướng của ông Sarkozy - ông Dominique de Villemin - đã tuyên bố sẽ thành lập một đảng mới vào ngày 25.3 tới - Đảng “Phong trào vì người Pháp”. Đây có thể sẽ là những bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2012.

Tuy giành chiến thắng, Đảng Xã hội (PS) đang có những khó khăn lớn trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ trước vận hội mới, cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2012. Đảng Xã hội cần đưa ra một kế hoạch đáng tin bởi lúc này, sự gắn kết ở cánh tả không đơn giản là chống lại những gì mà ông Sarkozy làm, vì điều này không đủ để quyến rũ cử tri Pháp.

Ngoài ra, PS còn phải giải quyết vấn đề lãnh đạo giữa người đứng đầu hiện nay là bà Martine Aubry và đối thủ lớn vốn là ứng cử viên tranh cử tổng thống - bà Ségolène Royal. Bà Royal vừa giành chiến thắng rực rỡ ở cuộc bầu cử ngày 21.3, tái đắc cử chức Chủ tịch vùng Poitou. Cũng cần tính đến ông Dominique Strauss-Kahn - người hiện đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế - đang rất được nhiều người biết đến. Tại Pháp, mọi người đều biết rằng các cuộc tranh cãi cá nhân trong nội bộ Đảng Xã hội luôn tiềm ẩn và là một trong những điểm yếu quan trọng của đảng này.

Cuộc khủng hoảng chính trị trong bối cảnh biến động tâm lý, người Pháp thường dễ mất tinh thần. Họ hay ta thán, cằn nhằn và không tin vào năng lực của những người thắng cử có thể cải thiện tình hình. Kiểu bi quan này không phải là mới, nhưng nó ngày càng lớn và đang ngược hẳn với sự lạc quan của năm 2007 ở kỳ bầu cử tổng thống Pháp, khi có lòng tin vào những lời hứa của ông Sarkozy về cải thiện cuộc sống của tất cả công dân Pháp và tăng trưởng kinh tế.

Hiện vấn đề thực sự của nước Pháp là khoảng 15 triệu người (trên tổng dân số là 65 triệu) đang sống trong sự bất ổn và nghèo khổ, khó khăn trong việc kiếm thêm 50 hay 100 euro để đủ trang trải chi phí một tháng.

Mặt khác, nước Pháp đang ở trong khủng hoảng bởi đảng cực hữu - hiện thân bởi Mặt trận Dân tộc - đã lấy lại được sức mạnh trong cuộc bầu cử ngày chủ nhật vừa qua. Ông Sarkozy đã thắng cử cách đây 3 năm nhờ sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu và giới nhà giàu. Ngày nay, tầng lớp trung lưu đã thẳng thắn bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng của ông Sarkozy và công khai chỉ trích sự phân hoá xã hội. Đó là trung tâm của cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và tâm lý đang lan ra trên toàn nước Pháp./.
 
(Theo Lao Động online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất