Hàng ngàn nạn nhân tại nhiều nước đã lên tiếng về việc bị các giáo sĩ Công giáo lạm dụng tình dục, vốn bị che giấu lâu nay.
Lá thư xin lỗi của Đức Giáo hoàng Benedict XVI hôm qua đã được đọc tại tất cả nhà thờ của Ireland - nơi khởi nguồn cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đe dọa gây mất uy tín trầm trọng cho Giáo hội Thiên Chúa La Mã. Hồi cuối năm ngoái, các thanh tra chính phủ nước này công bố một loạt báo cáo cho thấy từ thập niên 1950, hàng ngàn vụ đánh đập và xâm hại tình dục đã diễn ra tại các giáo phận Dublin, Ferns và trong hệ thống trường nội trú do nhà thờ quản lý. Hầu hết đều bị che giấu và rất ít thủ phạm bị trừng phạt.
Sự việc tại Ireland đã gây ra một hiệu ứng dây chuyền khi hàng ngàn nạn nhân - cả nam lẫn nữ - tại nhiều nước khác cũng lên tiếng tố cáo bị hành hạ và xâm hại trong quá khứ. Từ đầu năm đến nay, cuộc khủng hoảng đã lan đến Thụy Sĩ, Áo, Đức, Hà Lan và Brazil - nơi có cộng đồng Thiên Chúa giáo lớn nhất thế giới. Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên của Giáo hội Công giáo Hà Lan Pieter Kohnen cho hay tính đến nay, nhà thờ đã nhận được 1.100 đơn tố cáo.
Trong hơn 300 vụ xâm hại vừa được đưa ra ánh sáng tại Đức, có hai vụ liên quan gián tiếp đến Giáo hoàng và anh trai của ngài. Cuối tuần trước, giới truyền thông đưa tin Tổng giáo phận Munich hồi đầu thập niên 1980 đã phớt lờ những cảnh báo về hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của linh mục Peter Hullerman. Ông này chỉ bị chuyển sang giáo khu khác và tới tận gần đây mới bị đình chỉ sau nhiều cáo buộc. Thời gian vụ việc xảy ra nằm trong giai đoạn ngài Benedict XVI còn là Tổng giám mục Munich, theo CNN. Bên cạnh đó, anh trai của Giáo hoàng là linh mục Georg Ratzinger hồi đầu tháng cũng thừa nhận đã đánh các bé trai khi còn làm trưởng ca đoàn chính tại vùng Bavaria từ năm 1964-1994, theo tờ Passauer Neue Presse của Đức. Tuy nhiên, ông Ratzinger nói mình không hề biết về những vụ xâm hại tình dục tại đây. Tòa thánh Vatican vừa qua đã lên tiếng phản đối những lời cáo buộc gắn kết Giáo hoàng với các vụ tai tiếng.
Không phải vụ nào cũng liên quan đến trẻ em nhưng cũng đủ khiến uy tín của Giáo hội sụt giảm trầm trọng. Một đoạn phim quay lén của Đài truyền hình SBT ở Brazil khiến hơn 100 triệu giáo dân nước này bàng hoàng khi thấy rõ cảnh linh mục Marques Barbosa quan hệ tình dục với một lễ sinh nam 19 tuổi tại bang Alagoas. Ông Barbosa đã bị đình chỉ cùng hai linh mục khác.
Trong bức thư gửi tới giáo dân Ireland, Giáo hoàng Benedict XVI viết ông “hối hận và hổ thẹn” vì hành vi của các tu sĩ bệnh hoạn và xin lỗi các nạn nhân. Giáo hội Ireland cùng nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với bức thư, cho rằng nó đến vào thời điểm cần thiết nhất. Tuy nhiên, đa số nạn nhân đều cho rằng bức thư đã không đáp ứng được sự chờ đợi của họ. Nhiều ý kiến cho rằng đáng lẽ bức thư phải xin lỗi về việc cả hệ thống nhà thờ che đậy những vụ xâm hại bằng cách phớt lờ hoặc buộc các nạn nhân im lặng. “Tôi không cần Giáo hoàng xin lỗi giùm những tên bệnh hoạn” - AP dẫn lời ông Andrew Madden tại Ireland nói - “Tôi và hàng ngàn người bị hại khác cần được xin lỗi về việc Vatican bảo vệ bọn họ bằng cách hy sinh cuộc sống của trẻ em”. Ngoài việc kêu gọi các giáo hội hợp tác với chính quyền và ngăn chặn các vụ lạm dụng, Giáo hoàng cũng không cho biết sẽ có hành động cụ thể nào cũng như không đề cập sẽ trừng phạt các giáo chức đã che đậy các vụ việc ra sao. Các hồng y tại những nước liên quan đều tuyên bố chỉ từ chức khi Giáo hoàng yêu cầu. Người phụ trách website Bishopaccountability.org - Terry McKiernan cũng nói: “Dường như mục đích của bức thư chỉ nhằm làm dịu dư luận mà thôi”.
Giới quan sát nhận định khi Giáo hoàng vẫn còn ủng hộ việc nhà thờ tự giải quyết bí mật bằng giáo luật chứ không phải bằng pháp luật thì vấn đề còn chưa được giải quyết. “Chính sách bí mật của nhà thờ hiện diện khắp thế giới và vụ việc sẽ không dừng lại ở đây”, bà Marie Collins - người thường xuyên bị một linh mục tại Dublin cưỡng hiếp từ lúc 13 tuổi trong thập niên 1960 - nói với AP. Ngoài việc bị mất uy tín, Vatican còn đối mặt với những vụ kiện đòi bồi thường với số tiền hàng chục triệu USD./.
(Theo Thanh niên online)