Làng nghề là một trong những đặc thù của nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Hoạt động trong các làng nghề là những hoạt động kinh tế phi nông nghiệp bao gồm các nghề thủ công, hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế như hộ gia đình, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân... Các hộ và các tổ chức kinh tế này gắn bó chặt chẽ, mật thiết với khu vực nông thôn thông qua việc sử dụng tư liệu sản xuất, vốn và nhân lực ở nông thôn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn.
Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay, ngành nghề nông thôn được chia ra 7 nhóm gồm: (1) Làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (xay xát lúa gạo, sản xuất bột thô, làm bún, bánh, bảo quản rau quả; chế biến lâm sản, thủy sản, chủ yếu là các nghề làm thủy sản khô, mắm ruốc, nước mắm...); (2) Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (trạm khắc...); (3) Làng nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; (4) Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; (5) Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; (6) Sản xuất muối; (7) Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Kết quả tổng hợp cho thấy, đến nay, các tỉnh đã rà soát, công nhận được 1.951 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 1.062 làng nghề mới và 889 làng truyền thống. Làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (nhóm I) chiếm 32,8% (640 làng nghề); Làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ thủy tinh, dệt may sợi, thêu ren, đan lát chiếm 47,9% (935 làng nghề); các nhóm làng nghề còn lại chỉ chiếm 19,28% (với 376 làng nghề).
Làng nghề được công nhận tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, trong đó TP. Hà Nội có số làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động được công nhận nhiều nhất với 313 làng, tiếp đến là các tỉnh: Thái Nguyên 263 làng, Thái Bình 117 làng, Ninh Bình 75 làng, Nam Định 72 làng, Nghệ An 173 làng... Cơ cấu làng nghề phân theo vùng như sau: Đồng bằng sông Hồng 783 làng (chiếm 40,7%), Trung du miền núi phía Bắc 478 làng (chiếm 24,8%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 415 làng (chiếm 21,5%), đồng bằng sông Cửu Long 228 làng (11,8%), Tây Nguyên 17 làng (chiếm 0,9%), Đông Nam bộ 5 làng (chiếm 0,3%). Đặc điểm của làng nghề về quy mô, công nghệ, loại hình sản xuất, sản phẩm cũng không giống nhau theo các vùng miền. Tuy nhiên, làng nghề phát triển, sản xuất kinh doanh được mở rộng thì lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều, trong khi đó việc quản lý và xử lý chất thải chưa được chú trọng giải quyết nên tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng gia tăng. Vì vây, mục tiêu giải quyết cấp bách tình trạng ÔNMT trong các làng nghề và vùng lân cận nhằm đảm bảo phát triển các làng nghề theo hướng bền vững đang trở thành nhu cầu cấp thiết và là thách thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vưc nông thôn.
1 .Đặc trưng ÔNMT của làng nghề
(1) ÔNMT tại các làng nghề là hình thái ô nhiễm tập trung trên phạm vi một khu vực (thôn, làng, xã...) ở nông thôn. Khu vực này bao gồm nhiều nguồn ô nhiễm dạng điểm (hộ gia đình, cơ sở sản xuất) gây tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng sống tại khu vực đó.
(2) ÔNMT tại làng nghề mang đậm nét đặc thù của hoạt động sản xuất theo ngành nghề, loại hình sản phẩm và gây tác động trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí trong khu vực dân sinh. Vì tính phân tán của các nguồn thải nên khó khăn khi tập trung xử lý các ô nhiễm.
(3) ÔNMT tại làng nghề còn thể hiện rất rõ trong môi trường làm việc (môi trường vi khí hậu) vì điều kiện lao động hạn chế, nhà xưởng chật hẹp, trang thiết bị lạc hậu chắp vá, trang bị bảo hộ thiết và ý thức tự bảo vệ cũng như BVMT chung của người lao động còn rất yếu.
(4) ÔNMT tại các làng nghề ảnh hưởng rõ nét không chỉ tới người lao động trực tiếp mà còn tới dân cư, các gia đình sống trong và xung quanh khu vực. Các hộ sản xuất vừa là nguyên nhân và cũng là nạn nhân của ÔNMT sống.
Kết quả khảo sát hiện trạng môi trường tại một số loại hình làng nghề chính cho thấy:
Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhất là các làng nghề sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc có độ ô nhiễm rất cao. Định mức nước thải cho 1 tấn sản phẩm là 6 - 10 m3, với tải trọng BOD5 = 380 - 450 mg/l, COD = 600 - 650 mg/l nước thải.
Các làng nghề dệt nhuộm sử dụng một lượng lớn nước. Ô nhiễm chủ yếu do nước thải sản xuất có hàm lượng hóa chất, thuốc nhuộm cao, với gần 90% lượng hóa chất trên đi vào nước thải. Nước thải tại nguồn thải trong dây chuyền sản xuất có độ màu rất cao (COD = 1000 mg/l, độ màu = 4000 Pt-Co) đã gây ô nhiễm nước mặt nặng nề.
Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng: Ô nhiễm chủ yếu do sử dụng nhiên liệu là than, củi. Khí thải chứa các chất ô nhiễm SO2, NO2, CO, bụi và gây ô nhiễm nhiệt khu vực lân cận. Hàm lượng bụi vượt TCCP 12 lần, các khí SO2, CO, lớn hơn TCCP từ 1,8 - 2 lần.
Làng nghề thủ công mỹ nghệ: Gây ô nhiễm chủ yếu tới môi trường không khí do bụi, hơi dung môi hữu cơ... Tại làng nghề sơn mài, sử dụng sơn, hóa chất làm bóng, nồng độ hơi dung môi hữu cơ tại 1 cơ sở sản xuất lớn hơn từ 10 - 15 lần TCCP. Các làng nghề có sử dụng hóa chất như chạm mạ bạc còn gây ô nhiễm nước do kim loại nặng. Tại một số làng nghề chạm bạc do trong công nghệ có sử dụng một lượng axit để gia công bề mặt kim loại nên nước thải có hàm lượng các chất độc hại cao, kim loại nặng (Zn+2, Pb+2), chất rắn lơ lửng TDS cao hơn TCCP nhiều lần.
Làng nghề tái chế chất thải: Gây ô nhiễm đối với môi trường không khí, nước, đất (do chất thải rắn), mức độ gây ô nhiễm nặng nhẹ, tùy thuộc loại sản phẩm. Ví dụ: Tái chế nhựa (ô nhiễm không khí do bụi và các hơi hữu cơ, ô nhiễm nước thải do COD, TDS, chất thải rắn), tái chế giấy (tiêu thụ nhiều nước, ô nhiễm không khí, chất thải rắn...), tái chế ắc quy chì, tái chế nhôm gây ô nhiễm bụi, kim loại nặng trong môi trường không khí, nước... Tại một số làng nghề tái chế nhựa, nồng độ hơi khí độc hại hầu hết đều vượt tiêu chuẩn cho phép, cụ thể là: hàm lượng bụi khoảng 0,45 - 1,33 mg/m3 vượt TCCP 1,5 - 4,4 lần, THC = 5,36 mg/l vượt TCCP 1,16 lần. Làng nghề cơ khí, hàm lượng bụi tại khu trung tâm vượt TCCP 3 lần, SO2 vượt 5 lần TCCP, nước thải chứa axit, kim loại nặng, hàm lượng CN- vượt quá 65 - 117 lần TCCP.
Các làng nghề khác: Tùy theo đặc thù của quá trình sản xuất có thể gây ÔNMT nước, không khí, đất, hoặc môi trường lao động.
ÔNMT tại làng nghề còn thể hiện rất rõ ở môi trường lao động (vi khí hậu). Hầu hết điều kiện lao động ở các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn như độ ồn, ánh sáng, độ rung, độ ẩm, nhiệt độ cao. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc: 95% tiếp xúc với bụi; 85,9% tiếp xúc với nhiệt; 59,6% tiếp xúc với hóa chất. Nhiệt độ tại khu vực sản xuất của các làng nghề làm bún bánh, tái chế nhựa, giấy, đều lớn hơn nhiệt độ môi trường từ 4 - 100C. Kết quả phân tích về mức âm tại một số làng nghề sản xuất vôi cho thấy, ở một số khu vực đều vượt TCCP 4 - 10 dB. Ngoài tiếng ồn do máy móc, còn chịu ảnh hưởng của các phương tiện vận tải vào ra vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm hàng trăm chuyến trong ngày gây bụi và tiếng ồn cho toàn khu vực.
Sản xuất ở làng nghề phát triển nếu không được quy hoạch và có chính sách BVMT tốt sẽ để lại những hậu quả khó lường, gây suy thoái chất lượng môi trường không khí, nước, đất. Trong tương lai, khi mức sống của người dân tăng lên, yêu cầu về sức khỏe cộng đồng trở thành áp lực nặng lên các quá trình sản xuất thì việc phát triển của làng nghề không thể tách rời với việc cải thiện môi trường sống và làm việc. Điều này trở thành áp lực đối với sự phát triển bền vững các làng nghề.
2. Tác động của chất thải ô nhiễm tới môi trường làng nghề
Không khí làng nghề bị ô nhiễm do khói từ lò nấu thủ công ở các làng nghề sử dụng than, củi, tỏa ra nhiều bụi và các khí độc hại như CO, CO2, SO2... Nước thải sản xuất không qua xử lý, thải trực tiếp ra các ao hồ, mương và sông tiếp nhận. Các chất thải rắn đổ bừa bãi khắp nơi làm môi trường bị ô nhiễm, giảm năng suất cây trồng vật nuôi hoặc gây nhiễm độc theo dây chuyền thực phẩm, chất lượng sông, ao, hồ giảm sút… gây tác động xấu tới đa dạng sinh học và chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng dân cư sống trong khu vực.
Bệnh tật của người dân làng nghề cao hơn ở các làng thuần nông, thường gặp ở các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da. Một số làng nghề có đặc thù sản xuất dẫn tới các bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, quái thai, nhiễm độc kim loại nặng, đặc biệt là các làng nghề tái chế nhựa, chì, kim loại, thuộc da... Riêng đối với phụ nữ, ảnh hưởng tới sức khỏe càng rõ rệt như gây rối loạn phụ khoa, đau lưng, đau thần kinh... Đối với trẻ em, tỷ lệ viêm đường hô hấp rất cao, 80 - 90% tại các làng nghề tái chế chất thải.
Một số ví dụ như tại làng nghề cơ khí Tống Xá (Nam Định), tuổi thọ trung bình là 60 tuổi (thấp hơn ~ 10 tuổi so với bình quân chung toàn quốc), trung bình mỗi người dân phải đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế khoảng 2,5 lần/năm và có xu hướng tập trung vào những người trong độ tuổi lao động. Tổng chi phí thiệt hại trung bình do ốm đau, bệnh tật và chết non: 1,3 tỷ đồng/1.000 dân/năm (cao hơn khoảng 35% so với làng thuần nông Yên Phong, Nam Định). Hay ảnh hưởng do ÔNMT từ hoạt động sản xuất của làng nghề cơ khí Vân Chàng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) còn tới các khu dân cư lân cận. Người dân ở thôn 2, xã Nam Giang (huyện Nam Trực) cho biết, những thửa ruộng bị ô nhiễm do dòng nước thải của thôn Vân Chàng chảy vào, năng suất giảm ít nhất 30 - 50 kg/sào. Tại xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), các hộ nuôi cá bên dòng Máng 7 nếu không bán trước tháng 10 sẽ mất trắng khi dòng nước thải của Tân Hòa tấn công. Một gia đình tại thôn Quyết Tiến (xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) cũng bị thiệt hại ít nhất 10 triệu đồng/năm do vườn nhãn bị hỏng bởi khói của các lò gạch lân cận.
ÔNMT tại các làng nghề còn giảm sức hút đối với du lịch và phát sinh những xung đột do ÔNMT như xung đột giữa các nhóm xã hội trong làng nghề, giữa cộng đồng làm nghề và không làm nghề, giữa các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp, giữa hoạt động sản xuất và mỹ quan, văn hóa và cả xung đột trọng hoạt động quản lý môi trường.
Trong các làng nghề đã khảo sát thì 100% làng nghề đều có xảy ra tai nạn lao động tùy theo quy mô sản xuất. Có hiện tượng này phần lớn do người lao động bất cẩn, gây chấn thương (64,1%), bỏng (19,2%), điện giật (16,7%).
3. Định hướng giải pháp BVMT làng nghề Việt Namgiai đoạn 2021 - 2025
3.1. Một số giải pháp BVMT đã được thực hiện
Nếu chỉ xét về lợi ích kinh tế mà không tính đến việc BVMT, giảm thiểu ô nhiễm thì không thể phát triển bền vững làng nghề. Một số địa phương có làng nghề đã quan tâm tới xây dựng các chính sách duy trì phát triển làng nghề, đưa ra tiêu chuẩn làng nghề, thống kê lại các làng nghề truyền thống và làng nghề mới, đưa ra các quy định về chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề ở địa phương, chính sách công nhận nghệ nhân, ví dụ như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng... Một số làng nghề đã đưa ra các quy định về vệ sinh môi trường kết hợp cải thiện môi trường làng nghề với chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn... Đặc biệt, một số dự án xây dựng khu công nghiệp làng nghề hoặc cụm công nghiệp làng nghề, điểm công nghiệp làng nghề đã được hình thành nhằm tập trung các cơ sở sản xuất nhỏ tại làng vào một khu tập trung, được xây dựng cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý chất thải... Đây là hướng giải quyết khá tích cực đối với vấn đề môi trường làng nghề, mà Bắc Ninh là một trong những tỉnh hàng đầu về xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung như tại làng tái chế giấy Phong Khê, làng sắt Đa Hội, Châu Khê, làng gỗ Đồng Kỵ, làng tái chế giấy Phú Lâm... Một số địa phương khác như làng cơ khí Phùng Xá (Hà Nội), làng gỗ Vân Hà (Hà Nội), làng nhựa Minh Khai (Hưng Yên), làng dệt Duy Trinh (Quảng Nam), làng cơ khí Vân Chàng (Nam Định), làng chế tác đá Non Nước (Đà Nẵng), làng đa nghề Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh)... đã hình thành các cụm công nghiệp, các khu đất chuẩn bị xây dựng hoặc đã bắt đầu di chuyển những cơ sở sản xuất đầu tiên ra khu tập trung. Tuy nhiên, hướng giải quyết này cũng gặp không ít trở ngại, kể cả việc phê duyệt chuyển đổi quỹ đất từ đất nông nghiệp hay đất chuyên dùng... làm cụm (điểm công nghiệp) và không phải loại hình làng nghề nào cũng thích hợp với quy mô tập trung kiểu này (đặc biệt với các làng nghề truyền thống). Cùng với đó, do tập quán lâu đời, tận dụng lao động mọi lứa tuổi, lúc nhàn rỗi nên một số cụm công nghiệp làng nghề khi cơ sở sản xuất chuyển đến thì cả gia đình cũng chuyển ra sinh sống, làm nhà cao tầng... và thực sự đã trở thành khu vực làng nghề mới, khu vực sản xuất vẫn nằm trong khu dân cư sinh hoạt.
Để cải thiện môi trường làng nghề, đã có nhiều đề tài nghiên cứu điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường một số làng nghề và đề xuất các giải pháp kỹ thuật, quản lý nhằm phòng ngừa giảm thiểu, xử lý ô nhiễm, từng bước cải thiện môi trường các làng nghề điển hình có tiềm năng gây ÔNMT lớn. Ví dụ như các đề tài, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, các trường đại học, Viện nghiên cứu, Sở KH&CN các tỉnh... Một số đề tài triển khai mô hình thử nghiệm phòng ngừa ô nhiễm và xử lý chất thải nhằm cải thiện môi trường đã được thực hiện tại một số làng nghề tái chế giấy, chế biến gỗ, mỹ nghệ sơn mài, dệt nhuộm, giết mổ. Tại các làng nghề này, sau quá trình điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường, một số giải pháp đã được đề xuất, triển khai thực hiện, ví dụ như quy hoạch lại khu vực sản xuất, áp dụng các cơ hội sản xuất sạch hơn, xây dựng chương trình quản lý môi trường, vệ sinh lao động, kết hợp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho bà con về BVMT và xây dựng mô hình xử lý chất thải đạt TCCP phù hợp với điều kiện trình độ kỹ thuật, đầu tư tại làng nghề. Tuy nhiên, các mô hình điểm trên vẫn chưa được phổ biến, nhân rộng ra các cơ sở sản xuất, các làng nghề có loại hình tương tự. Một trong những nguyên nhân là việc chậm áp dụng các giải pháp mạnh về quản lý môi trường và kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm vào thực tiễn làng nghề. Các biện pháp tư vấn hỗ trợ của cơ quan quản lý hoặc nghiên cứu khoa học chưa đủ sức lôi cuốn làng nghề tham gia giải quyết các vấn đề môi trường. Mặt khác, do trình độ nhận thức của bà con làng nghề về vấn đề môi trường còn hạn chế, nên không chủ động tham gia trực tiếp cải thiện môi trường làng nghề.
3.2.Một số định hướng chính sách BVMT làng nghề
Luật BVMT năm 2020 (Điều 56) và Nghị đinh số 08/2022/ND-CP hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020 (Điều 33, 34, 35) đề cập và hướng dẫn khá đầy đủ về BVMT tại các làng nghề. Dưới đây là những đề xuất có tính chất tổng hợp định hướng và trên cơ sở đó có thể cụ thể hóa cho những biện pháp và chính sách cần áp dụng đối với các làng nghề:
3.2.1. Về tổ chức quản lý môi trường làng nghề
- Tăng cường, củng cố hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về BVMT làng nghề; bổ sung thêm biên chế cán bộ môi trường, thậm chí có thể bố trí một cán bộ chuyên trách quản lý môi trường các làng nghề trên địa bàn huyện, xã, tạo thành mạng lưới chân rết trong hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về môi trường ở cấp cơ sở, nơi có làng nghề phát triển. Xác định vai trò phối hợp liên ngành giữa các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương trong xây dựng và ban hành các chính sách liên quan tới BVMT làng nghề. Tăng cường vai trò của UBND các cấp ở địa phương trong điều phối, phối hợp với các hoạt động BVMT làng nghề, đặc biệt là vai trò của UBND cấp xã.
- Xây dựng và phát triển mạng lưới tổ chức phi nhà nước về BVMT làng nghề. Các tổ chức phi nhà nước này là các hội (hiệp hội) ngành nghề, tổ chức tự quản về vệ sinh môi trường ở làng nghề mà ở nhiều địa phương hiện nay đang được khuyến khích thành lập và hoạt động hiệu quả.
3.2.2. Định hướng chính sách kiểm soát môi trường làng nghề
- Xây dựng một số trạm quan trắc môi trường ở địa phương có tập trung nhiều làng nghề; Tăng cường giám sát môi trường đối với các dự án, kế hoạch phát triển tại các làng nghề; Tuân thủ đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường theo luật định đối với các dự án, kế hoạch đầu tư phát triển làng nghề để đảm bảo rằng các đầu tư này theo hướng thân môi trường; Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về BVMT ở làng nghề.
3.2.3. Định hướng chính sách về khoa học và công nghệ
- Đẩy mạnh áp dụng cách tiếp cận sản xuất sạch hơn, nghiên cứu chuyển giao công nghệ thích hợp; Khuyến khích chuyên gia công nghệ hướng vào nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường ở làng nghề. Bên cạnh hướng khuyến khích, hỗ trợ đã nêu ở trên, cũng cần áp dụng biện pháp mạnh cấm sử dụng công nghệ, phương pháp sản xuất thủ công lạc hậu, gây ÔNMT nhiều. Đây cũng là hướng biện pháp mà nhiều nước trên thế giới đã và đang sử dụng.
3.2.4. Định hướng chính sách huy động cộng đồng tham gia BVMT làng nghề
Đối với việc BVMT làng nghề thì việc huy động sự tham gia của cộng đồng lại càng quan trọng và cấp thiết hơn bởi liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế, xã hội và đời sống, sức khỏe hàng ngày, hàng giờ của cộng đồng dân cư sinh sống ở đây. Đó là các chính sách huy động bắt buộc theo luật định, nghĩa vụ đóng góp thông qua quy định cụ thể của chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như chính sách huy động tự nguyện được thực hiện thông qua hoạt động BVMT theo nhận thức, ý thức của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng.
3.3. Đề xuất xây dựng giải pháp cải thiện môi trường làng nghề
Giải pháp quy hoạch: Các giải pháp quy hoạch không gian làng nghề gắn với BVMT bao gồm các nội dung: Quy hoạch lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; quy hoạch tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, quy hoạch phân tán tại từng cơ sở. Nội dung quy hoạch cần bao gồm quy hoạch lại không gian sản xuất, quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Giải pháp quản lý: Đối với các làng nghề nên lấy quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường. Cần thiết xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với cơ sở thực hiện tốt BVMT và các cơ sở có đầu tư BVMT hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập quỹ BVMT.
Quản lý môi trường thông qua hương ước làng xã là một giải pháp cần quan tâm vì đây là một công cụ quản lý môi trường hữu hiệu ở nông thôn do thích hợp với cộng đồng tại từng khu vực. Hương ước làng xã được cộng đồng lập ra dựa trên các quy ước truyền thống và có hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường.
Giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức của người dân: Nội dung giáo dục môi trường được xây dựng theo mục đích hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý môi trường của chính quyền xã, thôn nhằm làm cho người dân hiểu về những tác hại môi trường và sức khỏe tại làng nghề, trách nhiệm và sự tham gia của họ trong các hoạt động BVMT.
3.4. Giải pháp kỹ thuật:
Các biện pháp nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải: Cải tiến quy trình công nghệ, đầu tư thay thế trang thiết bị, nguyên nhiên liệu… giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc và hạn chế thấp nhất lượng chất thải phát sinh. Cần có những biện pháp cải tạo, sửa chữa nhà xưởng đảm bảo thông thoáng, đủ ánh sáng và đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động môi trường vi khí hậu nơi làm việc do Bộ Y tế quy định.
Các giải pháp xử lý chất thải có vai trò rất quan trọng để khắc phục vấn đề ô nhiễm hiện nay tại các làng nghề. Các biện pháp xử lý cuối đường ống bao gồm: xử lý khí thải, xử lý nước thải và chất thải rắn. Tùy thuộc vào đặc tính, tải lượng chất ô nhiễm và đặc điểm địa phương mà có thể lựa chọn các giải pháp kỹ thuật cho phù hợp với làng nghề. Việc lựa chọn công nghệ xử lý cần tuân theo các nguyên tắc sau: Xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường; Dây chuyền đơn giản, dễ vận hành và có tính ổn định cao; Vốn đầu tư và chi phí quản lý, vận hành thấp. Đồng thời, việc triển khai hệ thống xử lý còn được thực hiện dựa trên các yếu tố chính như: đặc trưng dòng thải, điều kiện thực tế làng nghề (mặt bằng, vị trí, vốn…) và đặc tính kỹ thuật của hệ thống (lắp đặt, xây dựng, vận hành…).
Làng nghề là một đặc thù của nông thôn Việt Nam, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn. Vấn đề ÔNMT tại các làng nghề ngày càng trở nên bức xúc và nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Để làng nghề Việt Nam phát triển bền vững, cần thiết phải có các biện pháp đồng bộ từ chính sách tới giải pháp như quy hoạch lại không gian sản xuất, tổ chức tốt quy trình sản xuất, vệ sinh môi trường thôn, xóm, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT và an toàn lao động..., đặc biệt là các giải pháp kỹ thuật. Các biện pháp xử lý chất thải chỉ có thể khả thi khi nó đơn giản, đầu tư thấp, dễ vận hành, phù hợp với yêu cầu của làng nghề.
Một điều rất rõ ràng là môi trường làng nghề chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết và với vị trí trách nhiệm của mình dù là chủ cơ sở sản xuất, các cán bộ quản lý chính quyền địa phương hay bà con dân cư sinh sống tại làng nghề đều có hành động cụ thể, tích cực, góp phần từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm do hoạt động sản xuất.
GS. TS Đặng Kim Chi
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam