Thứ Hai, 23/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 8/1/2012 19:54'(GMT+7)

Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới cần được kiểm soát và ngăn chặn

Hàng năm, vùng nước ven bờ cửa Ba Lạt (Nam Định) đang tiếp nhận từ nguồn thải sông Hồng khoảng 37,3 tỷ m3 nước ngọt trong đó có đến 232 nghìn tấn BOD, 353 nghìn tấn COD, 31 nghìn tấn nitơ, hơn 7 nghìn tấn phốt pho và 29 triệu tấn TSS (chất thải hữu cơ), hơn 4 nghìn tấn kim loại nặng, 210 tấn thuốc trừ sâu, 343 tấn phân hóa học và hơn 13 nghìn tấn dầu mỡ. Nguồn thải này chủ yếu từ các cơ sở sản xuất công, nông nghiệp, thương mại, đô thị của Việt Nam, và một phần từ lưu vực nằm trên lãnh thổ nước ngoài đưa sang.

Hiện tượng dầu tràn trên vùng biển ven bờ Tây Vịnh Bắc Bộ gây lo ngại lớn trong việc ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Năm 1987 đến 1997 có 89 vụ tràn dầu, năm 1997 đến 2010 có 50 vụ tràn dầu trên biển. Vụ tràn dầu tháng 2/2007 là vụ tràn dầu lớn, gây tổn thất nặng nề về mặt kinh tế đối với các tỉnh ven biển vì hiện tượng tràn dầu diễn ra trong nhiều ngày, lượng dầu thu gom được lên tới hơn 1.721 tấn. Ngoài ra việc phá dỡ tàu cũ trên vùng biển này cũng đang trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường.

Ông Lưu Văn Diệu, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, người trực tiếp điều tra nghiên cứu vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới cho biết: Hành lang pháp lý để xử lý những vụ ô nhiễm môi trường xuyên biên giới còn rất yếu, có tới 77% sự cố tràn dầu trên hải phận nước ta chưa được bồi thường hoặc đang trong quá trình giải quyết. Vì vậy, cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực này, mặt khác tiến hành quan trắc, đánh giá các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới tại các vùng biển, trên cơ sở hoạt động của các Trạm Quan trắc môi trường quốc gia tại khu vực ven biển và biên giới, tiếp giáp với các nước láng giềng. Bổ sung thêm các thông số quan trắc trong vùng ven bờ như tình trạng rác thải, váng dầu trong khu vực. Bên cạnh đó xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, từ đó đánh giá tình trạng và xu thế biến động môi trường trong khu vực.

Việt Nam cần tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế, từng bước giảm thiểu tác động bất lợi của ô nhiễm; tham gia các Công ước quốc tế và khu vực để hợp tác, ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực, nhất là tăng cường thể chế, luật pháp có liên quan.

Theo Tổ chức Hòa Bình Xanh, năm 2010, trung bình khoảng 3.000 tàu phá dỡ mỗi năm, thải ra môi trường biển nhiều chất độc hại như thủy ngân, đồng, chì, kém, sắt và phóng xạ, hợp chất xyanua, hữu cơ và cặn bể chứa nước rửa tàu có nhiều vi khuẩn và sinh vật ngoại lai…./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất