Thứ Ba, 26/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 29/5/2017 20:18'(GMT+7)

Ô tô ngừng hoạt động từ 5-7 ngày phải báo cáo cơ quan chức năng

30% phương tiện vận tải kinh doanh không truyền dữ liệu hành trình về Tổng cục Đương bộ Việt Nam. Ảnh minh họa

30% phương tiện vận tải kinh doanh không truyền dữ liệu hành trình về Tổng cục Đương bộ Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 580.000 phương tiện vận tải tham gia kinh doanh như xe khách, xe tải, container, taxi.  Tuy nhiên, chỉ có 70% số xe này truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ theo quy định, 30% còn lại không truyền dữ liệu (khoảng 175.000 xe).

Đáng nói, trong số 175.000 xe không truyền dữ liệu về Tổng cục, có những xe cố tình ngắt GPS.

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, GPS đã lắp trên xe, nhưng nếu lái xe tự ý ngắt nguồn điện, thì thiết bị sẽ không hoạt động được. Điều này “giúp” lái xe có thể tránh sự kiểm soát bất cứ lúc nào.

Hiện nay rất khó kiểm soát và làm rõ nguyên nhân xe không truyền dữ liệu về Tổng cục vì có thể do xe hỏng hóc phải đi bảo dưỡng, hoặc do xe nghỉ, hoặc cũng có thể cố tình tắt.

Nguyên nhân của sự lỏng lẻo này, theo ông Bình là do không có chế tài nào ràng buộc về việc xe dừng hoạt động thì chủ xe phải thông báo cho cơ quan quản lý biết. Trong trường hợp phương tiện dừng truyền dữ liệu về Tổng cục thì chỉ có xuống tận nơi kiểm tra mới biết lý do vì sao.

“Chỉ địa phương vào cuộc kiểm tra, hậu kiểm thì mới phát hiện được lý do vì sao phương tiện không truyền dữ liệu về. Còn Tổng cục Đường bộ không đủ người, đủ lực để làm việc này”, ông Trần Quang Bình nhìn nhận.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Bình cho biết, để khắc phục việc này, Tổng cục Đường bộ đang đề xuất quy định: Nếu phương tiện dừng hoạt động từ 5-7 ngày thì chủ phương tiện phải thông báo cho cơ quan quản lý biết (trước đây thời gian này là trên 30 ngày).

Liên quan đến việc mới đây Sở GTVT Hà Nội đã có quyết định thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 1.043 phương tiện do các phương tiện này không truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ trong tháng 3/2017, theo ông Bình, việc thu hồi phù hiệu và giám sát thu hồi phù hiệu thì phải do lực lượng chức năng thực thi trên đường giám sát.

Tuy nhiên, việc này cũng đang được thực hiện một cách “qua loa, lỏng lẻo” vì thời hạn phù hiệu là 7 năm, có doanh nghiệp được cấp phù hiệu xong thì chuyển đi nơi khác hoạt động. Thậm chí, nhiều xe bị thu hồi phù hiệu mà đến Sở GTVT nơi cấp cũng không tìm được. Không ít trường hợp bị thu hồi phù hiệu nhưng cố tình không đến nộp.

Trước tình trạng trên, Tổng cục đang đề xuất rút ngắn thời hạn  hiệu lực của phù hiệu xe kinh doanh vận tải xuống còn 1-2 năm./.

Theo chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất