Theo hãng tin Notimex của Mê-hi-cô, trong kế hoạch trở lại Ôn-đu-rát cầm quyền, vào lúc 1 giờ sáng ngày 25-7 (theo giờ Hà Nội), từ Ni-ca-ra-goa Tổng thống Ôn-đu-rát bị lật đổ đã bước qua đường biên giới đặt chân vào lãnh thổ quê hương Ôn-đu-rát của ông với sự hộ tống của Ngoại trưởng Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô và các nhà báo.
Vượt biên giới, ông phải dừng chân ở cửa khẩu Lát Ma-nốt trong hai giờ và đã quay trở lại Ni-ca-ra-goa. Cuộc hồi hương thứ hai này của ông coi như lại chỉ mang tính tượng trưng và không thành. Chuyến về nước lần trước của Tổng thống Giê-lay-a, diễn ra một tuần sau khi xảy ra binh biến, đã thất bại khi máy bay chở ông không hạ cánh được xuống sân bay ở Ôn-đu-rát do chính phủ lâm thời bố trí lực lượng an ninh phong tỏa sân bay.
Lần này, được sự hỗ trợ của Chính phủ Ni-ca-ra-goa, ông Giê-lay-a hồi hương bằng đường bộ. Sau khi vào Ôn-đu-rát, ông Giê-lay-a đã gửi một thông điệp đến Đại tá Rô-mê-rô Va-xkết, người đứng đầu lực lượng vũ trang Ôn-đu-rát và cũng là người cầm đầu cuộc đảo chính quân sự vừa qua, trong đó đề xuất một cuộc gặp giữa hai ông tại cửa khẩu để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Giê-lay-a cũng có bài phát biểu được phát thanh trực tiếp từ khu vực biên giới, trong đó ông tuyên bố "không thể cầm quyền với sự chống đối mạnh mẽ từ các nhóm thế lực này, song họ (những người làm đảo chính) cũng không thể thực hiện điều đó với sự chống đối của người dân".
Tuy nhiên, ông Giê-lay-a không thể vào sâu trong lãnh thổ Ôn-đu-rát do binh sĩ Ôn-đu-rát phong tỏa con đường cách biên giới Ni-ca-ra-goa chỉ 25m trong khi máy bay trực thăng của lực lượng an ninh liên tục quần thảo ở khu vực cửa khẩu Lát Ma-nốt. Trước đó, Chính phủ lâm thời Ôn-đu-rát đã ra lệnh thiết quân luật từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng tại các vùng biên giới và tuyên bố sẽ bắt giữ ông Giê-lay-a ngay khi ông về nước. Mặc dù ông Giê-lay-a đã không bị bắt giữ ở biên giới như tuyên bố của chính phủ lâm thời nhưng Ngoại trưởng Các-lốt Lô-pết của Chính phủ lâm thời Ôn-đu-rát khẳng định lệnh bắt ông Giê-lay-a vẫn có hiệu lực và ông Giê-lay-a sẽ bị đưa ra tòa xét xử.
Đụng độ giữa cảnh sát và những người ủng hộ ông Giê-lay-a đã xảy ra ngay khi Tổng thống bị lật đổ đặt chân lên lãnh thổ Ôn-đu-rát. Một số người quá khích đã ném đá vào cảnh sát buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Thứ trưởng Ngoại giao của chính phủ lâm thời Ôn-đu-rát tuyên bố, nếu xảy ra cuộc đổ máu trên tuyến biên giới giữa Ni-ca-ra-goa và Ôn-đu-rát thì trách nhiệm thuộc về ông Giê-lay-a.
Việc ông Giê-lay-a cố tìm cách về nước đã bị Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cho là "hành động khinh suất" và không có lợi cho nỗ lực khôi phục dân chủ và trật tự hiến pháp trong cuộc khủng hoảng tại Ôn-đu-rát. Trong khi đó, các nguyên thủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 37 khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã nhất trí lên án cuộc đảo chính ở Ôn-đu-rát, coi đó là hành động phá vỡ trật tự hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh nền dân chủ chỉ được khôi phục một khi Tổng thống bị phế truất Giê-lay-a được phục chức. Các nhà lãnh đạo Mercosur khẳng định mọi hành động của chính phủ tiếm quyền ở Ôn-đu-rát đều vô giá trị, kể cả việc tổ chức tổng tuyển cử mà họ đang triển khai./.
(Theo: QĐND)