Tháng 2/2009, hai tàu ngầm nguyên tử chiến lược Triomphant của Pháp và Vanguard của Anh va chạm nhau trên biển Đại Tây Dương, trước tiên Luôn Đôn và Paris khó tin vào sự thật trên bởi đây có vẻ là điều huyền hoặc! Rủi ro này có thể tránh được nếu Pháp và Anh, hai cường quốc hạt nhân của châu Âu, có chính sách răn đe hạt nhân chung. Thế mà theo nhật báo Anh The Guardian ngày 19/3, Paris đã đề nghị Luôn Đôn thiết lập một chính sách răn đe hạt nhân phối hợp, với việc chia sẻ thông tin về hoạt động của các tàu ngầm hai nước.
Tại Phủ tổng thống cũng như tại Bộ Quốc phòng Pháp, người ta đã phủ nhận thông tin trên. Vấn đề trên "đã không bao giờ được thảo luận như báo chí đã đưa tin" và "không một nước nào lại mơ ước từ bỏ chính sách răn đe hạt nhân độc lập". Ngày 19/3, khi được hỏi về chủ đề này, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã đưa ra câu trả lời tương tự.
Là công cụ tối cao để khẳng định chủ quyền dân tộc, niềm tự hào và uy tín của một quốc gia, răn đe hạt nhân không thể chia sẻ như trên. Đặc biệt giữa hai nước không duy trì những lợi ích chiến lược chung, không chia sẻ tất cả các quyết định chính trị đối ngoại, như cuộc khủng hoảng Irak đã chứng minh vào năm 2003, và hai nước đã không có chung động lực để xây dựng một nền quốc phòng châu Âu! Liệu hai nước có muốn điều trên không? Hai Nhà nước này bị ngăn trở bởi sự khác biệt trong chính sách răn đe hạt nhân. Nước Anh phần nào đó phụ thuộc vào Mỹ, nước cung cấp các tên lửa trong khi Pháp thì hoàn toàn độc lập. Hạm đội tàu ngầm của Anh đã không được đổi mới, trong khi Pháp thì ngược lại.
Những tiến triển địa chính trị
Một quan chức thân cận với hồ sơ trên bình luận: "Ngày mà chúng ta sẽ có một nền chính trị chung cho cả hai nước, vấn đề trên sẽ có thể được đặt ra. Nhưng không phải là trước mắt. Vẫn còn nhiều điều cần làm với những người Anh trước khi bàn đến chính sách răn đe hạt nhân, đang là chủ đề khó khăn và nhạy cảm nhất. Bạn hãy tưởng tượng, chúng ta không có khả năng cùng nhau đóng các tàu sân bay!".
Chỉ còn lại bối cảnh kinh tế đang nghiêng về khả năng hai nền quốc phòng xích lại gần nhau. Bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, Pháp và Anh có những khoản ngân sách hạn hẹp cho quốc phòng. Vấn đề này đặc biệt đang được tranh luận sôi nổi tại Luân Đôn, nơi Thủ tướng Gordon Brown vào tháng 9/2009 đã đề nghị cắt giảm hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược từ bốn tàu xuống còn ba. Đề xuất cắt giảm này nhằm tiết kiệm kinh phí song cũng nhằm hỗ trợ chính sách giải giáp vũ khí hạt nhân của Tổng thống Mỹ Obama. Yếu tố này làm nước Anh không còn duy trì sự hiện diện thường trực trên biển, là "sống lưng" trong chính sách răn đe hạt nhân của Anh từ 41 năm nay, bởi sẽ luôn có hai tàu ngầm phải sửa chữa và một chiếc chuẩn bị sẵn sàng để thay thế chiếc còn lại đang tuần tra trên biển.
Các chính sách quốc phòng cũng bị tác động bởi những tiến triển địa chính trị. Là đối tác chiến lược của Anh, nước Mỹ kể từ khi Tổng thống Obama vào Nhà Trắng đã dần xa cách châu Âu. Ngược lại, việc Pháp quay trở lại NATO đã làm cho sự hợp tác giữa Paris và Luân Đôn trở nên lỏng lẻo hơn. Anh thường xuyên chậm chạp trong tham gia chính sách quốc phòng của châu Âu, trong khi Pháp đang nỗ lực tham gia với vị trí tiên phong.
Một quan chức Pháp xác nhận: "Nhưng ngày nay, mọi người đều đồng thuận cho rằng có một cơ hội để hai nước nối lại hợp tác sau khi diễn ra cuộc bầu cử thủ tướng Anh". Ý tưởng trên có lợi cho cả Luân Đôn và Paris: giảm chi phí, tránh va chạm, có cơ hội xích lại gần nhau trong lĩnh vực vũ khí và thiết bị.
Có thể một ngày nào đó, Pháp và Anh, ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì vị trí cường quốc, sẽ xích lại gần nhau trong chính sách răn đe hạt nhân. Nhưng hiện eo biển Manche đang dậy sóng./.
Theo báo LEFIGARO.fr (Bài dịch)