Ngày 11-3-2010, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình nhân quyền ở các nước trong năm 2009, một lần nữa tự coi mình là "quan tòa của thế giới về nhân quyền". Cũng như các năm trước, các báo cáo này chứa đầy những lời cáo buộc về tình hình nhân quyền tại hơn 190 nước và khu vực, trong đó có Trung Quốc, nhưng lại làm ngơ, tránh né hoặc thậm chí che đậy những vụ vi phạm nhân quyền ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Hồ sơ về tình hình nhân quyền của Mỹ năm 2009 được soạn ra nhằm giúp mọi người trên thế giới hiểu rõ tình hình thực tế về nhân quyền tại Hoa Kỳ.
Tại Mỹ, các quyền dân sự và chính trị của công dân bị chính quyền hạn chế và xâm phạm nghiêm trọng.
Cảnh sát nước này thường xuyên sử dụng bạo lực đối với người dân. Báo Người bảo vệ Chicago ngày 8-7-2009 cho biết, có 315 cảnh sát ở NewYork bị giám sát nội bộ do từng dùng bạo lực không hạn chế trong lúc thực thi pháp luật. Con số này chỉ là 210 cảnh sát trong năm 2007. Sở Cảnh sát NewYork ngày 17-11-2009 cho biết, cảnh sát thành phố này đã bắn 588 viên đạn trong năm 2007, làm chết mười người, và bắn 354 viên đạn trong năm 2008, làm chết 12 người. Ngày 3-9-2009, một sinh viên ÐH bang San Jose đã bị bốn cảnh sát bang này dùng dùi cui đánh liên tục và súng phóng điện chích mười lần(
http://mercurvnews.com, 27-10-2009). Theo tổ chức Ân xá quốc tế, trong mười tháng đầu năm 2009, cảnh sát Mỹ đã làm chết 45 người do sử dụng súng phóng điện quá giới hạn. Nạn nhân trẻ nhất mới 15 tuổi. Từ năm 2001 đến tháng 10-2009, có 389 người chết vì súng phóng điện của cảnh sát (
http://theduckshoot.com).
Trong giới các nhân viên thực thi luật pháp Mỹ phổ biến tình trạng lạm dụng quyền lực. Tháng 7-2009, FBI điều tra bốn cảnh sát ở khu vực Washington vì nhận tiền bảo kê một đường dây cờ bạc do một số trùm buôn ma túy mạnh nhất ở khu vực này điều hànhtrong hai năm (Bưu điện Washington, 19-7-2009). Tháng 9-2009, một cảnh sát ngoài giờ làm việc ở Chicago đã tiến công một người lái xe buýt (
http://www.chicagobreakingnews.com). Cũng trong tháng này, bốn cựu cảnh sát ở Chicago bị kết tội tống tiền gần 500.000 USD một người gốc Tây Ban Nha lái một xe hơi đắt tiền với biển số méo mó, ngoài ra còn bị nghi ngờ buôn lậu ma túy trong khi thực thi luật pháp, và hối lộ cấp trên (Diễn đàn Chicago, 19-9-2009). Tháng 11-2009, một cựu cảnh sát trưởng hạt Prince Georges ở Morningsider bị kết tội bán súng ăn cắp cho một dân thường (Bưu điện Washington, 18-11-2009). Tại các thành phố lớn của Mỹ, cảnh sát dừng, hỏi và lục soát hơn một triệu người mỗi năm, cao hơn vài năm trước nhiều lần (
http://huffingtonpost.com, 8-10-2009).
Các nhà tù ở Mỹ chật cứng tù nhân. Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 8-12-2009, có hơn 7,3 triệu người đang được quản giáo tại hệ thống nhà tù Mỹ tính đến cuối năm 2008. Số tù nhân tăng 0,5% trong năm 2008 so với năm trước (
http://www.wsws.org). khoảng 2,3 triệu người bị giam giữ trong các nhà giam, tỷ lệ là cứ 198 người dân ở Mỹ có một người bị giam. Từ năm 2000 đến 2008, số tù nhân ở Mỹ tăng trung bình 1,8%/năm (
http://mensnewsdaily.com, 18-1-2010). Chính quyền bang California thậm chí còn đề nghị chuyển hàng chục nghìn người nhập cư bất hợp pháp bị giữ ở bang này sang Mê-hi-cô nhằm giảm tình trạng quá tải trong hệ thống nhà tù của bang này (
http://news.yahoo.com, 26-1-2010).
Các quyền cơ bản của tù nhân ở Mỹ không được bảo vệ đầy đủ. Ngày càng có nhiều vụ nhân viên quản giáo hãm hiếp tù nhân. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, số vụ nhân viên quản giáo lạm dụng tình dục tù nhân tại 93 nhà tù liên bang của Mỹ tăng gấp đôi trong tám năm qua. Trong 90 nhân viên quản giáo bị truy tố vì lạm dụng tình dục tù nhân, gần 40% cũng bị kết tội vì phạm tội khác (Bưu điện Washington, 11-9-2009). Thời báo NewYork đưa tin ngày 24-6-2009, theo một cuộc điều tra liên bang đối với hơn 63.000 tù nhân bang và liên bang, 4,5% trong số đó cho biết, từng bị lạm dụng tình dục ít nhất một lần trong 12 tháng qua. Ước tính có ít nhất 60.000 vụ hãm hiếp tù nhân trên toàn nước Mỹ trong cùng thời gian đó.
Tình trạng quản lý hỗn loạn ở các nhà tù tại Mỹ cũng dẫn tới tình trạng lây lan bệnh tật ở tù nhân. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, có 20.231 tù nhân nam và 1.912 tù nhân nữ nhiễm HIV trong các nhà tù bang và liên bang tính đến cuối năm 2008. Tỷ lệ tù nhân nam và nữ bị HIV/AIDS chiếm lần lượt là 1,5% và 1,9% (
http://www.news-medical.net, 2-12-2009). Hơn 130 tù nhân bang và liên bang ở Mỹ chết vì các bệnh liên quan AIDS trong năm 2007 (
http://thecrimereport.org, 2-12-2009). Tổ chức Theo dõi nhân quyền tháng 3-2009 cho biết, mặc dù nhà tù bang NewYork có số tù nhân nhiễm HIV cao nhất ở Mỹ, nhưng nhà tù này không cung cấp đủ phương tiện điều trị cho tù nhân, và thậm chí còn giam cách ly những tù nhân bị HIV mà không có bất kỳ biện pháp điều trị gì cho họ.
Trong khi kêu gọi "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" và "tự do internet", chính phủ Mỹ giám sát và hạn chế vô nguyên tắc các quyền tự do này của công dân Mỹ khi chúng đụng chạm tới lợi ích và nhu cầu của chính nhà cầm quyền.
Quyền tự do tiếp cận và cung cấp thông tin của các công dân Mỹ bị giám sát chặt chẽ. Theo các tin tức báo chí, Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã bắt đầu lắp đặt thiết bị chuyên dụng trên toàn quốc để nghe trộm các cuộc điện thoại, fax và email và thu thập các cuộc liên lạc trong nước từ đầu năm 2001. Các chương trình nghe trộm đường liên lạc này đầu tiên nhằm vào những người Mỹ gốc A-rập, nhưng ngay sau đó được áp dụng với các nhóm người Mỹ khác. NSA thiết lập hơn 25 cơ sở theo dõi ở San Jose, San Diego, Siaton, Los Angeles và Chicago. gần đây NSA công bố cục này đang xây dựng một nhà kho dữ liệu rộng hơn một triệu phít vuông trị giá 1,5 tỷ USD tại trại William ở Uta, cùng với một nhà kho dữ liệu khổng lồ khác ở San Antonio, thuộc Bộ chỉ huy không gian mạng mới của NSA. Một người đàn ông tên là Narchios đã bị kết tội với 19 tội danh và chịu án sáu năm tù sau khi người này từ chối tham gia chương trình theo dõi của NSA (
http://www.onelinejournal.com, 23-11-2009).
Sau cuộc tiến công ngày 11-9-2001, nhà cầm quyền Mỹ, nhân danh chống khủng bố, đã cho phép các cơ quan tình báo của mình xâm nhập các hòm thư liên lạc của công dân, theo dõi và xóa bất kỳ thông tin nào đe dọa lợi ích quốc gia Mỹ trên internet. Ðạo luật Ái quốc của Mỹ cho phép các cơ quan thực thi pháp luật tìm kiếm các cuộc điện thoại, liên lạc email, các hồ sơ y tế, tài chính và các hồ sơ khác, càng làm tăng sự tùy tiện trong thực thi luật pháp và các cơ quan quản lý nhập cư trong việc bắt giữ và trục xuất người nước ngoài bị tình nghi theo các đạo luật liên quan chống khủng bố. Ngày 9-7-2009, Thượng viện Mỹ thông qua các khoản bổ sung Luật theo dõi tình báo nước ngoài 2008, cho phép miễn truy tố các công ty viễn thông tham gia các chương trình thu trộm liên lạc và cho phép chính phủ thu trộm các cuộc liên lạc quốc tế giữa người Mỹ và những người ở nước ngoài vì mục đích chống khủng bố mà không cần sự đồng ý của tòa án
(Thời báo NewYork, 10-7-2008). Từ năm 2002 đến 2006, FBI đã thu thập hàng nghìn danh bạ điện thoại của công dân Mỹ thông qua các thư, tin nhắn và cuộc điện thoại. Tháng 9-2009, Mỹ lập một cơ quan giám sát an ninh internet, càng làm công dân Mỹ lo ngại rằng nhà cầm quyền Mỹ có thể sử dụng an ninh internet làm cớ để giám sát và can thiệp vào các hệ thống của cá nhân. Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết NSA đã xâm nhập các tin nhắn qua email và các cuộc điện thoại của người Mỹ trong những tháng gần đây với quy mô vượt quá những giới hạn pháp lý do QH Mỹ đã đặt ra năm trước. Không những thế, NSA còn nghe trộm những cuộc điện thoại của các chính khách nước ngoài, các quan chức của các tổ chức quốc tế và các nhà báo nổi tiếng (Thời báo NewYork, 15-4-2009). Quân đội Mỹ cũng tham gia các chương trình nghe trộm. Theo CNN, Tổ chức đánh giá nguy cơ internet của quân đội Mỹ có trụ sở ở Virginia chịu trách nhiệm giám sát các blog cá nhân chính thức và không chính thức, các văn bản chính thức, thông tin liên lạc cá nhân, ảnh chụp các vũ khí, đường vào các trại quân đội cũng như các trang web khác "có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ".
Cái gọi là "tự do báo chí" của Mỹ thực tế hoàn toàn phụ trợ các lợi ích quốc gia Mỹ và do nhà cầm quyền Mỹ chi phối. Theo tin tức các báo, chính phủ Mỹ và Lầu năm góc tuyển mộ một số các cựu sĩ quan quân đội trở thành các nhà bình luận thời sự truyền hình và đài phát thanh để cung cấp "những bình luận tích cực" và phân tích như "những chuyên gia quân sự" về các cuộc chiến của Mỹ ở I-rắc và Afghanistan, nhằm hướng dẫn dư luận, đánh bóng các cuộc chiến, và giành sự ủng hộ của công chúng đối với tư tưởng chống khủng bố (Thời báo NewYork, 20-4-2009). Cuối năm 2009, QH Mỹ thông qua dự luật áp đặt trừng phạt một số kênh vệ tinh A-rập vì đã phát những nội dung thù nghịch với Mỹ và kích động bạo lực (
http://blogs.rnw.nl). Tháng 9-2009, những người biểu tình đã dùng mạng xã hội Twitter và tin nhắn để tổ chức các cuộc biểu tình đụng độ với cảnh sát nhiều lần ở Pilberg, nơi diễn ra Hội nghị cấp cao G20. Sau đó E.Madison, 41 tuổi, bị buộc tội cản trở nhà chức trách thông qua internet. Cảnh sát cũng lục soát nhà của người này (
http://www.nytime.com, 5-10-2009). Vic Wonchard, Giám đốc pháp lý của Liên minh các quyền tự do dân sự Mỹ ở Penxinvania cho biết trong khi các hành động tương tự ở các nước khác sẽ bị gọi là vi phạm nhân quyền thì ở Mỹ được gọi là việc kiểm soát tội phạm cần thiết.
Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
Nghèo đói, thất nghiệp và vô gia cư là các vấn đề nghiêm trọng ở Mỹ, nơi mà người lao động không được bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ năm 2009 cao nhất trong 26 năm qua. Số lượng các doanh nghiệp và cá nhân phá sản tăng liên tục, do khủng hoảng tài chính. Tháng 4-2009, Hãng tin Mỹ AP cho biết, trong 12 tháng qua có gần 1,2 triệu doanh nghiệp và cá nhân nộp đơn xin phá sản, nghĩa là cứ một nghìn người có bốn người phá sản - một tỷ lệ cao gấp hai lần năm 2006 (http://www.floridabankruptcyblog.com). Cả năm 2009, tính đến ngày 4-12-2009, đã có tất cả 130 ngân hàng Mỹ buộc phải đóng cửa do khủng hoảng tài chính (Diễn đàn Chicago, ngày 4-12-2009). Số liệu thống kê do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6-11-2009 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10-2009 tăng tới 10,2%, cao nhất kể từ năm 1983 (Thời báo New York, ngày 7-11-2009). Gần 16 triệu người không có việc làm, trong đó 5,6 triệu người, chiếm 35,6% tổng số người thất nghiệp, mất việc làm trong thời gian hơn nửa năm (Thời báo New York, ngày 13-11-2009). Trong tháng 9, khoảng 1,6 triệu lao động trẻ tuổi không có việc làm, chiếm 25% tổng số người thất nghiệp, cao nhất kể từ năm 1948 (Bưu điện Washington, ngày 7-9-2009). Trong tuần kết thúc vào ngày 7-3-2009, con số thất nghiệp ở Mỹ tiếp tục tăng lên 5,57 triệu người, cao hơn tuần trước đó 5,29 triệu người (http://247wallst.com, ngày 19-3-2009).
Số người nghèo nhiều nhất trong 11 năm qua. Tờ Bưu điện Washington ngày 10-9-2009 cho biết, đến cuối năm 2008 có tổng cộng 39,8 triệu người Mỹ sống trong cảnh nghèo, tăng 2,6 triệu người so với năm 2007. Tỷ lệ người nghèo năm 2008 là 13,2%, cao nhất kể từ năm 1998. Số người nghèo, ở độ tuổi từ 18 đến 64, trong năm 2008 lên tới 22,1 triệu người, tăng 170 nghìn người so với năm 2007. Có tới 8,1 triệu gia đình sống dưới mức nghèo, chiếm khoảng 10,3% tổng số hộ gia đình Mỹ (Bưu điện Washington, ngày 11-9-2009). Theo tờ Thời báo New York, ngày 29-9-2009, tỷ lệ nghèo ở TP New York năm 2008 là 18,2% và gần 28% số cư dân quận Bronx ở thành phố này rơi vào cảnh nghèo (Thời báo New York, ngày 29-9-2009). Trong khoảng thời gian từ tháng 8-2008 đến tháng 8-2009, hơn 90 nghìn hộ ở California bị cắt điện và khí đốt. Một người đàn ông 93 tuổi chết cóng tại nhà riêng (http://www.msnbc.msn.com). Ðói nghèo dẫn đến số vụ tự tử ở Mỹ tăng mạnh. Có thông tin cho biết, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 32 nghìn vụ tự sát, gần gấp hai lần số vụ giết người là khoảng 18 nghìn vụ (http://www.time.com). Văn phòng điều tra các vụ chết bất thường của Hạt Los Angeles cho biết, kinh tế sa sút thậm chí còn ảnh hưởng tới cả người chết, khi nhiều thi thể ở hạt này không được gia đình nhận, do không có chi phí mai táng. Tổng cộng có tới 712 thi thể ở Hạt Los Angeles được hỏa táng bằng chi phí từ tiền của người đóng thuế trong năm 2008, tăng khoảng 36% so với năm trước (Thời báo Los Angeles, ngày 21-8-2009).
Số người đói cao nhất 14 năm qua. Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo ngày 16-11-2009, năm 2008 có 49,1 triệu người Mỹ của 17 triệu gia đình (chiếm 14,6% tổng số gia đình Mỹ) không có lương thực thiết yếu thường xuyên, tăng 31% từ 13 triệu gia đình (11,1% số gia đình Mỹ) không được cung cấp lương thực thiết yếu thường xuyên trong năm 2007 - tỷ lệ cao nhất kể từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu giám sát "mất an ninh lương thực" vào năm 1995 (Thời báo New York, ngày 17-11-2009; 14,6% số người Mỹ không có đủ lương thực ăn trong năm 2008, http://business.theatlantic.com). Số người thiếu "an ninh lương thực" tăng từ 4,7 triệu người năm 2007 lên 6,7 triệu người năm 2008 (http://www.livescience.com, ngày 26-11-2009). Khoảng 15% số hộ gia đình vẫn phải làm việc chỉ để có đủ lương thực thiết yếu và quần áo (AP, ngày 27-11-2009). Số liệu thống kê cho thấy 36,5% người Mỹ, tức là khoảng một phần tám dân số Mỹ, tham gia chương trình tem lương thực hồi tháng 8-2009, tăng 7,1 triệu người so với năm 2008. Tuy nhiên, chỉ khoảng hai phần ba trong số người đủ điều kiện nhận tem lương thực là được phát tem (http://associatedcontent.com).
Quyền của người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng. Thời báo New York ngày 2-9-2009 cho biết, 68% trong số 4.387 người lao động thu nhập thấp trong một cuộc khảo sát nói rằng, họ đã từng bị giảm lương. 76% trong số những người lao động thêm giờ không được trả lương thích đáng; và 57% số người được phỏng vấn nói rằng không nhận được các giấy tờ trả lương nhằm bảo đảm việc trả lương chính xác và đúng pháp luật. Chỉ 8% số người bị thương nặng trong khi làm việc được đền bù. Có tới 26% số người trả lời phỏng vấn được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu quốc gia. Trong số những người phàn nàn về vấn đề lương và cách đối xử, thì 43% đã bị trả thù hoặc sa thải (Thời báo New York, ngày 2-9-2009). Theo bài viết trên tờ Nước Mỹ ngày nay, ngày 20-7-2009, năm 2007, cả nước Mỹ có tổng số 5.657 người chết tại nơi làm việc, tương đương 17 người chết mỗi ngày. Mỗi năm có khoảng 200 nghìn công nhân ở New York bị thương, hoặc bị ốm tại nơi làm việc (Nước Mỹ ngày nay, ngày 20-7-2009).
Số người không có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng năm thứ tám liên tiếp. Số liệu do Cục Ðiều tra dân số Mỹ công bố ngày 10-9-2009 cho thấy, năm 2008 có 46,3 triệu người không có bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 15,4% dân số, tăng so với con số 45,7 triệu người không có bảo hiểm y tế năm 2007, tăng năm thứ tám liên tiếp. Khoảng 20,3% số người Mỹ, ở độ tuổi từ 18 đến 64, không có bảo hiểm y tế năm 2008, cao hơn 19,6% năm 2007 (http://www.census.gov). Quỹ Thịnh vượng chung công bố kết quả nghiên cứu cho biết, số người trong độ tuổi từ 18 đến 64 có bảo hiểm y tế đã giảm sút ở 31 bang của Mỹ, từ năm 2007 đến 2009 (Reuters, ngày 8-10-2009). Số bang có số lượng cực kỳ lớn người trưởng thành không có bảo hiểm y tế tăng từ hai bang năm 1999 lên chín bang năm 2009. Cứ bốn người có hơn một người ở Texsas không có bảo hiểm y tế, tỷ lệ cao nhất trong số các bang (http://www.ncpa.org). Bang Huston có 40,1% số dân cư không có bảo hiểm y tế (http://www.msnbc.msn.com). Năm 2008, tổng cộng có 2.266 cựu chiến binh Mỹ dưới 65 tuổi chết vì không có bảo hiểm hoặc thiếu chăm sóc y tế, cao gấp 14 lần tổng số binh sĩ Mỹ chết tại Afghanistan cùng năm (AFP, ngày 11-11-2009). Báo cáo của tổ chức Quốc tế Khách hàng cho biết, 34% số gia đình Mỹ có thu nhập hằng năm dưới 50 nghìn USD và 21% số hộ có thu nhập hằng năm hơn 100 nghìn USD mất hoặc giảm bảo hiểm y tế năm 2009. Ngoài ra, hai phần ba số gia đình có thu nhập dưới 50 nghìn USD/năm và một phần ba số hộ có thu nhập trên 100 nghìn USD/năm cắt giảm chi phí y tế trong năm ngoái. Khoảng 28% số người Mỹ không tới bác sĩ khám bệnh khi bị ốm; một phần tư dân số không đủ khả năng thanh toán chi phí chữa bệnh; 22% trì hoãn chữa bệnh; một phần năm không mua thuốc theo đơn bác sĩ hoặc đi kiểm tra sức khỏe; 15% uống thuốc quá hạn hoặc không theo chỉ dẫn y tế về uống thuốc đúng hạn, nhằm tiết kiệm tiền (http://www.oregonlive.com). Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), ngày 8-12-2009, tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 78,1 tuổi năm 2007, xếp thứ tư từ dưới lên trong số các nước thành viên OECD. Tuổi thọ trung bình của các nước OECD là 79,1 tuổi (cùng năm đó) (http://www.msnbc.msn.com).
Số người vô gia cư tiếp tục tăng. Số liệu thống kê cho thấy, đến tháng 9-2008, hơn 1,6 triệu người vô gia cư ở Mỹ được nhận nhà ở và số gia đình được nhận nhà tăng từ 473 nghìn hộ năm 2007 lên 517 nghìn hộ năm 2008 (Nước Mỹ ngày nay, ngày 9-7-2009). Từ năm 2009, số người vô gia cư đăng ký tại sáu hạt ở Chicago tăng mạnh, trong đó Hạt Mark Henry nhiều nhất, với mức tăng 125% so với năm trước (Diễn đàn Chicago, ngày 28-11-2009). Những gia đình này chỉ sống ở những nơi tồi tàn, như các toa tàu. Tháng 3-2009, Sacramento ở California trở thành một thành phố lều trại lộn xộn, với hàng trăm người vô gia cư tập trung ở đó. Cảnh sát Santa Monica ở miền nam California phải thường xuyên sử dụng vũ lực để đuổi người vô gia cư ra khỏi thành phố (ww.trualyzer.com). Tháng 10, hàng nghìn người vô gia cư ở Ði-troi đã xô xát, do lo ngại họ có thể không nhận được trợ cấp nhà ở từ chính phủ (Nước Mỹ ngày nay, ngày 8-10-2009). Tháng 12, TP New York đã có 6.975 người trưởng thành vô gia cư, chưa kể các cựu chiến binh, những người vô gia cư thường xuyên; và 30.698 người sống trong nhà tạm của các gia đình vô gia cư (Thời báo New York, ngày 10-12-2009). Tờ Thời sự Huston ngày 16-3-2009 cho biết, rất nhiều nhà ở Galveston bị bão Ike phá hủy hồi tháng 9-2008, khiến hàng nghìn người mất nhà cửa. Khoảng 1.700 hộ gia đình không nhận được cứu trợ và hầu hết trong số họ không có nơi cư trú cố định (Thời sự Huston, ngày 16-3-2009).
Về phân biệt chủng tộc
Nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề cố hữu của Mỹ.
Người da đen và các dân tộc thiểu số khác là những nhóm người bần cùng hóa nhất tại Mỹ. Theo báo cáo của Văn phòng Ðiều tra dân số Mỹ, thu nhập bình quân thực tế của một gia đình Mỹ năm 2008 là 50.303 USD. Thu nhập của một gia đình người Mỹ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha là 55.530 USD, người Mỹ gốc Tây Ban Nha là 37.913 USD, người Mỹ da đen chỉ là 34.218 USD. Thu nhập bình quân của một gia đình người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ da đen bằng khoảng 68% và 61,6% thu nhập trung bình của một gia đình người Mỹ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha. Thu nhập trung bình của các nhóm người thiểu số bằng khoảng 60%-80% thu nhập trung bình của các nhóm người đa số có cùng điều kiện giáo dục và trình độ (Nhật báo Phố Uôn, 11-9-2009; báo Nước Mỹ Ngày nay, 11-9-2009). Cũng theo Văn phòng Ðiều tra dân số Mỹ, tỷ lệ nghèo đói của người Mỹ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha năm 2008 là 8,6%; người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Tây Ban Nha lần lượt là 24,7% và 23,2%, cao gấp ba lần người Mỹ da trắng (Thời báo New York, 29-9-2009). Khoảng 25% số người Mỹ gốc Ấn Ðộ sống dưới mức nghèo khổ. Năm 2008, 30,7% số người Mỹ gốc Tây Ban Nha, 19,1% số người Mỹ gốc Phi và 14,5% số người Mỹ da trắng không có bảo hiểm y tế (Thu nhập, Nghèo đói và Bảo hiểm y tế ở Mỹ năm 2008, www.census.gov). Theo một báo cáo của Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ, năm 2008 có 10.552 đơn kiện về tình trạng phân biệt đối xử trong vấn đề nhà ở, trong đó 35% số đơn kiện liên quan nạn phân biệt chủng tộc (Bưu điện Washington, 10-6-2009). Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ thông báo, người Mỹ da đen chiếm 12% dân số Mỹ, nhưng chiếm gần 50% số người nhiễm HIV và số người chết vì AIDS hằng năm (Nhật báo Phố Uôn, 8-4-2009; số liệu do Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ công bố).
Tình trạng phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp đối với các nhóm tộc người thiểu số ở Mỹ rất nghiêm trọng. Các nhóm người thiểu số chiếm phần đông trong tỷ lệ người thất nghiệp ở Mỹ. Theo các bản tin, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tháng 10-2009 là 10,2%. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ da đen tăng lên 15,7%, người gốc Tây Ban Nha lên 13,1%, người Mỹ da trắng là 9,5% (Nước Mỹ Ngày nay, 6-11-2009). Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ da đen trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi tăng lên mức kỷ lục 34,5%, gấp hơn ba lần tỷ lệ thất nghiệp trung bình. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ da đen ở các thành phố như Ði-troi và Mi-lau-ki là 20% (Bưu điện Washington, 10-12-2009). Ðối với một số cộng đồng người Mỹ gốc Ấn Ðộ, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 80% (Kiều báo, 6-11-2009). Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê lao động, tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 của nam giới Mỹ da đen đã tốt nghiệp đại học từ 25 tuổi trở lên là 8,4%, cao gấp hai lần nam giới Mỹ da trắng có trình độ tương đương (Thời báo New York, 1-12-2009). Năm 2008 có số lượng kỷ lục công nhân kiện về phân biệt đối xử trong công việc, trong đó đơn kiện về phân biệt chủng tộc chiếm phần nhiều nhất, hơn một phần ba trong tổng số khoảng 95 nghìn đơn kiện (AP, 27-4-2009). Theo kết quả cuộc điều tra do Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng của Mỹ tiến hành, một công ty khoan dầu, khí có trụ sở tại bang Huston đã bị năm đơn kiện về phân biệt đối xử và gây phiền nhiễu liên quan chủng tộc (AP, 18-11-2009). Theo một bản tin, đến cuối tháng 5-2009, người Mỹ da đen và người gốc Tây Ban Nha chiếm 27% dân số TP New York, nhưng chỉ có 3% trong tổng số 11.529 lính cứu hỏa là người da đen và 6% là người gốc Tây Ban Nha, do Sở cứu hỏa thành phố tước bỏ một cách bất công cơ hội làm việc đối với hàng trăm nhân viên đủ tiêu chuẩn, chỉ vì lý do mầu da (Thời báo New York, 23-7-2009).
Các nhóm thiểu số ở Mỹ chịu cảnh phân biệt đối xử trong giáo dục. Theo một báo cáo của Văn phòng Ðiều tra dân số Mỹ, 33% số người Mỹ da trắng tốt nghiệp đại học, trong khi đó tỷ lệ này của người Mỹ da đen chỉ 20% và người Mỹ gốc Tây Ban Nha là 13% (Văn phòng Ðiều tra dân số Mỹ, 27-4-2009, www.census.gov). Theo một báo cáo, từ năm 2003 đến 2008, 61% số người da đen và 46% số người Mỹ gốc Mê-hi-cô bị bác đơn xin học tại tất cả các trường luật mà họ đã nộp hồ sơ; con số này của người Mỹ da trắng là 34% (Thời báo New York, 7-1-2010). Số trẻ em Mỹ da đen chỉ chiếm 17% số học sinh trong các trường công lập ở Mỹ, nhưng số trẻ bị đuổi khỏi trường học lại là 32%. Theo một nghiên cứu do Trường đại học Bắc Ca-rô-li-na và Trường đại học bang Mi-si-gân tiến hành, phần lớn thanh niên da đen Mỹ cho rằng, họ là nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc (Nhật báo Khoa học, 29-4-2009). Theo một cuộc nghiên cứu khác, tiến hành trên 5.000 trẻ em ở Birmingham, A-la, Huston và Los Angeles, 20% số trẻ em Mỹ da đen và 15% số trẻ em gốc Tây Ban Nha bị đối xử bất công. Nghiên cứu cho thấy, nạn phân biệt chủng tộc là một nguyên nhân quan trọng gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần đối với trẻ em các nhóm thiểu số ở Mỹ. Tỷ lệ trẻ em Mỹ gốc Tây Ban Nha bị phân biệt chủng tộc, mắc chứng bệnh suy nhược cao gấp ba lần những trẻ em thuộc nhóm khác, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em da đen là hơn hai lần (Nước Mỹ Ngày nay, 5-5-2009).
Nạn phân biệt chủng tộc trong việc thực thi luật pháp ở Mỹ rất nghiêm trọng. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, đến cuối năm 2008, cứ trong 100 nghìn người Mỹ da đen có 3.161 đàn ông và 149 phụ nữ bị tù tội (www.ojp.usdoj.gov). Số người bị tù chung thân không ân xá đối với thanh niên da đen Mỹ gấp mười lần số thanh niên da trắng, ở 25 bang. Ở bang California, tỷ lệ này cao gấp 18 lần. Tại nhiều thành phố lớn của Mỹ, hơn một triệu người bị cảnh sát chặn lại và thẩm vấn ngay trên đường phố, trong đó gần 90% là nam giới thuộc các nhóm thiểu số. Trong số những người bị thẩm vấn, 50% là người Mỹ gốc Phi, 30% số người gốc Tây Ban Nha và chỉ 10% là người Mỹ da trắng (Kiều báo, 9-10-2009). Một báo cáo của Sở Cảnh sát TP New York cho biết, trong số những người liên quan các vụ cảnh sát nổ súng năm 2008, 75% là người da đen, 22% là người gốc Tây Ban Nha, chỉ 3% là người da trắng (Thời báo New York, 17-11-2009). Theo một báo cáo của Tổ chức giám sát nhân quyền, từ năm 1980 đến 2007, tỷ lệ người gốc Phi bị bắt giữ vì buôn bán ma túy tại Mỹ cao gấp từ 2,8 đến 5,5 lần tỷ lệ của người da trắng (www.hrw.org, 2-3-2009).
Sau sự kiện 11-9, tình trạng phân biệt đối với người Hồi giáo tăng mạnh. Theo điều tra của Trung tâm nghiên cứu tín ngưỡng, gần 58% số người Mỹ nghĩ rằng, người Hồi giáo là mục tiêu của "rất nhiều" vụ phân biệt đối xử. Khoảng 73% số thanh niên Mỹ, từ 18 đến 29 tuổi, cho biết người Hồi giáo bị phân biệt đối xử nhiều nhất (www.washingtontimes.com, 10-9-2009).
Người nhập cư sống trong nghèo khổ. Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế, chi nhánh tại Mỹ, hơn 300 nghìn người nhập cư bất hợp pháp bị các cơ quan nhập cư Mỹ bắt giữ mỗi năm và người nhập cư bất hợp pháp bị quản thúc vượt con số 30 nghìn người mỗi ngày (Tạp chí Thế giới- World Journal, 26-3-2009). Trong khi đó, mỗi năm có hàng trăm người nhập cư hợp pháp bị bắt giữ, không được nhập cảnh hoặc thậm chí bị buộc quay trở về nước (Sing Tao, 13-4-2009). Một báo cáo của Tổ chức giám sát nhân quyền và Dự án Hiến pháp cho thấy, từ năm 1999 đến 2008, khoảng 1,4 triệu người nhập cư bị bắt giữ đã được trao trả. Hàng chục nghìn người cư trú lâu năm tại các thành phố, như Los Angeles và Filadenfia, đã bị ép buộc tới các trại tù nhập cư xa xôi ở Texsas hoặc Luciana (Thời báo New York, 2-11-2009). Tháng 10-2008, Hiệp hội Luật sư TP New York đã nhận được thư kiến nghị gây sửng sốt, với chữ ký của 100 người không phạm tội nhưng vẫn bị giam tại Cơ sở giam giữ Phố Va-rích ở trung tâm Man-hát-tan. Bức thư mô tả việc họ bị giam cầm trong nhà tù dơ dáy, bị bỏ đói, không được chăm sóc y tế và buộc phải lao động để kiếm một USD/ ngày (Thời báo New York, 2-11-2009). Nhiều tù nhân nữ trong thời gian cho con bú đã không được cung cấp dụng cụ hút sữa, khiến họ bị sốt, đau đớn, dẫn đến viêm tuyến sữa, không còn khả năng tiếp tục cho con bú (www.hrw.org, 16-3-2009). Có tổng cộng 104 người đã chết kể từ tháng 10-2003, khi bị Cơ quan hải quan và nhập cảnh bắt giữ (Nhật báo Phố Uôn, 18-8-2009).
Phạm tội do hận thù sắc tộc diễn ra thường xuyên. Theo số liệu Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố ngày 23-11-2009, có tổng cộng 7.783 vụ phạm tội do thù ghét xảy ra trong năm 2008 trên lãnh thổ Mỹ, trong đó 51,3% số vụ bắt nguồn từ nguyên nhân phân biệt chủng tộc, 19,5% số vụ do thành kiến tôn giáo và 11,5% có nguyên nhân quốc tịch gốc (www.fbi.gov). Trong số các vụ phạm tội đó, hơn 70% vụ nhằm vào người da đen. Năm 2008, cứ 1.000 người thì có 26 người da đen bị tiến công, trong khi tỷ lệ đó ở người Mỹ da trắng chỉ 18/1.000 (Các đặc điểm nạn nhân, 21-10-2009, www.fbi.gov). Ngày 10-6-2009, một người da trắng đã bắn chết một người da đen là nhân viên bảo vệ Bảo tàng tưởng niệm Hô-lô-cát của Mỹ và làm hai người khác bị thương (Bưu điện Washington, ngày 11-6-2009, Nhật báo Phố Uôn, 11-6-2009). Theo một báo cáo của Trung tâm Luật về đói nghèo ở miền nam, một môi trường đầy rẫy kỳ thị sắc tộc và hận thù chủng tộc, được nuôi dưỡng bởi các nhóm chống nhập cư và một số quan chức, đã gây ra hàng chục vụ tiến công người Mỹ gốc la-tinh tại Hạt Xúp-phôn ở bang New York trong thập kỷ vừa qua (Thời báo New York, 3-9-2009).
(Còn nữa)
(Theo Nhân Dân)