Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 26/11/2009 14:34'(GMT+7)

Paris và Mátxcơva duy trì chính sách năng lượng thực dụng

Trụ sở tập đoàn Gazprom của Nga.

Trụ sở tập đoàn Gazprom của Nga.

Hai tuần trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Copenhague về thay đổi khí hậu, chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Putin từ 26-27/11 dành nhiều quan tâm tới hồ sơ năng lượng-khí hậu. Chuyến đi này nằm trong chiến lược của Nga hướng tới một châu Âu chia rẽ, không có chính sách năng lượng chung.

Theo Paris và Mátxcơva, các công ty Pháp (Veolia, Suez...) có thể giúp Nga giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nâng cao hiệu quả khai thác năng lượng. Uỷ ban hỗn hợp Nga-Pháp cần thúc đẩy hai dự án Dòng chảy phương Nam và phương Bắc, hai đường ống sẽ đảm bảo an toàn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Dự án tiến triển nhất là Dòng chảy phương Bắc, trong đó liên danh tập hợp Gazprom, các công ty Đức E.ON-Ruhrgas và BASF, công ty Hà Lan Gasunie và được điều hành bởi cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder.

Vào tháng 12/2008, Tổng giám đốc Gazprom Alexeï Miller đã tới đề nghị tập đoàn GDF Suez tham gia liên danh. Tập đoàn của Pháp đã sẵn sàng nắm 9% cổ phần của Dòng chảy phương Bắc để đổi lấy các hợp đồng khí đốt dài hạn giúp tăng thêm 10% lượng khí đốt đã mua của Nga. Tổng giám đốc GDF Suez Gérard Mestrallet đã thường xuyên tới Mátxcơva gặp ông Putin để củng cố quan hệ với các tập đoàn của Nga như Gazprom và Loukoil. Ông Gérard Mestrallet nhấn mạnh: “Nga là một đối tác hàng đầu cho tương lai và cho châu Âu”.

Không tiến triển nhanh, dự án Dòng chảy phương Nam do Gazprom và tập đoàn dầu lửa Italia ENI làm chủ mới đây đã thu hút sự chú ý của Pháp. Sự tham gia dự án của tập đoàn EDF đã được bàn luận từ tháng 9 tại Mátxcơva giữa Thủ tướng Putin và người đồng nhiệm Pháp François Fillon. Tổng giám đốc mãn nhiệm của EDF Pierre Gadonneix đã tham gia tích cực trong các cuộc thương lượng để gia tăng cung cấp khí đốt.

Người kế nhiệm ông Pierre Gadonneix đã quyết định tiếp tục theo đuổi dự án. Ông Henri Proglio phân tích: “Tôi nghĩ rằng giữa Gazprom và EDF, giữa Nga và Pháp, một suy nghĩ cởi mở nên được tạo ra. Tôi không phản đối quyết định tham gia 10% cổ phần vào dự án Dòng chảy phương Nam”.

Về phần mình, thứ 6 tuần này tập đoàn Total sẽ có thể ký một thoả thuận tham gia vào một trong các dự án chiến lược trên của Nga nhằm khai thác các mỏ khí đốt lớn trên bán đảo Iamal tại biển Grand Nord. Việc khai thác của Total cần phải bù vào sản lượng giảm của các mỏ tại vùng Sibêri. Hơn nữa, người Nga muốn xây dựng một nhà máy sản xuất khí hoá lỏng (GNL) thu hút không chỉ tập đoàn ENI mà còn cả tập đoàn Anh-Hà Lan Shell. Thứ 6 này, ông chủ của tập đoàn Total Christophe de Margerie cũng cần phải tới Uỷ ban hỗn hợp Pháp-Nga như ông Mestrallet thường tới.

Ông Putin đã biết thuyết phục tất cả các nước châu Âu hỗ trợ-hay không cản trở-các dự án lớn của nước mình. Liên quan dự án Dòng chảy phương Nam, nước cuối cùng cần thuyết phục là Slôvênia. Ngày 14/11, khi ký kết với người đồng nhiệm Slôvênia Borut Pahor, ông Putin đã nhấn mạnh: “Từ nay, chúng tôi sẽ ký kết hiệp định với tất cả các đối tác châu Âu mà chúng tôi cần để hoàn thành dự án”. Hiện Nga cần sớm kết thúc đàm phán với Áo để đường ống tới được trung tâm của Lục địa Già.

Hiệu ứng đôminô cũng xảy ra với dự án Dòng chảy phương Bắc. Thuỵ Điển đã đồng ý sau khi loại bỏ được nỗi lo về hệ sinh thái tại biển Ban Tích và chấp thuận cho đường ống đi qua lãnh hải nước mình. Phần Lan sẽ sớm đồng ý để để đổi lại Mátxcơva không tăng thuế đối với mặt hàng gỗ của nước này xuất vào Nga.

Ông Putin đã biết sử dụng mối quan hệ láng giềng với Đức và Italia. Sau khi “tuyển dụng” ông Schröder đứng đầu Dòng chảy phương Bắc, sau đó tới cựu Thủ tướng Phần Lan Paavo Lipponen làm cố vấn, ông đã cố gắng thuyết phục cựu Thủ tướng Italia Romano Prodi lãnh đạo liên danh Dòng chảy phương Nam. Ông thường xuyên đón tiếp quan chức các tập đoàn năng lượng châu Âu để mời họ đầu tư vào Nga, ngay cả khi chính quyền gây khó dễ cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng.

Cũng như Đức và Italia, nước Pháp không thấy mâu thuẫn khi có mặt trong cả hai dự án, bởi điều này sẽ tăng sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và tiếp tục hỗ trợ cho dự án đường ống dẫn khí Nabucco của châu Âu. Trong một bản báo cáo gửi cho Thủ tướng Pháp Fillon vào mùa xuân năm 2008, cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) Claude Mandil đã bày tỏ “suy nghĩ thực tế” của ông trong câu nói: “lợi ích từ Nabucco là không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn sẽ chỉ được thực hiện khi hợp tác với Nga, không chống lại Nga”.

Tại điện Matignon, người Pháp sẽ nhắc lại với ông Putin rằng “nước Pháp sẽ để ngỏ các lựa chọn của mình” trong đó có cả Nabucco mà Paris đã không từ chối.

Ông Putin cũng nhắc lại với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng: “Đường ống dẫn khí Nabucco đến từ đâu?”. Đó là sự ám chỉ việc thiếu khí đốt từ Trung Á để cung cấp cho đường ống này và sức mạnh khí đốt của Nga, nước nắm giữ những mỏ khí hàng đầu trên thế giới (24%).

Chủ nghĩa hiện thực đã đánh thức những người châu Âu. Từ khi gián đoạn cung cấp khí đốt của Nga quá cảnh qua Ucraina giai đoạn 2006-2007, sau đó là giai đoạn giữa mùa đông 2009, Liên minh châu Âu không muốn là con tin trong cuộc xung đột Nga-Ucraina nữa.

Các thủ đô châu Âu không muốn nói một điều gì-trừ Bruxelles-về hiến chương năng lượng dự kiến cho Nga tham gia vào một thị trường năng lượng châu Âu mở. Mátxcơva luôn từ chối phê chuẩn một văn bản biến Nga thành một nước có quyền lợi năng lượng như những nước khác trong khi các nguồn tài nguyên khí đốt đã đưa Nga lên vị trí hàng đầu ngay cả khi Nga phải dựa vào công nghệ và tài chính từ châu Âu để khai thác.

  • Thái Hà  Theo báo LEMONDE.fr  (Bài dịch)

Sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga giảm dần từ năm 1990

Liên minh châu Âu (UE). EU sản xuất 40% lượng khí đốt tiêu thụ của mình (Hà Lan, Anh...), trong đó có 16,7 % đến từ Na Uy. EU nhập khẩu 25% lượng khí đốt từ Nga, 17% từ Trung Đông, khối Maghreb (Algérie) và từ Lục địa Đen.

Nhập khẩu. Thị phần của Nga không ngừng giảm, từ 74% năm 1990 xuống 42% năm 2008. Nhưng một số nước (Phần Lan, các nước Ban Tích, Slôvakia…) phụ thuộc 100% khí đốt vào Nga, nước chiếm 24% trữ lượng của thế giới. Sự suy giảm sản lượng của Anh và Hà Lan sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu từ Nga, ngay cả khi EU tăng cường các nguồn cung ứng khí đốt thiên nhiên hoá lỏng đến từ các nước khác như Qatar, Lybi hay Ai Cập.

Pháp nhập khẩu 14% lượng khí đốt từ Nga, đã ký thoả thuận với Liên Xô cũ, sau đó là Nga từ năm 1976. Na Uy là nhà cung cấp hàng đầu cho châu Âu, sau đó là Algérie.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất