Có một thực trạng đáng buồn ở thể thao thành tích cao của Việt Nam đó là việc: Phía sau của đỉnh cao là gì? Đây đó vẫn có những chuyện các nhà vô địch SEA Games, Asiad thậm chí là vô địch thế giới sau thời gian thi đấu đã thất nghiệp, làm những việc tay chân và thậm chí, phải sống bám gia đình.
Có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là có nhiều môn thể thao tại Việt Nam được đầu tư theo kiểu “nuôi gà chọi” để phục vụ mục tiêu thành tích. Hết thi đấu là chấm dứt mọi triển vọng. Nguyên nhân thứ hai là các VĐV hầu như không được trang bị đủ kiến thức cả về văn hóa lẫn xã hội. Họ có quá ít chọn lựa sau khi đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho thể thao nước nhà.
Thật ra, hai nguyên nhân đó cũng chỉ xuất phát từ việc thiếu định hướng chuyên nghiệp ngay từ nền tảng của ngành thể thao.
Không phải bỗng nhiên mà dư luận lại nói về sự thiếu vắng hầu như hoàn toàn của thể thao học đường trong hoạt động thi đấu thành tích cao của Việt Nam. Chúng ta đã từng có chị em Mỹ Linh, Phương Linh hay Nguyễn Mai Thy ở môn bóng bàn học rất giỏi và chơi thể thao rất hay (Trần Lê Phương Linh từng vô địch đơn nữ quốc gia và có bằng thạc sĩ kinh doanh ở Mỹ) hay Lê Quang Liêm vừa chơi cờ vua chuyên nghiệp vừa học đại học…
Rất tiếc, lẽ ra thể thao học đường phải càng ngày càng nâng cao vị thế trong xu thế phát triển đại học tư thục hiện nay thì đằng này, lại càng mất dạng.
Khoan bàn đến trách nhiệm của ngành giáo dục, trước hết phải thấy rõ chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đang đi chệch hướng. Chúng ta đang phát triển nhiều môn quá lạ, hoàn toàn không phổ biến trong đời sống, nhưng vẫn nhận được sự đầu tư tương đương với các môn phổ thông, phù hợp với tố chất người Việt Nam. Ví dụ như trong môn võ, hiện có wushu, muay Thái, pencak silat… Cứ đến kỳ SEA Games tổ chức môn võ nào, kiểu gì ngành thể thao cũng sẽ bố trí người tập luyện (đồng nghĩa phải bố trí ngân sách). Trong khi đó, các môn phổ thông như bóng bàn, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bơi lội… đều có thể phát triển tốt tại hệ thống trường học theo kiểu nhất cử, lưỡng tiện. Vừa phù hợp với hoạt động thể chất, vừa dễ đầu tư. Muốn thể thao học đường phát triển, ngành thể thao phải vận động, hỗ trợ cũng như tổ chức những giải đấu dành cho các đối tượng này, chứ không thể trao toàn bộ trách nhiệm đó cho ngành giáo dục.
Đã là thể thao chuyên nghiệp thì luôn phải có hai yếu tố quan trọng: Tập luyện thường xuyên và trình độ văn hóa cao. Một VĐV càng có tư duy cao càng dễ đạt thành tích vượt bậc. Nếu thể thao học đường phát triển, ngành thể thao cũng có thêm nguồn tài năng để lựa chọn. Hiện nay, mối liên hệ giữa giáo dục và thể thao chỉ mới dừng ở cấp độ trung học phổ thông qua chương trình Hội khỏe Phù Đổng. Mặc dù chương trình này đã kéo dài lâu rồi, nhưng hoàn toàn không được nâng cấp để đến thời điểm này, việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng giao khoán cho ngành giáo dục và bị đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của chương trình.
Có một thực tế đáng buồn tại thể thao Việt Nam đó là trình độ học vấn của VĐV đỉnh cao thấp, hệ quả của kiểu “nuôi gà chọi” trong khi lại tồn tại một nghịch lý khác, các trường đại học không có cơ sở vật chất và học sinh, sinh viên thiếu các sân chơi thể thao chuyên nghiệp. Thậm chí, ngay cả một đại hội thể thao dành cho sinh viên vốn được Tổng hội Sinh viên Việt Nam “thai nghén” hơn chục năm trước vẫn chưa hình thành.
SGGP