Đội bóng là của những ông bầu, điều này là đúng nếu nhìn dưới góc độ họ là người chi tiền, đóng góp tư duy và nhiệt huyết. Nhưng nền bóng đá là của xã hội, của Nhà nước và tổ chức nghề nghiệp.
Sự vụ Nguyễn Đức Kiên bị bắt tạm giam do những vi phạm pháp luật trong kinh doanh có phải là việc hoàn toàn nằm ngoài bóng đá? Nếu xét từ góc độ pháp lý điều này là đúng. Nhưng xét vai trò Nguyễn Đức Kiên là "bầu" của CLB bóng đá Hà Nội, là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá VPF, là người bạo miệng, dám làm ở cái tổ chức VPF mới ra đời, được mọi người trông chờ, hy vọng thì rõ ràng chuyện tư cách của con người này đã là một vết đen trong bức tranh của môn thể thao và tổ chức thể thao giàu tính xã hội bậc nhất là bóng đá.
V.League 2012 vừa kết thúc trong sự ngỡ ngàng chẳng ra vui, chẳng ra buồn bởi những mù mờ trong kết quả của những vòng đấu cuối, bởi hiệu ứng đáng quan ngại từ thể thức “độc đáo” một ông chủ hai đội bóng, những người ở VPF, VFF vẫn còn chưa thể nhìn rõ điều gì sáng, điều gì tối để bàn đến trong bản tổng kết mùa giải thì lại thêm sự kiện "bầu" Kiên. Thời bóng đá của những ông bầu hóa ra cũng lắm thứ nhộm nhoạm, đáng hoài nghi.
Đơn giản thôi, nếu như một số cầu thủ hay huấn luyện viên vô kỷ luật trong, ngoài sân cỏ, vướng vòng liên kết, liên minh hay sa vào bán độ, các đội bóng, các giải đấu đã hỏng, đã náo loạn thì việc các ông bầu, ông chủ vung tiền thao túng giải đấu hoặc nhân thân lắm vấn đề, tất sẽ có tác động xấu đến bóng đá hơn bội phần, bởi họ là người nắm vận mệnh đội bóng. Họ không hồn nhiên, trót dại như đám cầu thủ trẻ người non dạ kia. Họ khôn ngoan, lọc lõi và tinh vi trong mọi chuyện, cả phía sau sân cỏ, cả giữa thanh thiên bạch nhật cuộc đời. Đã vậy, họ lại cũng là ông chủ trong bộ máy cầm trịch. Về lý thuyết tổ chức thế đã là không minh bạch, không đàng hoàng, ẩn chứa nhiều bất trắc. Ấy thế nhưng những người làm bóng đá và công chúng ở ta vốn hay tin người, vốn quen ứng xử duy tình, nể nang nên trong nỗi khát khao tìm lối ra khỏi tình trạng trì trệ, lạc hậu của bóng đá nước nhà, mọi người đã thể tất, cho qua tất cả. Khát khao ấy không phải là lỗi, khát khao cống hiến, ra tay vực dậy bóng đá nước nhà của những ông bầu giàu nhiệt huyết thì quá đáng hoan nghênh, ủng hộ. Song, mọi cơ chế, mọi tổ chức ra đời đều cần phải giám sát, quản lý thấu đáo ngay cả khi nó đã tỏ ra là phù hợp, tiến bộ.
Những mù mờ, hồ nghi về những trận đấu, về cơ chế tổ chức, tham gia, đến cuối mùa giải càng tăng lên bởi quá nhiều sự thật đã bộc lộ không thể bác bỏ. Một cuộc tổng kết mùa giải theo cách tích cực nhất chắc chắn phải nhìn thẳng vào những sự thật đó để loại bỏ những thành tố tiềm ẩn tiêu cực, hoàn chỉnh cơ chế, quy định cùng bộ máy quản lý, tổ chức.
Đội bóng là của những ông bầu, điều này là đúng nếu nhìn dưới góc độ họ là người chi tiền, đóng góp tư duy và nhiệt huyết. Nhưng nền bóng đá là của xã hội, của Nhà nước và tổ chức nghề nghiệp. Trách nhiệm định hướng, quản lý trong mọi việc nói chung và bóng đá nói riêng là luôn luôn vạch ra những bất hợp lý, sai lầm, sai phạm để ngăn ngừa, chấn chỉnh và đổi thay, hoàn thiện. Những hồ nghi của dư luận là tín hiệu cảnh báo, lúc này đã ở mức nặng hơn là báo động. Những tổ chức, những người có trách nhiệm cần phất cờ vào cuộc./.
(Theo: Mạnh Hùng/QĐND)