Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 10/8/2010 21:24'(GMT+7)

Phải "lượng hóa" được nhu cầu nhân lực

Sáng 10/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về triển khai lập Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương.

Không thể “khoán” cho Bộ GDĐT và Tổng cục Dạy nghề

Phó Thủ tướng chỉ rõ, trong 10 năm tới, yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi những kế hoạch và chiến lược phát triển hết sức cụ thể và khả thi. Song trong quá trình lập kế hoạch năm, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương chỉ cho rằng đang thiếu vốn chứ ít thấy kêu thiếu nhân lực có chất lượng cao.

“Xác định thiếu vốn là đúng nhưng chưa đủ bởi nếu có đủ tiền mà thiếu con người để biến đồng tiền đó thành tài nguyên và sản phẩm dịch vụ thì cũng không thể phát triển với tốc độ cao được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương đều cho rằng, lâu nay công tác chuẩn bị nhân lực ở nước ta còn chưa quan tâm đúng mức. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nguồn nhân lực đang trở thành “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực trạng sử dụng nguồn nhân lực theo kiểu “chất lượng đến đâu dùng đến đó” mà thiếu khâu dự báo quy hoạch đúng mức đã tạo ra những khó khăn đối với nhiều dự án lớn và những bức xúc với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ví dụ điển hình được nêu tại Hội nghị là khu kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 10 tỷ USD. Theo đó, trong 3 năm tới, khu kinh tế này cần khoảng 30.000 lao động qua đào tạo và con số này sẽ là 100.000 sau 5 năm nữa. Nhưng huy động nguồn nhân lực lớn như vậy từ nguồn nào là vấn đề phải có câu trả lời.

Như vậy, có thể thấy, cần xác định rõ quy luật cung - cầu trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Nếu chỉ “khoán” bài toán này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) và Tổng cục Dạy nghề mà không có sự phối hợp và xác định cụ thể nhu cầu nhân lực của các Bộ, ngành và địa phương như hiện nay thì rất khó thay đổi bức tranh ảm đạm về việc cung ứng nguồn nhân lực của đất nước.

Do vậy, cần thiết phải có quy hoạch và định hướng phát triển nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương để trên cơ sở đó phối hợp có định hướng giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để đáp ứng được cung-cầu nhân lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần có cơ quan dự báo nhân lực cho chính Bộ, ngành và địa phương của mình.

Thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực của Bộ, ngành, địa phương

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ các Bộ, ngành, địa phương phải “lượng hóa” được nhu cầu nhân lực của mình, từ đó có kế hoạch xây dựng kế hoạch đào tạo cho chính đơn vị mình.

Năm 2009, Bộ GDĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập Cơ quan dự báo nhân lực cấp quốc gia. Thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần có cơ quan dự báo nhân lực cho chính Bộ, ngành và địa phương của mình.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngay sau Hội nghị này, các Bộ, ngành và các địa phương phải lập Ban Chỉ đạo để lập quy hoạch về nguồn nhân lực do 1 Thứ trưởng hoặc Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban.

Về phía các cơ quan TW, sẽ thành lập cơ quan thường trực để tổng hợp, phân loại, đánh giá và thẩm định các chỉ số do các địa phương gửi về.

Phó Thủ tướng giao Bộ GDĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp, chủ trì tổ chức hội thảo quốc gia về dự báo nhu cầu nhân lực trong 2 ngày 25 - 26/8/2010.

Trong 3 tháng (9,10,11/2010) các Bộ, các địa phương phải có sơ kết về nhu cầu và quy hoạch nhân lực của mình gửi  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GDĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Chậm nhất hết tháng 11/2010, phải làm rõ quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, tổng hợp đánh giá để có thể trình Chính phủ về Đề án quy hoạch nhân lực trong tháng 12/2010.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu 7 tỉnh sẽ tổ chức thí điểm xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực là Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Nai, Lào Cai, Đắk Lắk và Hậu Giang. Trong tháng 10/2010, tổng kết kinh nghiệm cho các địa phương khác nghiên cứu./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất