Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 8/6/2009 22:27'(GMT+7)

Phải thực sự gắn học phí với chất lượng đào tạo

GS Nguyễn Lân Dũng

GS Nguyễn Lân Dũng

Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo 2009-2014 được đặt lên bàn nghị sự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XII đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của xã hội. PV đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk xung quanh vấn đề này.

Thưa Giáo sư, mặc dù đây là Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014, không phải là Đề án nâng cao chất lượng giáo dục nhưng mục tiêu của Đề án là hướng tới nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô giáo dục. Ý kiến của Giáo sư về Đề án này nói chung và về vấn đề này như thế nào (khi bài toán chất lượng giáo dục lại một phần được giải từ cơ chế tài chính)?

GS Nguyễn Lân Dũng: Sự thật là không đổi mới cơ chế tài chính thì không thể nâng cao được chất lượng đào tạo giáo dục. Riêng với bậc đại học thì điều này quá rõ. Thời chúng tôi đi học (1954-1956) khi thực tập về hóa học chúng tôi phải tìm ra tất cả các nguyên tố trong một dung dịch mà thầy giao cho. Bây giờ làm sao có điều kiện như vậy với số sinh viên đông thế này. Thiết bị khoa học ngày càng đắt, làm sao trang bị nổi với kinh phí mà các trường có được như hiện nay. Trong khi thu nhập bình quân đầu người 10 năm qua tăng 4,7 lần, lương tối thiểu tăng 1,86 lần (năm nay còn tăng cao hơn), chỉ số giá tiêu dùng tăng gấp 2 lần, ngân sách nhà nước cho giáo dục chỉ tăng 5,8 lần nhưng khung học phí vẫn như cũ thì rất khó nâng cao được chất lượng đào tạo.

Chất lượng đào tạo không tăng thì sinh viên ra trường rất khó tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo và không thúc đẩy được sự nghiệp phát triển giáo dục và khoa học, từ đó không tác động được nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội.  Monday, June 08, 2009Khi đồng tiền mất giá thì học phí cũ không thể đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Người học cần hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế thực sự của gia đình mình để chi tiêu thật tiết kiệm

Thúc đẩy ý chí vươn lên của người học

Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục có 8 nội dung, trong đó, học phí là nội dung được các đại biểu Quốc hội, cử tri cũng như dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất. Theo Giáo sư, việc đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nên được tiếp cận như thế nào? Mức học phí mà Đề án đưa ra có phù hợp theo tình hình hiện nay? Bên cạnh đó, Đề án được đánh giá là xây dựng trên cơ sở nhân văn. Giáo sư có ý kiến gì về đánh giá này?

GS Nguyễn Lân Dũng: Đúng là một bộ phận dư luận hiện còn chưa thuận vì đang ở giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, gia đình nào cũng khó khăn về kinh tế. Các gia đình nông thôn có con em học đại học đúng là gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, về giáo dục phổ thông thì thực ra Nhà nước vẫn lo là chính. Sự đóng góp của gia đình không quá nhiều, các trường không được thu quá 35.000đ/tháng. Với các gia đình chính sách, gia đình nghèo, sẽ được miễn học phí, hơn nữa còn được Nhà nước hỗ trợ 600-700.000 đ/năm để mua quần áo đồng phục, giầy dép, sách vở. Với sinh viên và học sinh chuyên nghiệp, việc cho vay tiền để đi học và chỉ phải trả sau thời gian gấp đôi thời gian đào tạo đã giúp các gia đình nông dân nghèo cũng có thể cho con em mình tiếp tục học đại học hay trung cấp chuyên nghiệp. Tôi chỉ lo chính quyền địa phương gây khó khăn trong việc xét tiêu chuẩn cho vay tiền và lo sinh viên ra trường không tìm được việc làm.

Tôi thấy con em các gia đình nghèo phải hiểu hoàn cảnh gia đình để sẵn sàng nhận mọi công tác ở ngay quê hương mình. Vì nếu cứ cố bám trụ ở thành phố lớn thì sẽ rất khó xin việc, hơn nữa chi phí cho ở trọ cũng rất đắt, như thế thì bố mẹ làm sao trả được tiền vay của Nhà nước?  Tôi nhớ thời chống Mỹ, trường chúng tôi sơ tán ở Thái Nguyên, nhiều em học sinh quê ở Khu 4 không những không cần nhận tiền của gia đình mà còn gửi thêm tiền về cho gia đình nhờ vào rừng kiếm củi trong ngày Chủ nhật để đem bán (!).  Ngay ở Mỹ, tôi thấy trong những ngày nghỉ cuối tuần, các cửa hàng của người Việt có nhiều sinh viên ra làm thêm để đỡ bớt gánh nặng tài chính cho gia đình trong nước. Nói chung mỗi học sinh, sinh viên phải hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế thực sự của gia đình mình để chi tiêu thật tiết kiệm, cố gắng làm thêm theo khả năng và thời gian cho phép bên cạnh mục tiêu chủ chốt là phấn đấu học tập thật giỏi.

Theo tôi, việc tuyên truyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự đầy đủ, chưa thỏa mãn các thông tin cần thiết về Đề án và nhiều người chưa tiếp cận đầy đủ Đề án nên còn có các ý kiến hiểu chưa đúng, chưa toàn diện về Đề án này.

Nếu chấm điểm Đề án này, Giáo sư sẽ cho bao nhiêu?

GS Nguyễn Lân Dũng: Làm gì có thang điểm để đánh giá(!?) Tôi chỉ mong đi kèm với việc tăng học phí thì phải có sự tăng tương ứng về chất lượng đào tạo.  Ngoài ra sau một thời gian nữa khi giáo dục phổ cập đến đâu thì phải được miễn học phí đến đó. Trung Quốc cũng khó khăn như ta nhưng họ đã làm được việc này rồi. Đó là một trong các tiêu chí của chủ nghĩa xã hội./.

(Theo: Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất