CẦN "PHƯƠNG THUỐC ĐẶC TRỊ" CHO CĂN BỆNH THAM NHŨNG
“Bệnh
tham nhũng” trong cán bộ, đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt
trong một thuật ngữ chung nhất là tham ô. Người cho rằng: “Tham
ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô
là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự
nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân
dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”(1). Đó là “giặc nội xâm”, là loại giặc “vô hình, vô cảm”, là “kẻ địch trong người, trong nội bộ”(2)
vô cùng nguy hiểm. Nó “luôn luôn lẩn lút trong mình ta”, “khó thấy, khó
biết”; đó là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại những gì đã cũ
kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(3).
Để phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Hồ
Chí Minh chỉ rõ, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất
của Đảng và Chính phủ; cần xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện rộng
rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phải làm cho quần
chúng nhân dân khinh ghét, xa lánh tham ô, lãng phí; kết hợp chặt chẽ
giữa “xây” và “chống”; mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách
mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân,…
Hội
nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII (năm 1994), Đảng ta xác định tham nhũng và
tệ quan liêu là một trong bốn nguy cơ, thách thức lớn, cản trở công cuộc
đổi mới đất nước. Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII khẳng định: “Tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”(4);
Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng,
kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn
của chế độ ta”(5). Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định:
“Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn
chặn, đầy lùi... Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của
Đảng, của chế độ”(6).
Đại
hội XI của Đảng chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu
cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn
biến phức tạp... làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà
nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(7); Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác
xây dựng Đảng hiện nay” xác định, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một
trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Đại hội lần thứ XII
của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ
phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn
biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”(8). Đại
hội XIII của Đảng đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực,
địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng
tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những
nguy cơ đe dọa của Đảng và chế độ ta”(9).
Như
vậy, việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, xuất phát từ yêu
cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra; từ vị thế, uy tín của Đảng trong suốt
quá trình lãnh đạo cách mạng; từ đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng trong
sạch, vững mạnh, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến
bờ vinh quang. Việc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm cho nội bộ mất đoàn
kết, không phải giữa các “phe cánh”, mà góp phần quan trọng vào việc
thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, nâng cao năng lực lãnh
đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường đoàn kết, gắn bó máu
thịt giữa Đảng với nhân dân; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giữ
vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển
nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững, củng cố niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định sức mạnh của kỷ luật
đảng, không có trường hợp ngoại lệ đối với bất kỳ ai nếu lòng dạ không
trong sáng; nói và làm trái với quan điểm, đường lối, chủ trương của
Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm; suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực là sự cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng
viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, đẩy lùi chủ
nghĩa cá nhân, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không tham lam,
không hám danh lợi, chức tước, bổng lộc. Từ đó, khơi dậy ý chí, khát
vọng vươn lên không ngừng trong toàn xã hội, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề;
động viên, khích lệ, cổ vũ nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo
của Đảng, vào thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đẩy
mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ
làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót
“nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính
sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”(10).
Căn
cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XI, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW, ngày 1/2/2013,
thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc
Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo, nhận được sự đồng
tình, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội, tạo ra tâm lý phấn khởi, khí thế
mới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngay sau khi được
thành lập, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các
cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu
nhiệm kỳ Đại hội XII đến tháng 12/2020, đã thi hành kỷ luật hơn
87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ
luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán
bộ thuộc diện Trung ương quản lý(11).
Tính
từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 11/2022, Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành
kỷ luật 69 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7
Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng gồm 5 bộ
trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 2 chủ tịch,
nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; 18 thứ trưởng,
nguyên thứ trưởng và tương đương; 13 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh; 4
nguyên phó bí thư thường trực tỉnh ủy; 20 sĩ quan cấp tướng(12).
Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, ủy ban kiểm
tra các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở
đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp khi có dấu hiệu
vi phạm để xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Nhiều
vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã để lại những hậu quả lớn,
gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, được cơ quan, chức năng
phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử trước pháp luật, như: Vụ
án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án
xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn
FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh
Phát… Đặc biệt, sau khi ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
cấp tỉnh được thành lập, kiện toàn, nhiều địa phương đã tiến hành thanh
tra, kiểm tra, giám sát, khởi tố, truy tố nhiều tập thể, cá nhân có liên
quan đến tham nhũng, tiêu cực. Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, sức mạnh và uy tín của Đảng ngày
càng được củng cố, tăng cường, nội bộ đoàn kết, thống nhất, góp phần
nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Cùng với đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng, Nhà nước tập trung lãnh
đạo phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc
phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại. Năm 2022, tăng trưởng GDP của
cả nước ước đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của một nền kinh tế đều phục hồi, phát triển
mạnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng
10% so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế
hàng đầu thế giới về thương mại. Công tác phát triển văn hóa, xã hội
được đặc biệt quan tâm. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Những
kết quả thực tiễn nêu trên là minh chứng thuyết phục, đập tan luận điệu
xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch khi cho rằng, đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe
cánh”. Đồng thời khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực của Đảng ta là đúng đắn, kịp thời, hiệu quả. Cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm nhụt ý chí, chùn bước, ngược
lại càng làm đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thêm tin tưởng, phấn
đấu cho sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 24 của Ủy ban
Kiểm tra Trung ương . (Ảnh: TTXVN)
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐỂ XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
Hiện
nay, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt còn gay
gắt, phức tạp hơn, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn biến
ngày càng phức tạp, tinh vi, còn xảy ra ở nhiều nơi, ở hầu hết các lĩnh
vực… Thực tế đó đòi hỏi phải tiếp tục giương cao ngọn cờ đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời, đập tan luận điệu của
các thế lực thù địch xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực.
Một là, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng để tăng cường sức mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng: “Nhất hô bá ứng”,
“Tiền hô hậu ủng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để nói
lên sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động, vì sự nghiệp cách
mạng chung và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói
riêng. Theo đó, trong chính nội bộ Đảng phải trên dưới đồng chí, đồng
lòng, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện của tham
nhũng, tiêu cực; tránh nói khác, làm khác với quan điểm, chủ trương của
Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất
là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cần gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân, giữ
gìn đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ chung.
Hai là, phát huy vai trò nêu gương của lãnh đạo chủ chốt các cấp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Lãnh
đạo chủ chốt các cấp phát huy vai trò nêu gương trong công việc, đời
sống, sinh hoạt hằng ngày, phải thực sự liêm khiết, chính trực, nói đi
đôi với làm, nói ít làm nhiều; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều
hành, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương; là hạt nhân đoàn kết, quy tụ
sức mạnh trí tuệ của tập thể trong thực hiện các nhiệm vụ; xây dựng cơ
quan, đơn vị, địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo
đức và cán bộ; luôn đặt lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên lợi ích
cá nhân. Khi phát hiện trong cơ quan, đơn vị, địa phương có dấu hiệu bè
phái, cục bộ, nội bộ không đoàn kết, thống nhất, cần chấn chỉnh, xử lý
dứt điểm, không để kéo dài; đặc biệt, cán bộ chủ chốt các cấp phải có
“đức, tầm, tâm, trí” trong điều hành, giải quyết những việc khó, việc
mới, các vấn đề phức tạp nảy sinh nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận
lợi nhất cho cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển. Lãnh đạo chủ chốt
các cấp ngoài năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, cần phải
thực sự trong sạch, coi trọng danh dự, uy tín. Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất(13).
Ba là, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, “kiểm tra, giám sát là thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương(14).
Theo đó, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là
tập trung vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm dễ phát sinh tham
nhũng, tiêu cực, như đấu thầu, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình,
dự án, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ…; nâng cao năng lực kiểm tra, giám
sát của ủy ban kiểm tra các cấp. Các thành viên của ủy ban kiểm tra các
cấp nắm rõ chức trách, nhiệm vụ; tiến hành kiểm tra, giám sát khách
quan, công tâm, minh bạch, không được có động cơ cá nhân, áp đặt, bao
che; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa công tác kiểm
tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, điều tra,
truy tố, xét xử.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từng
bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực; tham khảo có chọn lọc mô hình, kinh nghiệm, cách
thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các nước trên thế giới… Trên cơ
sở các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, cấp ủy các cấp cụ thể hóa vào điều kiện cụ thể ở
từng cơ quan, đơn vị, địa phương; rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy
định của đơn vị đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương; phát huy vai
trò, trách nhiệm của bộ phận tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong phát hiện và lấp
những “lỗ hổng” pháp lý để cán bộ, đảng viên không dám, không thể và
không muốn tham nhũng, tiêu cực./.
Thiếu tá NGUYỄN VINH QUANG
Trưởng Ban Cán bộ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long
_____________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.14, tr.141.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.56.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2015, t.58, tr.57-58.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.50.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.263-264.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.173.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.10.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.93.
(10) (11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.401, 393.
(12) Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-ket-luan-cua-tong-bi-thu-tai-cuoc-hop-thuong-truc-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-102221118185641235.htm.
(13) (14) Nguyễn Phú Trọng: Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.335.
(Nguồn: TC Cộng sản)