Sáng 8/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp
trực tiếp, kết hợp trực tuyến toàn quốc về rà soát, hoàn thiện dự thảo 4
nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ.
Cụ thể, 4 dự thảo Nghị định
là: dự thảo Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và trình tự,
thủ tục cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn
cho người lái xe hoặc áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ
(dự thảo Nghị định vận chuyển hàng hoá nguy hiểm); Nghị định quy định
về hoạt động vận tải đường bộ; Nghị định quy định về đào tạo và sát hạch
lái xe; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Đường bộ (dự thảo Nghị định quản lý đường bộ).
PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN CHO ĐỊA PHƯƠNG
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có
các phát biểu, chỉ đạo về nguyên tắc xây dựng thể chế phải dựa trên tinh
thần trách nhiệm, gắn với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, kiến tạo phát
triển.
Xây dựng, ban hành thể chế phải đổi mới, mạnh dạn phân cấp thí điểm
nội dung, chính sách mới nhưng nếu được thực tiễn chứng minh là đúng,
thì tổng kết, đưa vào những văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao
hơn. Các văn bản pháp luật phải tạo ra không gian sáng tạo cho cơ quan
quản lý, các bên tham gia, giám sát thực hiện.
Phó Thủ tướng cho biết: “Quan trọng nhất là nghị định phải tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương kèm
theo cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, trong đó phải
tính toán đầy đủ điều kiện chuyển tiếp".
Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư, hướng dẫn theo
nhiệm vụ được giao trong luật, nghị định. Các địa phương phải chủ động
thực hiện nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm theo thẩm quyền được giao
trong luật, nghị định, thông tư; trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các bộ,
ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Bộ ngành địa phương nào chậm tiến độ thì phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, điểm mới
của dự thảo Nghị định vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là quy định rõ đơn
vị thực hiện tập huấn, tiêu chuẩn người tập huấn, đối tượng được tập
huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm; chuyển cơ quan có thẩm quyền cấp giấy
phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8 từ Bộ Khoa học và
Công nghệ sang Bộ Công Thương; bổ sung thêm đối tượng thuộc thẩm quyền
cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm của Bộ Quốc phòng; chứng chỉ đào
tạo về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường bộ qua biên giới.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về hoạt động vận tải đường bộ bao
gồm: Hộ kinh doanh vận tải cũng được kinh doanh vận tải hành khách theo
tuyến cố định, xe bus, xe taxi; tất cả đơn vị kinh doanh vận tải (doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) đều phải có bộ phận quản lý an toàn;
bổ sung quy định về thu hồi phù hiệu xe vi phạm về tốc độ, tải trọng xe.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát điều chỉnh, bổ sung quy
định các mẫu phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải, xe bốn bánh có gắn
động cơ; hoạt động vận tải trung chuyển hành khách và rà soát, chỉnh sửa
kỹ thuật văn bản soạn thảo phù hợp, thống nhất với văn bản pháp luật
liên quan.
Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện quy định
đăng ký, quản lý điều kiện, tiêu chí phương tiện và người tham gia hoạt
động kinh doanh vận tải, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; xây
dựng tiêu chí, điều kiện để thí điểm hoạt động với các phương tiện giao
thông mới, không được “không biết thì cấm”.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu các quy định tăng cường
ứng dụng công nghệ thông tin giám sát hành trình, tốc độ của các xe ô
tô khách chạy tuyến cố định; quy hoạch đầy đủ, phù hợp các trạm, điểm
dừng nghỉ; quản lý số lượng xe ô tô khách chạy tuyến cố định theo lưu
lượng hành khách... bảo đảm an toàn, cạnh tranh lành mạnh.
BẢO ĐẢM KẾT NỐI GIAO THÔNG
Về dự thảo Nghị định đào tạo lái xe, cơ quan soạn thảo đã bổ sung
thêm hình thức đào tạo lái xe khác; loại hình, nhân lực, điều kiện cơ sở
vật chất của các cơ sở đào tạo lái xe; tổ chức bộ máy, loại hình, nhân
lực của trung tâm sát hạch lái xe; sân tập lái dùng để sát hạch lái xe
mô tô...
Đối với dự thảo Nghị định về quản lý đường bộ, Bộ Giao thông vận tại
đã rà soát, chỉnh lý điều, khoản nhằm thực hiện phân cấp triệt để cho
các địa phương quản lý, đầu tư, khai thác, sử dụng, bảo trì (quản lý)
kết cấu hạ tầng đường bộ theo đúng quy định của Luật Đường bộ. Trong đó,
quy định rõ các điều kiện, tiêu chí đối với từng loại công trình kết
cấu hạ tầng do Trung ương quản lý và phân cấp cho địa phương.
Các địa phương phải bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ về tải trọng,
phương tiện tham gia giao thông trên đoạn quốc lộ được giao với các
tuyến đường bộ trong quy hoạch mạng lưới đường bộ và bảo đảm kết nối
giao thông thuận lợi với các tuyến đường khác trong khu vực. Bộ Giao
thông vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra thực hiện đầu tư của các tỉnh
theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ
được duyệt và việc bảo đảm kết nối giao thông...
Việc nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ phải được thực hiện đồng thời
trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc mới từ
khi Luật Đường bộ có hiệu lực (ngày 1/1/2025). Các tuyến đường bộ cao
tốc đã đầu tư xây dựng trước khi Luật Đường bộ có hiệu lực mà chưa có
trạm dừng nghỉ, dự thảo Nghị định đã quy định lộ trình đầu tư, hoàn
thiện.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc phân cấp quản lý đường bộ trên nguyên tắc
“một việc, một người chịu trách nhiệm”. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải
và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành quy
hoạch, chiến lược, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của hệ thống giao
thông đường bộ quốc gia, quốc tế phải bảo đảm tính đồng bộ thống nhất;
quản lý thống nhất toàn bộ thông tin dữ liệu, thiết kế hệ thống để giám
sát, điều hành tại từng tỉnh và cả nước, “địa phương làm, Trung ương
quản lý”.
Các địa phương được phân cấp đồng bộ, thống nhất, toàn diện trong
quản lý tuyến đường bộ từ quyết định đầu tư, ngân sách đầu tư, quản lý
vận hành, duy tu bảo trì...; thiết kế chính sách bảo đảm khi phân cấp
các địa phương đều có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp.
Địa phương có kinh tế phát triển chủ động bố trí ngân sách; vùng khó
khăn thì có cơ chế điều tiết ngân sách từ Trung ương./.
TTXVN