Thứ Hai, 9/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Hai, 2/5/2022 14:0'(GMT+7)

Phan Đăng Lưu - Nhà lãnh đạo tài năng và kiên trung của cách mạng Việt Nam

Tượng đài Phan Đăng Lưu ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An).

Tượng đài Phan Đăng Lưu ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An).

Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện  Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn và bản lĩnh kiên cường, Phan Đăng Lưu tham gia cách mạng từ khi còn đi học, hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc và hy sinh oanh liệt trước họng súng quân thù khi tuổi đời chưa tròn bốn mươi.

NHÀ LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TÀI NĂNG

Quá trình giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng

Phan Đăng Lưu có vốn học vấn uyên thâm, từ nhỏ đã nổi tiếng về sự hiếu học, thông minh, mẫn tiệp hơn người. Anh được gia đình cho học chữ Hán trong mười năm, từ năm lên sáu cho đến năm 16 tuổi. Tuy nhiên, khi nhận thức sự bất lực của hệ tư tưởng Nho giáo trước yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, anh đã từ bỏ Nho học, chuyển sang học ở trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh. Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang với tấm bằng hạng ưu, anh làm nhân viên tập sự tại Sở Canh nông Bắc Kỳ. Tháng 10/1924, anh đến nhận việc tại Trại nuôi tằm Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) và một năm sau được chuyển về Sở Canh nông Nghệ An đóng tại Vinh.

Với hoài bão giúp dân, giúp nước, không cam chịu cuộc sống bị nô dịch, Phan Đăng Lưu nhanh chóng bắt liên lạc với các thành viên trong Hội Phục Việt và tích cực tham gia các hoạt động yêu nước ở Vinh (Nghệ An). Anh tìm đọc và tích cực tuyên truyền về sách báo tiến bộ, vận động nhiều người cùng ký tên vào bản yêu sách đòi chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương trả tự do cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu bị mật thám bắt tháng 6/1925.

Để ngăn chặn hành động yêu nước của Phan Đăng Lưu, thực dân Pháp đã chuyển anh đi làm việc ở các nơi như Linh Cảm (Hà Tĩnh), rồi đến Phú Phong (Bình Định), Di Linh và Đà Lạt (Lâm Đồng)… Tuy nhiên, ở đâu, anh cũng tổ chức hoạt động yêu nước, chống bọn chủ sự Pháp. Sau khi bị sa thải vào năm 1927, Phan Đăng Lưu về quê, tiếp tục hoạt động, xây dựng nhiều tổ chức mới và trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng. Tháng 7/1928, anh được bầu làm Ủy viên Thường vụ của Tổng bộ Tân Việt, phụ trách tuyên truyền. Trên cương vị một trong những người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức, Phan Đăng Lưu tham gia hoạch định đường lối, phát triển tổ chức, đào tạo cán bộ và đặc biệt là góp phần có tính quyết định vào việc định hướng phát triển Tân Việt theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, tích cực vận động hợp nhất Tân Việt với Thanh Niên. Với vốn kiến thức Hán học và vốn tiếng Pháp phong phú, Phan Đăng Lưu còn tham gia dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như A.B.C Chủ nghĩa Mác, Dân chủ mới; dịch các cuốn Xã hội luận, Lược sử các học thuyết kinh tế… góp phần thức tỉnh nhiều nhà trí thức, thanh niên, học sinh và thấm dần vào các tầng lớp nhân dân lao động.

Cuối tháng 9/1928, Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc gặp Tổng bộ Thanh Niên để bàn về kế hoạch hợp nhất Tân Việt với Thanh Niên. Chuyến đi không thành công, do Tổng bộ đã chuyển sang Hồng Kông sau cuộc binh biến phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch (4/1927) nhưng đã giúp anh hiểu rõ hơn về tình hình cách mạng thế giới, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, củng cố vững chắc hơn mục tiêu hợp nhất Tân Việt với Thanh Niên. Tháng 5/1929, Phan Đăng Lưu về nước, đề nghị với Tổng bộ Tân Việt về việc kiên trì vận động hợp nhất với Thanh Niên theo hướng tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Đó là nhận thức đúng đắn, sáng suốt, hợp với xu thế chung phát triển của phong trào cách mạng. Từ đề xuất của Phan Đăng Lưu, vào tháng 9/1929, Tân Việt ra tuyên đạt: Chúng tôi đã chính thức thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ra đời, là một trong tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để đẩy mạnh việc hợp nhất, tháng 9/1929, Tổng bộ Tân Việt cử Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu lần thứ hai. Tuy nhiên chưa kịp sang Quảng Châu, đồng chí bị mật thám bắt và sau đó bị đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tham gia Xứ ủy và lãnh đạo cuộc đấu tranh dân chủ ở Trung Kỳ

Sau khi được ra tù giữa năm 1936 do sức sức ép của phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ và thả tù chính trị ở Pháp và Đông Dương, Phan Đăng Lưu về hoạt động tại Huế trong sự kiểm soát gắt gao của mật thám Pháp. Tháng 3/1938, Phan Đăng Lưu được bầu vào Xứ ủy Trung Kỳ và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách hoạt động công khai ở Huế.

Tranh thủ thời gian gần 3 năm được làm báo “hợp pháp” trong khuôn khổ luật lệ hà khắc của chế độ thực dân, Phan Đăng Lưu năng nổ, tích cực hoạt động, tranh thủ điều kiện thuận lợi tập hợp các nhà báo yêu nước, không phân biệt quan điểm chính trị cùng đoàn kết đấu tranh, tiêu biểu là phối hợp với báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng để cô lập và vạch mặt những tên bồi bút nịnh bợ chế độ thực dân. Cùng với nhiều nhà báo tiến bộ ở Huế, Phan Đăng Lưu chủ trương triệu tập Hội nghị báo giới Trung Kỳ nhằm thành lập Mặt trận báo chí dân chủ đấu tranh đòi các quyền tự do báo chí. Tháng 3/1937, tại Đông Pháp Lữ quán, số 7 đường Đông Ba, Đại hội Báo chí Trung kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo, đã tỏ rõ ý chí đoàn kết của báo giới toàn quốc và ủng hộ Hội nghị báo giới Trung Kỳ. Phan Đăng Lưu đã có công lớn trong việc hướng Đại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, trên mặt trận văn hóa, đồng chí còn góp nhiều ý kiến có giá trị với Hải Triều trong cuộc tranh luận về “Văn học vị nghệ thuật” với “Văn học vị nhân sinh” có tiếng vang lớn trên mặt trận văn hóa, văn học cách mạng(1).

Thực hiện chủ trương của Đảng về đưa người của Mặt trận tham gia tuyển cử, đồng chí Phan Đăng Lưu thảo luận thống nhất việc chọn người ra tranh cử có cả đảng viên và cảm tình của Đảng; xây dựng bản chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Để đẩy mạnh tuyên truyền trong đấu tranh nghị trường, Phan Đăng Lưu mua lại tờ Sông Hương, đổi tên thành Sông Hương tục bản và biến nó trở thành một tờ báo thông tin, ngôn luận chính trị được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Mục “Chiếu diện” của tác giả Nghị Toét - bút danh của Phan Đăng Lưu, vạch mặt, chỉ tên bọn tay sai bán dân hại nước, dùng các âm mưu, thủ đoạn để lừa gạt cử tri (đó là Bùi Huy Trứ, Nguyễn Quang Triệt, Cao Văn Chiểu…). Sông Hương tục bản trên thực tế đã trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung Kỳ, ra được 14 số (từ 15/6 đến 14/10/1937). Sau khi tờ báo bị chính quyền thực dân thu hồi giấy phép, Phan Đăng Lưu nhanh chóng cho ra các tờ báo Dân, Dân tiến, Dân muốn... Các tờ báo này góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của của cuộc bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ: tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng cử ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ chủ chốt trong viện. Đánh giá về thắng lợi này, Đảng ta ghi rõ: “…18 candidats ở Trung Kỳ xu hướng về Mặt trận bình dân được đắc cử là những thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta”(2). Hơn nữa, cuộc vận động tranh cử trở thành diễn đàn công khai kêu gọi, cổ vũ phong trào yêu nước, vạch trần bản chất chế độ thực dân và hướng dẫn quần chúng đấu tranh.

Tháng 9/1937, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Phan Đăng Lưu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Trên cương vị mới, đồng chí tiếp tục lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tranh cải tổ Viện dân biểu Trung Kỳ; phong trào đòi quyền tự do dân chủ cơ bản, thả chính trị phạm, tự do nghiệp đoàn, chống bọn phản động thuộc địa.

Lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ và tổ chức hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường khủng bố phong trào cách mạng và yêu nước. Để tăng cường cán bộ cốt cán trong cuộc đấu tranh ở Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu được Trung ương phân công vào phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Tháng 11/1939, đồng chí cùng với Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Lê Duẩn tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ sáu do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, thảo luận và quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Thực hiện chủ trương của Đảng, cùng Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đã góp phần quan trọng và tích cực đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.

Đến đầu năm 1940, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và hầu hết các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều bị địch bắt giam, chỉ còn duy nhất Phan Đăng Lưu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ. Trên thực tế, đồng chí đã đảm đương nhiệm vụ và trách nhiệm như một Tổng Bí thư Đảng. Thay mặt Ban chấp hành Trung ương, đồng chí đã soạn thảo và ban hành nhiều Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, củng cố tổ chức, chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị mọi điều kiện, tranh thủ thời cơ để giải phóng dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI của Đảng.

Tháng 7/1940, với tư cách là đại diện của Trung ương ở Nam Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ bàn về kế hoạch khởi nghĩa của Xứ ủy. Nhưng với tầm nhìn, sự nhạy bén chính trị và thực tiễn đấu tranh cách mạng dạn dày, Phan Đăng Lưu nhận thấy thời cơ, lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền chưa chín muồi. Đồng chí đã góp ý với Xứ ủy phải đánh giá đúng tình hình, có thái độ nghiêm túc với vấn đề khởi nghĩa, phải có sự ủng hộ của toàn quốc và phải có lệnh của Trung ương mới được thi hành. Đồng chí đề xuất ý kiến tạm hoãn cuộc khởi nghĩa để “xin chỉ thị của Trung ương” và tranh thủ thời gian bắt tay ngay vào tổ chức tái lập Ban Chấp hành Trung ương - vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, của cách mạng bấy giờ, sau đó mới quyết định về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau 3 tháng chuẩn bị, vào giữa tháng 10/1940, đồng chí bí mật rời Nam Kỳ ra gặp Xứ ủy Trung Kỳ và Bắc Kỳ, thảo luận và thống nhất tổ chức Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương (Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy), để quyết định 4 vấn đề cấp thiết: Tái lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời trên cơ sở tổ chức và nhân sự của Xứ ủy Bắc Kỳ; Bầu Quyền Tổng Bí thư (thay đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang bị địch giam cầm); Xin ý kiến của Trung ương về việc tiến hành hay trì hoãn khởi nghĩa ở Nam Kỳ; Bàn việc chuyển cơ quan đầu não bí mật của Đảng từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đăng Lưu, Hội nghị thống nhất cử đồng chí Trường Chinh là Quyền Tổng Bí thư của Đảng; tiếp tục thực hiện đường lối do Hội nghị Trung ương lần thứ sáu đề ra, nhằm tích cực chuẩn bị mọi mặt, tiến tới Tổng khởi nghĩa; hoãn cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và giao cho Phan Đăng Lưu trở lại Nam Kỳ truyền đạt quyết định đó cho Xứ ủy Trung Kỳ và Nam Kỳ. Hội nghị Trung ương lần thứ bảy đánh dấu sự tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chấm dứt thời gian gần một năm phong trào cách mạng không có sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương Đảng. Tại Hội nghị, trên cơ sở phân tích tình hình khi Nhật nhảy vào Đông Dương, thì Bắc Kỳ là địa bàn mà cách mạng Việt Nam liên thông trực tiếp với cách mạng Trung Quốc trên mặt trận kháng Nhật cứu nước, đòi hỏi  phải có bộ chỉ huy cao nhất của Đảng ở Bắc Kỳ, Phan Đăng Lưu đề nghị cơ quan Trung ương chuyển từ Nam ra Bắc và được Hội nghị đồng ý. Những quyết định tại Hội nghị chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, trong đó có sự đóng góp quyết định của đồng chí Phan Đăng Lưu.

Tại Hội nghị Trung ương 7, không chỉ thể hiện tầm nhìn, tài năng lãnh đạo của Phan Đăng Lưu mà đã thể hiện sống động, rõ nét về nhân cách người cộng sản cao đẹp, không màng chút danh lợi cá nhân; luôn đặt việc dân, việc nước lên trên hết, trước hết. Trong Hội nghị, đồng chí Trường Chinh và nhiều đồng chí khác đã đề cử Phan Đăng Lưu làm Quyền Tổng bí thư của Đảng, nhưng đồng chí xin rút lui và đề cử đồng chí Trường Chinh đảm nhiệm chức vụ này. Đồng chí giải thích vì là người nắm rõ nhất tình hình Nam Kỳ cho nên nếu làm Tổng Bí thư thì đồng chí vẫn cần phải vào Nam truyền đạt Chỉ thị của Trung ương, mà vào Nam, thì phải đề phòng khả năng đồng chí bị địch bắt và như thế lại gây thêm trở ngại cho Trung ương vừa mới được tái lập. Bên cạnh đó, đồng chí Trường Chinh, lúc này mới chỉ là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, nhưng đã rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh và tỏ rõ năng lực, phẩm chất người lãnh đạo hàng đầu của Đảng. Đó là sự lựa chọn cán bộ sáng suốt của Đảng và đồng chí Phan Đăng Lưu tại Hội nghị Trung ương 7.

NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, MẪU MỰC

Trong 16 năm hoạt động cách mạng, thời gian hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc là giai đoạn thể hiện sáng rõ nhất tấm gương người cộng sản kiên trung, mẫu mực Phan Đăng Lưu.
Lần thứ nhất, Phan Đăng Lưu bị bắt ở Hải Phòng khi đang chuẩn bị sang Quảng Châu theo yêu cầu của Tổng bộ Tân Việt để bàn về vấn đề hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau đó, đồng chí bị mật thám đưa về giam ở nhà lao Vinh và bị Tòa Nam triều Nghệ An kết án 7 năm tù giam, đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột - một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Trong sự khắc nghiệt và tàn bạo của nhà tù đế quốc, Phan Đăng Lưu cùng với các đồng chí của mình đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Phan Đăng Lưu được kết nạp Đảng ở trong tù và tham gia Ban lãnh đạo nhà tù. Đồng chí tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong nhà tù đòi quyền lợi cho tù chính trị. Để tuyên truyền, vận động lính gác ngục là  Ê đê, vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc giữa Kinh và Thượng, Phan Đăng Lưu tích cực học tiếng Ê Đê và vận động các bạn tù cùng học. Chỉ vài tháng sau, đồng chí đã sử dụng khá thành thạo tiếng Ê Đê và lập ra tờ báo Doãn Đê tuần báo trong nhà tù. Đồng chí phụ trách mục Bình luậnDạy tiếng Ê đê. Báo ra hàng tuần, viết tay và lưu hành bí mật trong anh em. Các bài viết ngắn gọn, dễ hiểu, trong đó nói về nỗi nhục mất nước; về quan hệ gắn bó giữa người Ê Đê và người Kinh cùng chung một nguồn cội; tấm gương tiết liệt, yêu nước của tù nhân cách mạng. Tờ báo có tác dụng  to lớn trong việc giác ngộ binh lính người Ê Đê, đoàn kết người Kinh với người Thượng, khuyến khích người Việt học tiếng Ê Đê và qua đó tìm hiểu văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên. Phan Đăng Lưu còn viết nhiều bài báo bằng tiếng Pháp tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù, bí mật gửi ra ngoài, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân. Có bài chưa kịp đưa ra ngoài bị bọn cai ngục bắt được, đồng chí bị tra tấn tàn khốc, ghép vào tội viết báo tuyên truyền chống lại Chính phủ bảo hộ và tăng án lên 5 năm tù khổ sai.

Lần thứ hai, Phan Đăng Lưu bị bắt Sài Gòn. Ngay sau Hội nghị Trung ương 7, Phan Đăng Lưu tức tốc trở lại miền Nam để truyền đạt Chỉ thị của Trung ương về hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ. Tuy nhiên, chiều ngày 22/11/1940, khi đồng chí về đến Sài Gòn - Chợ Lớn, thì trước đó, vào buổi sáng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Như Hạnh bị địch bắt. Hai giờ chiều cùng ngày, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy, Trưởng ban khởi nghĩa toàn xứ kiêm Trưởng ban khởi nghĩa Sài Gòn - Chợ Lớn bị địch bắt tại cơ quan lãnh đạo. Lệnh khởi nghĩa đã truyền đến các địa phương trong toàn xứ, đêm 22/11/1940, nhân dân đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa ở 19/22 tỉnh, thành phố từ Biên Hòa đến Cà Mau. Cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp dìm trong biển máu.

Cuối tháng 11/1940, Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp bắt và giải về Khám lớn Sài Gòn. Mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn mua chuộc và tra tấn, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không để lộ bí mật của Đảng. Bất chấp chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc và sự kiểm soát gắt gao của lính gác, Phan Đăng Lưu đã cùng anh em trong tù tổ chức kiểm điểm tập thể, rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Những ngày trong xà lim, biết mình sẽ bị tử hình, nhưng Phan Đăng Lưu vẫn hăng say hoạt động, tận tình dạy cho anh em, đồng chí trong tù học văn hóa, học tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, truyền ngọn lửa cách mạng của người cộng sản tới anh em tù nhân về niềm tin tất thắng của cách mạng. Đồng chí phân tích “Nhật sẽ hất cẳng Pháp. Bây giờ Nhật mạnh, nhưng Nhật chỉ là một tên võ sĩ ho lao, cuối cùng sẽ bị ngã qụy. Lúc đó sẽ là thời cơ tốt để toàn dân ta khởi nghĩa thắng lợi”(3). Trước tòa án thực dân, đồng chí hiên ngang thể hiện bản lĩnh người chiến sĩ kiên cường, lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp, bảo vệ tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Không thể khuất phục được Phan Đăng Lưu, bọn đế quốc đã buộc cho đồng chí án tử hình - một “kết án tử hình theo kiểu phát xít, không có bằng chứng, không được tự bào chữa, không có luật sư...”(4).

Những ngày cuối cùng trong tù, Phan Đăng Lưu vẫn nhường bớt phần ăn của mình cho anh em, chắt chiu từng giọt nước quý báu dành cho những người ốm nặng… Dòng thư cuối cùng gửi con trai “Dầu sao chăng nữa ba vẫn thanh thản đón nhận số phận đã dành cho mình và chịu đựng một cách ngoan cường. Một lần nữa, ba mong con đừng buồn phiền và hãy an ủi tất cả những người thân thiết của ba”(5) là lời dặn dò chí tình, chí nghĩa của người cộng sản mẫu mực, kể khi cận kề cái chết vẫn bình thản, hiên ngang, dành trọn tình yêu thương cho gia đình, quê hương và dân tộc./.

TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
________________________

(1) Theo nhà nghiên cứu Chương Thâu, Phan Đăng Lưu còn động viên và giúp đỡ cụ Phan Bội Châu một số phần công việc trong biên soạn cuốn “Phan Bội Châu niên biểu”. Xem: Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu tiểu sử - tác phẩm, Nxb. Thuận Hoá, 1998, tr.7.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.6, tr.271.

(3) Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb. Nghệ Tĩnh, 1987, tr.57.

(4) Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu tiểu sử - tác phẩm, Sđd, tr.60.

(5) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2015, tr.2.16

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất