Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 4/12/2008 21:52'(GMT+7)

Phấn đấu để có 100 tác phẩm sân khấu về Bác Hồ

Bác Hồ nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu TW  năm 1961.

Bác Hồ nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu TW năm 1961.

Mỗi kịch bản là một câu chuyện về Bác Hồ trong cuộc đời hoạt động Cách mạng và những bài học sâu sắc về đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” của Người. Các nhà văn, tác giả sân khấu sẽ sáng tạo nên những kịch bản có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao, từ đó thẩm định và dàn dựng thành sân khấu truyền hình.

Hiện Phòng Sân khấu-Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được 9 kịch bản của 5 tác giả: Ngọc Thụ, Vũ Quang Vinh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Lê Đăng Thành. Trong đó hai kịch bản: Đường phía trước (tác giả Vũ Quang Vinh), Dấn thân tìm hướng (tác giả Hoài Giao) được lựa chọn để tiến hành dàn dựng thử nghiệm. Nếu các chương trình thử nghiệm thành công thì Đài Truyền hình VN sẽ tiếp tục sản xuất như dự kiến.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức hai chuyến đi thực tế viết về Bác cho các nhà văn và tác giả sân khấu. Đợt 1 vào tháng 3-2008 tại Nam Định, Bắc Ninh, Tuyên Quang với sự tham gia của 5 tác giả. Đợt 2 vào tháng 10-2008 vừa qua tại Quảng Ninh với sự tham gia của 8 tác giả.

Cùng với việc tổ chức đi thực tế, các tác giả còn được Ban Tuyên giáo TW cung cấp những tư liệu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả Ngọc Thụ, Chi hội trưởng Chi hội Tác giả sân khấu của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phụ trách các chuyến đi thực tế cho biết các tác giả đã tự phân công nhau viết về Bác Hồ. Các tác giả đã chia nhau về những địa danh mà Bác đã từng in dấu chân như đảo Ti Tốp do Người đặt tên hoặc cuộc gặp gỡ của Bác với ngư dân ở đảo Cô Tô. Các tác giả đã được gặp gỡ và đối thoại với những nhân chứng đã từng được gặp và làm việc với Bác Hồ. Tác giả Ngọc Thụ nói: “Chúng tôi gọi những chuyến đi thực tế này là “Những chuyến đi trở lại cội nguồn”. Chúng ta ai cũng đã từng được nghe kể về Bác Hồ qua những câu chuyện trên sách báo hay trên phim tài liệu nhưng chuyến thực tế này đã cho chúng tôi một vốn tư liệu vô cùng quý giá về Bác Hồ. Chúng tôi được nghe nhiều cụ già tuổi ngoài 70 - 80 tuổi kể lại những kỷ niệm của người dân địa phương với Bác như chuyện Bác biếu chăn cho cụ già 85 tuổi, ăn cơm cùng với các đồng chí công an bảo vệ Bác và chia suất cá riêng của Bác cho mọi người cùng ăn, Bác gửi chiếc đài bán dẫn cho bộ đội ở đảo Hòn Rồng... Những việc làm của Bác thấm đẫm tình nhân ái bao la thôi thúc mỗi tác giả chúng tôi ý thức được trách nhiệm cần phải viết sao cho kịch bản thật sinh động, hấp dẫn và phải có chất lượng nghệ thuật!”.

9 kịch bản được hoàn thành trong đợt thực tế đầu tiên đã được Đài Truyền hình Việt Nam tiếp nhận. 8 tác giả tham gia chuyến thực tế thứ 2 cũng đang bắt đầu ngồi vào bàn viết để cho ra tác phẩm để làm sao có được khoảng 10 kịch bản nữa giao cho Đài Truyền hình Việt Nam. Trong 2 năm 2009 và 2010, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế về những nơi Bác Hồ sinh sống và đã từng làm việc cho các tác giả sân khấu. “Chúng tôi sẽ cố gắng để có khoảng 100 vở kịch ngắn viết về Bác Hồ tạo thành một chuyên đề sân khấu về Bác hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về Bác Hồ” - Chi hội trưởng Chi hội Tác giả sân khấu đã cho biết như vậy.

Viết về Bác Hồ sao cho hay đã khó nhưng để dựng và diễn về Bác sao cho người xem cảm động là một yêu cầu không dễ. Có lẽ vì vậy mà đạo diễn Trọng Dũng, Trưởng phòng sân khấu-Đài Truyền hình Việt Nam cho biết ê kíp sản xuất sẽ phải rất cẩn thận để tuyển chọn kịch bản cũng như cả những nghệ sĩ tham gia. Bởi lẽ những tác phẩm sân khấu về Bác phải là những tác phẩm dựa trên các sự kiện và nhân vật có thật ngoài đời, không chấp nhận sự hư cấu hay giả tạo. Với một thời lượng ngắn khoảng 20 đến 30 phút mà làm nên một tác phẩm có chất lượng về nghệ thuật và phải đạt sự rung động cho khán giả đòi hỏi một sự cố gắng rất lớn của những người làm truyền hình cũng như với các tác giả sân khấu./.

Hiền Lương/Báo Văn hoá

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất