Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 20/11/2008 8:44'(GMT+7)

Tấm lòng một nữ bác sĩ Vân Kiều

Bác sĩ Vân Kiều Hồ Thị Hữu chăm sóc bệnh nhân.

Bác sĩ Vân Kiều Hồ Thị Hữu chăm sóc bệnh nhân.

Nữ bác sĩ đầu tiên của xã 

Khi chúng tôi đến Trạm y tế xã Thanh, huyện Hướng Hóa, mới 8 giờ sáng nhưng đã có hơn 10 người dân ở các thôn A Ho, Xung, Ta Nua Cô, Pa Lọ Ô của xã Thanh (Việt Nam) và Pa Riềng, Đen Vi Lay (nước bạn Lào) đến khám chữa bệnh. Sau khi cùng các đồng nghiệp khám, kê đơn, cấp thuốc và dặn dò cẩn thận liều lượng và thời gian uống thuốc hợp lý trong ngày, nữ bác sĩ Hồ Thị Hữu vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. 

Là người con của dân bản, chị thấu hiểu do bản làng nằm cách xa trung tâm xã, huyện, đường sá đi lại khó khăn, phương thức canh tác giản đơn, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm ăn nên đời sống kinh tế của bà con dân bản quanh năm chật vật thiếu thốn, vì thế thời bấy giờ ở các thôn bản trong xã, người dân chỉ lo cho cái ăn, chẳng mấy ai mặn mà với cái chữ. Mặt khác do hủ tục lạc hậu, thiếu hiểu biết, thiếu thuốc men nên đã dẫn đến những cái chết thương tâm không đáng có. Hồ Thị Hữu mong muốn được đến trường để học cái chữ và ước mơ được theo học ngành y để về khám chữa bệnh cho bà con dân bản. 

Sau những tháng năm chăm chỉ học tập ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Hướng Hóa rồi khăn gói theo học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Quảng Trị, năm 1993 chị thi đậu vào Trường trung cấp y Huế và năm 1995 tốt nghiệp, chị đăng ký về công tác tại Trạm y tế xã Thanh. 5 năm công tác tại đây Hồ Thị Hữu luôn suy nghĩ, để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh tốt cho bà con dân bản, mình phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cũng chính vì thế tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, thiếu thốn song với ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập của bản thân và được bà con dân bản, đồng nghiệp chia sẻ, động viên, giúp đỡ, sau 5 năm chăm chỉ học tập tại Trường Đại học Y khoa Huế, năm 2007, chị tốt nghiệp với tấm bằng bác sĩ, tiếp tục tình nguyện về công tác tại Trạm y tế xã Thanh và chị cũng là nữ bác sĩ người Vân Kiều đầu tiên của xã. 

Tấm lòng tận tụy vì cộng đồng 

Xã Thanh, quê hương chị là nơi thường xảy ra những căn bệnh phổ biến như sốt rét, tiêu chảy, viêm VA, viêm phổi... và được xác định địa bàn lưu hành sốt rét nặng, Trước đây chị Hữu đã từng chứng kiến những cái chết thương tâm không đáng có vì hủ tục lạc hậu, thiếu hiểu biết, thiếu thuốc men của người dân ở các thôn bản trong xã. 

Về công tác tại quê hương, khó khăn đầu tiên mà chị phải đối mặt đó là những hủ tục lạc hậu như bà con dân bản mỗi khi ốm đau không đến trạm y tế để được khám chữa bệnh mà đi mời thầy mo về mổ trâu, dê, bò, gà cúng Giàng, cúng ma hết ngày này sang ngày khác; phụ nữ đến thời kỳ sinh đẻ được người nhà dựng chòi sau nhà để tự sinh nở một mình mà không có sự trợ giúp nào, nên không ít trường hợp sinh khó (sinh đôi, sinh ba hoặc thai nhi ngược) thì tỷ lệ sản phụ tử vong là rất cao hay có những căn bệnh thông thường như hô hấp, tả nhưng không đến trạm y tế để chữa trị kịp thời để lâu ngày bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí nguy cơ gây dịch... 

Vì thế, tuy cơ sở vật chất và dụng cụ y tế của Trạm y tế xã Thanh còn nhiều thiếu thốn, nhưng với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, cùng với đồng nghiệp, nữ bác sĩ Hồ Thị Hữu đã cố gắng khắc phục khó khăn để khám chữa bệnh thật tốt cho bà con dân bản và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, thuyết phục bà con dân bản bài trừ các hủ tục lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe, xây dựng ý thức đến trạm y tế của xã để khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm. Sau gần 12 năm (1996- 2008 ) về công tác tại Trạm y tế xã Thanh, Bác sĩ Hữu đã trực tiếp khám, chữa bệnh cho hàng trăm người và đỡ đẻ thành công hàng chục sản phụ ở tất cả các thôn bản trong xã và các bản đối diện của huyện bạn Lào. 

Hành trình chữa bệnh cứu người của nữ bác sĩ Hồ Thị Hữu gắn liền với những câu chuyện đáng nhớ. Có đêm mùa đông giá rét, chị Hồ Thị Nên ở thôn Pa Lọ Ô bỗng nhiên chuyển dạ. Chị đau đớn quằn quại, máa ra quá nhiều, thầy mo đành chịu bó tay. Khi đó, anh Hồ Văn Êng, chồng của chị Hồ Thị Nên mới hoảng hốt chạy đi tìm bác sĩ Hữu để cầu cứu. Tuy đã hơn 10h đêm, nhưng chị đã không quản đường sá đi lại khó khăn, vượt hơn 4 km đường rừng lắm dốc nhiều khe suối để đến trợ giúp sản phụ. Sau nhiều giờ vật lộn với tử thần, hai mẹ con sản phụ Hồ Thị Nên đã qua được cơn nguy kịch. Hay như trường hợp anh Hồ Văn Dần ở thôn A Ho, bị đau bụng vật vã, gia đình đã cúng để đuổi con ma nhưng vẫn bất lực, được tin chị đã đến khám và chẩn đoán đau ruột thừa viêm vỡ mủ, vận động gia đình kịp thời đưa đi bệnh viện nên đã thoát khỏi cái chết... 

Ngoài thời gian làm việc ở trạm y tế, chị còn băng rừng lội suối đến các thôn bản tình nguyện chữa bệnh cho bà con dân bản. Đối với những bệnh thông thường như cảm sốt, viêm phổi, nhưng không được chăm sóc tốt nên thể trạng yếu, chị cấp thuốc và hướng dẫn liều lượng thời gian uống thuốc hợp lý trong ngày, còn đối với những trường hợp bệnh nặng, chị đã cùng với lãnh đạo các thôn bản tích cực tuyên truyền vận động gia đình và người thân kịp thời đưa đến bệnh viện huyện, tỉnh để chữa trị. 

Tiếng lành đồn xa, bà con dân bản mỗi khi ốm đau không mời thầy mo về cúng Giàng, cúng ma mà đã tìm đến chị và đưa đến trạm y tế, bệnh viện tỉnh, huyện để chữa trị ngày càng nhiều. Riêng năm 2007 chị cùng đồng nghiệp ở trạm y tế xã đã khám và điều trị cho 1.222 lượt bệnh nhân. Ngoài ra chị cũng đã tích cực tham gia triển khai có hiệu quả các chương trình y tế ở địa phương như tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, phục hồi chức năng, tâm thần và động kinh, chương trình phòng chống lao, bướu cổ, sốt rét... 

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh - Pả Cương cho hay: Nhờ có nữ bác sĩ Hồ Thị Hữu và các đồng nghiệp của chị đã đề cao lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, không quản khó khăn vất vả hết lòng chăm sóc khám chữa bệnh cho bà con dân bản nên những căn bệnh phổ biến ở các thôn, bản như tiêu chảy, viêm phổi, sốt rét trước đây hầu như nhà nào cũng có nay giảm đi đáng kể. Đặc biệt là đã không để dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn. 

Là xã đặc biệt khó khăn biên giới của huyện Hướng Hóa, xã Thanh có đường biên giới dài 16 km tiếp giáp với hai huyện Mường Nòng và Sê Pôn của nước bạn Lào. Sau khi hoạch định lại biên giới quốc gia, đường biên giới Việt - Lào là ranh giới của hai quốc gia. Song do xuất phát từ lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc Hướng Hóa nói chung và dân bản ở các bản Lào đối diện nói riêng đã kề vai sát cánh cùng chung chiến hào đánh đuổi thực dân, đế quốc và xuất phát từ quan hệ họ hàng, thân tộc nên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương hôm nay dân bản hai bên bản đối diện luôn có mối quan hệ gần gũi, thân tình và trợ giúp nhau về phát triển kinh tế-xã hội. Cũng chính vì thế tại Trạm y tế xã Thanh, nữ bác sĩ Hồ Thị Hữu cùng với đồng nghiệp của mình đã khám chữa bệnh cho không ít bệnh nhân ở Pa Riềng, Đen Vi Lay, Pa Lọ thuộc huyện Mường Nòng của nước bạn Lào. 

Chị Hồ Thị Cương, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, lấy chồng ở Pa Lọ, huyện Mường Nòng của nước bạn Lào, xúc động kể : Có lần tôi chuyển dạ đau quằn quại đã hai ngày lại đúng vào thời điểm trời mưa lũ, thầy mo cũng đã bất lực, nhưng nhờ bác sĩ Hồ Thị Hữu không quản khó khăn vượt lũ đến giúp đỡ nên tôi và ba cháu bé đã mẹ tròn con vuông. 

Khi chúng tôi hỏi về suy nghĩ, cảm tưởng và những khó khăn vất vả khi công tác ở một xã biên giới đặc biệt khó khăn, nữ bác sĩ Hồ Thị Hữu chân thành: Mình luôn ghi nhớ và tự hào được mang họ Hồ của Bác, cho nên mình xác định phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự quan tâm của Người dành cho đồng bào Vân Kiều mình lúc sinh thời. Khó khăn vất vả nhiều lắm. Nhưng vì sức khỏe của bà con dân bản nên mình cố gắng làm tốt công tác khám chữa bệnh, cũng là để  góp một chút công sức giúp đỡ bà con dân bản xóa bỏ hủ tục lạc hậu./.
AT (Theo: Báo Quảng Trị)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất