Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 17/10/2011 21:53'(GMT+7)

"Phân làn" ý thức

Biển báo chia làn đường vừa dựng lên đã bị... húc đổ.

Biển báo chia làn đường vừa dựng lên đã bị... húc đổ.

Không ít người cho rằng, việc thực hiện phân làn giao thông khó có thể duy trì được, khi người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành, trong khi ý thức, văn hóa giao thông nhìn chung còn thấp.

Việc phân làn giao thông ở Hà Nội cũng như tại các thành phố, địa phương khác là chủ trương đúng, cần thiết khi chúng ta chủ trương xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Phân làn giao thông nhằm duy trì trật tự trong giao thông, góp phần kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông - vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay. Nói rộng hơn, để đạt được mục tiêu nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định, thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có thực hiện phân làn giao thông trên các tuyến đường phải bảo đảm đồng bộ, mọi người phải chấp hành nghiêm.

Triển khai thực hiện phân làn giao thông trên các tuyến đường ở Hà Nội và các đô thị khác của nước ta là rất khó khăn, phức tạp. Thực tế triển khai thí điểm ở một số tuyến đường cho thấy, nếu không có lực lượng chức năng duy trì, hướng dẫn, thì người tham gia giao thông không tự giác đi đúng làn đường. Có nơi người dân còn đục phá, di dời biển báo, dải phân cách để có lối đi riêng, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, rất nguy hiểm và dễ xảy ra tai nạn.

Phân làn giao thông là việc làm cần thiết. Vì vậy, các địa phương, các ngành, các cấp, cần tập trung tìm các giải pháp thực hiện đồng bộ, đạt kết quả, mục đích, yêu cầu đề ra. Trước hết là phải “phân làn" ý thức, theo đó tăng cường tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông, văn hóa giao thông cho các tầng lớp nhân dân, cho người tham gia giao thông. Các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức quần chúng, nhất là các nhà trường có kế hoạch, biện pháp cụ thể giáo dục cán bộ, nhân viên, học sinh khi tham gia giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định về an toàn giao thông. Cần nghiên cứu xây dựng, đề xuất các chế tài cụ thể, tăng mức xử phạt, bảo đảm hiệu quả răn đe, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc thông báo về cơ quan, nhà trường, địa phương các trường hợp vi phạm phải xử lý, để làm cơ sở đánh giá ý thức chấp hành Luật Giao thông, văn hóa giao thông và bình xét thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân hằng quý, hằng năm. Triển khai đồng bộ, kiên quyết, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân thì việc phân làn giao thông mới đạt được kết quả cao, góp phần bảo đảm tốt an toàn giao thông và trật tự, an toàn xã hội./.

(Theo: Hương Hồng Thu/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất