Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 17/10/2011 16:50'(GMT+7)

Đến với Sín Chải

 * Vượt cao nguyên đá đến Sín Chải

Dưới cái nóng chói chang như muốn thiêu cháy vạn vật ở cao nguyên đá Tủa Chùa, chúng tôi nhằm hướng “cổng trời” Tà Phìn để về với Sín Chải- xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa. Vượt qua khỏi con dốc cửa ngõ của con đường độc đạo mà bà con các xã Sính Phình, Tả Sình Thàng... đều phải qua đây khi vào trung tâm huyện, chúng tôi đã bất ngờ, choáng ngợp khi phải đối mặt với những khúc cua gấp, có độ dốc và cung trượt rất lớn trên con đường uốn lượn, quanh co men theo sống núi, lưng chừng đèo. Nhìn từ trên đỉnh núi, con đường nhựa huyết mạch nối liền trung tâm huyện Tủa Chùa với các xã vùng cao tựa như một dải lụa, mềm mại lượn mình vắt qua những dãy núi, lúc e ấp ẩn mình sau những nương lúa rồi lại ngấp nghé phía xa xa như chào đón, vẫy gọi, dẫn lối người đi đường.

Trên hành trình, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà gỗ của bản người Mông quần tụ dưới chân dốc núi. Những làn khói bếp bay lên từ một vài nếp nhà sàn truyền thống, hoà quyện với cảnh núi non trùng điệp mà cảnh sắc bản làng người Mông thêm ấn tượng hơn. Tiếng học sinh đùa vui ở một vài điểm bản gần con đường mà chúng tôi qua cũng làm tan đi sự lẻ loi trong mỗi người. Thi thoảng gặp những người Mông đi nương, chúng tôi lại dừng xe hỏi đường để an tâm là hành trình đã đúng hướng. Tuy “ngôn ngữ bất đồng” nhưng chỉ cần chúng tôi nói đến Sín Chải là nhận được ngay những cái đưa tay chỉ hướng và nụ cười cởi mở, trọng tình, mến khách của những người Mông.

Trời về trưa, cái nắng gay gắt tầm đứng ngọ làm chúng tôi cảm thấy hơi mệt. Dự tính, vượt qua một con dốc phía trước chúng tôi sẽ tìm điểm dừng chân nghỉ ngơi, tiếp sức và cũng để hạ nhiệt lốc máy của “con ngựa sắt” dã chiến đang nóng bỏng. Nhưng phút chốc chúng tôi đã quên hẳn cái nắng, cái khát và nỗi mệt nhọc đang đeo bám chúng tôi suốt chặng đường gần 40 km vừa qua: Một công trình kỳ thú, đẹp đến mê hồn của thiên tạo đã bày ra trước con mắt ngỡ ngàng của chúng tôi. Ngút tầm mắt là một cao nguyên đá tai mèo bao la có độ tuổi kiến tạo hàng trăm năm nằm lởm chởm, trải dài đến rợp ngợp. Màu đá- sự pha trộn của hai sắc đen và xám đã làm cái sắc nắng chói chang, nhức nhối của vùng cao như dịu lại. Sực nhớ đến lời ông Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa Mùa Ngọc Tú, chúng tôi mới hiểu được vì sao cũng như ông Tú, người dân huyện nghèo Tủa Chùa lại ví Sín Chải là một “tiểu Hà Giang” thứ hai của Tổ quốc. Con đường dẫn đến xã Sín Chải từ đây chạy giữa bạt ngàn đá là đá, đá bao bọc xung quanh khiến chúng tôi có cảm giác như lạc vào một “thạch đồ trận” của tạo hoá mà quên đi sự vất vả của cuộc hành trình...

Sau những tiếng đồng hồ mê mải, chúng tôi cũng đến được điểm chợ Tả Sìn Thàng, cảm nhận được nhịp sống sôi động của buổi chợ phiên vùng cao giữa bốn bề thung lũng núi đá và lạc mắt trong những sắc màu thổ cẩm của trang phục thiếu nữ Mông. Khi mặt trời chưa kịp tắt những tia nắng giẻ quạt cuối cùng trước lúc lặn xuống chân núi phía Tây, chúng tôi lại ngược ngàn đi Sín Chải.

* Sín Chải đổi thay

Hiện tại, toàn xã Sín Chải có trên 650 hộ dân với trên 4.200 nhân khẩu, sinh sống ở 12 thôn, bản. So với mặt bằng chung của huyện, kinh tế của xã tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng so với mấy năm trước thì Sín Chải đã có một sự đổi thay tích cực.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, ông Thào A Vàng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Sín Chải thay đổi như hôm nay cũng phần lớn nhờ vào những chương trình, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến xã vùng cao khó khăn này. Các chương trình trọng điểm như 135, 167, Nghị quyết 30a... đã tạo tiền đề giúp kinh tế xã có những bước chuyển mình, phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong xã.

Trước đây, kinh tế của bà con trong xã chỉ độc dựa vào cây ngô, lúa nương với lối canh du canh, du cư, chọc lỗ tra hạt, diện tích nhỏ hẹp, manh mún, cho năng suất thấp, nay bà con đã biết áp dụng những phương thức tiên tiến hơn trong sản xuất, chăn nuôi khi mạnh dạn cải tạo, khai hoang diện tích để gieo cấy lúa ruộng, trồng đậu tương với tổng diện tích gieo trồng trên gần 1.000ha. Người dân còn mạnh dạn đóng chuồng trại chăn nuôi gia súc, theo hướng bầy đàn với số lượng tổng đàn trên 5.000 con. Kinh tế xã đã dần chuyển dịch theo hướng đa dạng hơn. Với năng suất lương thực bình quân trên 350kg/người/năm, người dân ở Sín Chải không những đã thoát khỏi nghèo khó, cảnh dứt bữa trong những tháng giáp hạt mà còn có sản phẩm tiêu thụ, bán buôn ngoài địa bàn. Giao thông căn bản hoàn thiện đã giúp bà con thông thương kinh tế dễ dàng hơn. Cái cảnh con ngựa thồ hàng, vượt ngược dốc nay đã thay đổi với phương tiện xe máy cũng giúp bà con chủ động thời gian, giải phóng sức lao động.

Điều mà bà con nơi đây hằng mong mỏi, đau đáu bao nhiêu năm nay giờ đã có: Sín Chải đã thoát khỏi tiêu chí xã “4 không” khi đã có điện, đường, trường, trạm y tế. Công trình điện lưới nông thôn vượt qua gần 60 km dẫn điện về bản đã đưa văn minh đến với người dân. Qua xem tivi, nghe đài bà con đã học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất, gieo trồng, chăn nuôi. Công tác y tế được triển khai tốt tại địa bàn đã nâng cao ý thức chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho nhân dân, giúp người dân bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu trong cuộc sống thường ngày. Cái lý của người Mông ở Sín Chải “đẻ nhiều để có người phát rẫy làm nương”, “bệnh tật, ốm đau là do ma rừng” đã không còn nữa. Điều đặc biệt hơn, hệ thống trường lớp, đủ các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đã biến ước mơ, khát khao được theo đuổi “cái chữ” của con em người dân trong xã thành hiện thực. Trẻ em ở độ tuổi đến trường đều được ra lớp đầy đủ. Học sinh ở những bản xa xôi hàng chục cây số, đi bộ mất non nửa ngày đường như bản Hấu Chua, Sáng Tớ, Chế Cu Nhe, Lồng Sự Phềnh ...cũng gùi gạo, củi đủ dùng cho những tháng ở lại những khu bán trú dân nuôi, hoà nhập vào phong trào “rời non học chữ” đang phát triển mạnh nơi đây.

Rời Sín Chải khi nắng chiều vừa tắt, bản làng Sín Chải dần chìm trong sương đêm, hơi núi. Tiếng học bài của trẻ em dân bản ở đâu đó cất lên, vọng vào vách núi. Mùi nếp nương của bà con dân bản sống ven đường bay lên thơm dịu. Tất cả như nói lên một điều Sín Chải nay đã đổi thay, no ấm hơn./.

Xuân Tiến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất