Vận động viên Phan Thị Hà Thanh là niềm tự hào lớn với Thể dục dụng cụ nước nhà, không chỉ bởi những chiến thắng vang dội trên đấu trường quốc tế mà còn là tấm gương nghị lực trong cuộc sống và luyện tập.
Hơn 10 năm trước, Phan Thị Hà Thanh là những vận động viên nhí đầu tiên của thế hệ vàng thể dục dụng cụ Việt Nam đã đánh đổi cả tuổi thơ sang Trung Quốc 8 năm để tập luyện với mục đích chuẩn bị cho SEA Games 22. Hành trình khó khăn, vất vả, nhưng cô chẳng thể nghĩ nổi nghiệp thể dục dụng cụ lại khắc nghiệt và đánh đổi nhiều thứ thế.
Gia đình Phan Thị Hà Thanh không ai làm trong ngành thể thao, cả bố, mẹ đều làm công chức nhà nước nhưng Hà Thanh lại có năng khiếu bẩm sinh với bộ môn thể thao này. Bà Trần Thị Quán, mẹ của Hà Thanh kể lại, hồi học lớp 1 Hà Thanh thích Thể dục dụng cụ và được lọt vào mắt xanh của HLV Nguyễn Thanh Thúy trong 1 lần tuyển quân.
“Hồi đó bố cháu đi công tác suốt, nên khi cháu đòi đi học TDDC, tôi cũng cản mãi. Tuy nhiên, thấy cháu nó đam mê quá, lại nghĩ đơn giản là nó gày gò ốm yếu, tập luyện sẽ khỏe mạnh, nên cho con đi học” - bà Quán kể.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Phan Hà Thanh còn quá bé để có thể hiểu biết hết về cái môn tốn công, tốn sức như thể dụng dụng cụ. Do nằm trong nhóm đầu tư trọng điểm, Hà Thanh phải sang Trung Quốc tập luyện để chuẩn bị cho kỳ SEA Games 2003 tổ chức ngay trên quê hương Việt Nam.
Hà Thanh tâm sự: “Với bộ môn rất khó như thể dục dụng cụ, để đạt được thành tích ở đấu trường châu Á thôi cũng là quá to lớn, chứ đừng nói mình mang thể dục Việt Nam đến gần với thế giới. Trong thời gian sống xa gia đình để luyện tập, tuổi thơ, bạn bè tôi nghĩ đấy là niềm động viên rất lớn và ý nghĩa”.
Tuổi thơ của Hà Thanh được gói gọn trong hai chữ “xa nhà”, thiếu vắng tình cảm của bố mẹ. Tuy nhiên, sự khổ luyện của “cô bé hạt tiêu” này đã gặt hái được nhiều thành công. Cột mốc đầu tiên với Phan Thị Hà Thanh chính là tấm HCV Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc khi mới 11 tuổi năm 2002, kỳ SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines, Phan Thị Hà Thanh giành tấm HCĐ đầu tiên trong sự nghiệp quốc tế của mình.
Cũng chỉ mất 2 năm để Hà Thanh bước lên đỉnh cao của sự nghiệp và giành rất nhiều thành tích danh giá khác. Nếu như năm 2011 đánh dấu sự thăng hoa của Hà Thanh bằng tấm HCĐ thế giới tại Nhật Bản; tấm huy chương giúp Hà Thanh đoạt tấm vé tham dự Olympic đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam, thì năm 2012 mới thực sự là sự chói lọi trên đỉnh cao của “bông hồng đất Cảng”.
Đáng chú ý nhất, chính là tấm HCV tại giải Vô địch Châu Á. Đây chính là thành tích cao nhất của Thể dục dụng cụ Việt Nam ở sân chơi châu lục. Với bảng thành tích này, lần thứ 2 liên tiếp Hà Thanh không có “đối thủ” trong cuộc bình chọn vận động viên tiêu biểu.
Nói về những thành tích của mình, Phan Thị Hà Thanh chia sẻ: “Đối với tôi được tham dự những giải đấu lớn và đạt được những thành tích tốt chính là những niềm vui và cũng là vinh dự. Tôi không nghĩ mình sẽ có được những thành công như thế ở tuổi 22 này”.
Với Phan Thị Hà Thanh, cả năm thi đấu xa nhà, Tết là dịp để cô được quây quần bên gia đình. Nhìn những tấm huy chương, bằng khen được treo trang trọng trên tường, cô bé đến với thể dục dụng cụ hồi lớp 1 năm nào không thể tin rằng mình có thể thành công được như thế. Tết, với Hà Thanh là được cùng mẹ đi chợ, chọn hoa, quà tết để trang trí cửa nhà. Dẫu chỉ được ở nhà vài ngày thôi, nhưng cũng đủ để Hà Thanh thể hiện lòng của mình tới bố mẹ.
“Tôi rất may mắn là được về ăn tết cùng gia đình, nhưng nhiều nhất cũng chỉ 1 tuần, nếu không là 4-5 ngày. Thời gian đó tôi để giành về quê thăm gia đình, họ hàng và bạn bè. Trong 1 năm tập luyện đây là thời gian nghỉ ngơi, tôi được đi chúc Tết, tham gia đình ông bà. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người quan tâm đến mình, được sống trong không khí vui vẻ”.
Tết năm nay, niềm vui của gia đình Hà Thanh là những đóng góp to lớn của cô với ngành thể thao đã được ghi nhận với quyết định đặc cách cho Hà Thanh vào biên chế Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, cùng với đó là một mảnh đất hơn 90m2 ở quận Kiến An - Hải Phòng.
Đây là phần thưởng vô cùng xứng đáng với Hà Thanh, khi mà những nỗ lực, cống hiến hết mình trong suốt hơn 10 năm qua với thể dục dụng cụ nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Dẫu sự ghi nhận với Hà Thanh đến muộn, nhưng dù sao cũng là một niềm vui lớn, là nguồn động viên để Hà Thanh tiếp tục phấn đấu trong thời gian còn lại của sự nghiệp./.
Theo VOVnews