Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 11/7/2009 16:21'(GMT+7)

Phát động Tháng chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2009

Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: P V

Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: P V

Uỷ ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tội phạm ma tuý, mại dâm mà Bộ Y tế là cơ quan thường trực, vừa ban hành Công văn số 3838/BYT-UBQG50 ngày 16/6/2009 về việc Triển khai Tháng chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, do Phó Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu ký..

Thời gian qua, những kết quả giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai trong cả nước đang có xu hướng gia tăng. Trong số phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nhiều người đã không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nguyên nhân chủ yếu là do bản thân người phụ nữ mang thai, phụ nữ nhiễm HIV thiếu thông tin, thiếu kiến thức, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi.

Hầu hết số phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ rất khó khăn trong việc tư vấn xét nghiệm tự nguyện, quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS cũng như công tác quản lý theo dõi chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để nâng cao nhận thức của người dân nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và mở rộng sự tiếp cận các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động Tháng Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2009 trên phạm vi cả nước từ ngày 01/8 đến ngày 31/8.

Mục tiêu của Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con này sẽ được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy các hoạt động hướng tới đạt được các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đến năm 2010. Cụ thể như sau:

- 90% phụ nữ mang thai được tư vấn về HIV/AIDS và 60% số phụ nữ mang thai được tư vấn tự nguyện xét nghiệm HIV;

- 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) nhận được gói dịch vụ toàn diện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- 90% bà mẹ nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) được tiếp tục theo dõi và chăm sóc sau khi sinh..

7 đối tượng được tác động trong Tháng Chiến dịch bao gồm : Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; Phụ nữ mang thai; Phụ nữ nhiễm HIV; Phụ nữ mang thai nhiễm HIV; Trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV; Chồng/bạn tình và thành viên gia đình của các nhóm phụ nữ trên; Nhân viên y tế tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; sức khoẻ sinh sản; dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các dịch vụ có liên quan khác.

Dưới chủ đề “Vì những đứa con không nhiễm HIV”, Chiến dịch này nhằm khuyến khích trực tiếp những người phụ nữ thuộc các nhóm đối tượng khác nhau, tham gia các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vì chính những đứa con thân yêu của họ

Các hoạt động truyền thông trong Tháng Chiến dịch được xác định cụ thể như sau:

- Mỗi địa phương, đơn vị ở cơ sở tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

- Truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 30% số phụ nữ từ 15-49 tuổi của địa phương, đơn vị;

- Tất cả các cơ quan thông tin đại chúng ở cấp trung ương và cấp tỉnh; các cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các Bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tháng phát động Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đơn vị.

Kết thúc Tháng Chiến dịch, những số liệu từ Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các Bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được phân tích, đánh giá, tổng kết, báo cáo Ban Chỉ đạo TW để có phương án xử lý.

Trần Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất