Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 7/7/2009 16:14'(GMT+7)

Mô hình truyền thông nhóm nhỏ trong phòng, chống HIV/AIDS


Chương trình thông tin giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi của dự án Phòng lây nhiễm HIV tại Việt Nam được thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh hơn ba năm.  Nhiều nhóm truyền thông nhóm nhỏ được tổ chức, góp phần thay đổi hành vi của nhiều nhóm đối tượng. Trong một buổi sinh hoạt, tôi đã gặp Nguyệt, phụ trách một nhóm truyền thông ở TP Hạ Long và được nghe kể về những công việc thường ngày của họ. Hằng ngày, nhóm đến Trung tâm Y tế nhận bao cao-su và bơm kim tiêm rồi đem phân phát tại các nhà hàng, khách sạn, các khu vực vui chơi giải trí trên địa bàn TP Hạ Long. Thời gian làm việc thường từ 9 đến 10 giờ sáng và 15 đến 16 giờ chiều, đây là lúc các cơ sở này vắng khách. Nhiều người cho rằng, hoạt động đó là tiếp tay cho kẻ xấu ăn chơi sa đọa, nhưng cùng với thời gian, mọi người đã hiểu, có cái nhìn khác đồng tình ủng hộ. Bằng kinh nghiệm thực tế, Nguyệt khẳng định về hiệu quả của dự án truyền thông nhóm nhỏ, giảm tác hại đã mang lại hiệu quả, một số người nghiện chích không dùng chung bơm kim tiêm; số người có quan hệ tình dục không an toàn đã biết sử dụng bao cao-su. Và nếu dự án triển khai sớm hơn năm, bảy năm về trước, chắc chắn số người nhiễm HIV/AIDS ở Quảng Ninh không nhiều như hiện nay. Nhưng để tiếp cận được các nhóm đối tượng nguy cơ cao: Mại dâm đường phố, tiếp viên các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, người nghiện ma túy, trước tiên, các đồng đẳng viên phải tiếp cận trực tiếp các nơi mà đối tượng hoạt động. Một công việc mới nghe qua tưởng chừng như dễ nhưng không dễ chút nào nếu không phải là "người trong cuộc".

Sự khác biệt của dự án là khi tuyển chọn đội ngũ đồng đẳng viên phải là người đã từng hoạt động trong các tụ điểm nguy cơ cao, vì hơn ai hết họ mới hiểu được những hoạt động trong của các nhóm trên. Họ được trang bị kiến thức, kỹ năng về HIV/AIDS thông qua các lớp tập huấn. "Quy trình" tiếp cận thân chủ (đối tượng nguy cơ cao) khá công phu, từ chuẩn bị địa điểm để tiếp cận đến trang phục và các vật dụng hỗ trợ thân chủ như tờ rơi, bao cao-su, bơm kim tiêm... Sau khi xây được lòng tin thì khai thác những hành vi nguy cơ của thân chủ sẽ dễ dàng hơn và người được tiếp nhận thông tin phải tuyệt đối giữ kín bí mật - vì đó là một trong những nguyên tắc của dự án (tự nguyện - bí mật - tôn trọng thân chủ - dịch vụ có chất lượng an toàn, có kiểm soát).  Sau khi có được những thông tin về thân chủ thì nhiệm vụ của đồng đẳng viên là phải hướng dẫn thân chủ đến với các dịch vụ có chất lượng, nhằm mục đích hỗ trợ giảm tác hại cho thân chủ như Chương trình tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chương trình lây truyền mẹ - con, dịch vụ khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội...

Sau khi tiếp cận được các thân chủ, nhiệm vụ tiếp theo của đồng đẳng viên là tổ chức truyền thông nhóm nhỏ (mỗi nhóm ít nhất có năm người). Mục đích của truyền thông nhóm nhỏ nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cho thân chủ. Kiến thức có thể là những thông tin về tình hình dịch tại địa phương, về các đường lây truyền HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống... sau khi cung cấp kiến thức, đồng đẳng viên phải hướng dẫn cho thân chủ các kỹ năng về an toàn tiêm chích, an toàn tình dục thông qua cách sử dụng bao cao-su đúng cách và cách súc rửa bơm kim tiêm theo phương pháp 2 x 2 x 2 (hai lần nước sạch, hai lần cồn và cuối cùng là hai lần nước sạch). Thông thường một buổi truyền thông nhóm nhỏ thời gian khoảng 30 phút và được diễn ra tại các tụ điểm như phòng trọ, quán ka-ra-ô-kê hay quán cà-phê mà thân chủ thường đến... Những việc làm của họ góp phần làm giảm sự lan rộng của HIV trong cộng đồng.

Chương trình này thực hiện được là phải nhờ được sự đồng thuận của chính quyền, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của người dân. Hiện tại chúng ta chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu thì biện pháp truyền thông trực tiếp qua mô hình truyền thông nhóm nhỏ với chương trình 100% bao cao-su, chương trình trao đổi bơm kim tiêm cho đối tượng nguy cơ cao là việc làm cần thiết, cần phát huy và nhân rộng mô hình này góp phần tích cực và nâng cao hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS./.

(Theo: Phạm Huy Dũng/ND)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất